 |
Lực lượng kiểm lâm huyện Hạ Long kiểm tra bảo vệ rừng |
|
Niềm tin và bảo vệ rừng của người Tày, Nùng ở Cao Bằng không chỉ khơi dậy nét đẹp từ ngàn xưa của đồng bào dân tộc. Sống gắn bó, trân trọng những cánh rừng đầu nguồn, những cánh rừng thiêng theo phong tục tập quán, hiện được các cấp chính quyền địa phương xây dựng và phát triển thành phong trào cộng đồng bảo vệ rừng.
Các dân tộc bản địa Cao Bằng rất có ý thức bảo vệ rừng và có truyền thống giữ rừng bằng luật tục. Có dịp đến bản Lũng Túng (xã Kim Loan, huyện Hạ Lang), nơi thực hiện Chương trình thí điểm Rừng cộng đồng, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến hàng chục ha rừng nguyên sinh với nhiều cây gỗ qúy. Rừng cây nghiến từ 300 - 500 tuổi ngút ngát màu xanh. Trong đó, có cây nghiến hơn 1.000 tuổi, cao khoảng 40m vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Ông Hoàng Văn Hạnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hạ Lạng cho biết, từ nhiều đời nay, theo luật tục dân trong làng không chặt cây trên rừng, vì đây là rừng thần. Vào mùa xuân, dân làng làm lễ cúng tế tạ ơn thần rừng đã cho nguồn nước, mùa màng tươi tốt... Nếu ai chặt cây rừng thiêng sẽ bị phạt. Được giao đất giao rừng lại có tổ bảo vệ của thôn bản thường xuyên đi tuần tra nên rừng được bảo vệ bền vững.
Mọi làng bản của người Tày, người Nùng ở Cao Bằng đều có Mó nước. Mó nước nằm cạnh khu rừng thiêng mà bà con gọi là Đông Sấn. Đông Sấn giữ cho Mó nước luôn đầy. Theo luật tục, ai chặt của Đông Sấn một cái cây, nhặt một cành củi mà không xin phép sẽ bị phạt rất nặng. Với người Tày, Nùng, mỗi cánh rừng đều có một điều thiêng của nó, những cánh rừng đó ở sát bên hàng rào của nhà, ở ven bản, ở đầu nguồn suối hay làm nên cả một thung lũng rậm rạp… Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Ngọc Sinh đánh giá, bảo tồn rừng nhờ một tập tục mang màu sắc tâm linh của đồng bào Tày, Nùng thể hiện cách ứng xử bình đẳng và văn minh giữa con người với thiên nhiên.
Ông Hạnh cho hay, hiện nay trên địa bàn huyện Hạ Lang có nhiều xã bảo vệ rừng bền vững như Kim Loan, Đồng Loan, Thắng Lợi, Đức Quang. Nhờ thực hiện quản lý rừng bằng Hương ước của làng, số vụ vi phạm hành chính về bảo vệ rừng so với những năm trước giảm đi rất nhiều. Chỉ tính riêng năm 2010, huyện thu giữ khoảng 10 m3 khối gỗ với số tiền phạt hơn 100 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện mới xảy ra 5 vụ khai thác lâm sản trái phép.
Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng do UBND tỉnh Cao Bằng triển khai được nhân dân hưởng ứng và tích cực thực hiện có hiệu quả. Rừng đặc dụng từ 8.654 ha đã tăng lên 15.794 ha/16.964 ha diện tích quy hoạch; rừng phòng hộ từ 104.676 ha tăng 207.636 ha/213.778ha; rừng sản xuất từ 95.256 ha tăng 111.446 ha/223.409, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh tăng từ 31% lên 51%, diện tích rừng đạt 335.061 ha, trong đó rừng tự nhiên 318.029 ha, rừng trồng 16.847 ha. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng, tỷ lệ che phủ rừng tăng nhanh, khẳng định vai trò, sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện Dự án. Ngành lâm nghiệp đã thực hiện tốt việc giao đất giao rừng, tạo môi trường sinh thái; quy hoạch được từng vùng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các khu du lịch sinh thái, phát triển rừng trồng cây nguyên liệu. Rừng chính là ưu thế, tiềm năng kinh tế của tỉnh.
Đến nay, Cao Bằng đã có trên 90% diện tích đất rừng được giao, phần lớn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các tổ chức, cá nhân nhận đất rừng đã tích cực triển khai trồng rừng, bảo vệ rừng theo hình thức khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất
Lực lượng kiểm lâm địa bàn luôn gắn với dân, với chính quyền cơ sở, đồng thời chuyển hoạt động kiểm tra, kiểm soát trong khâu lưu thông sang tổ chức bảo vệ rừng tận gốc, giám sát nơi tiêu thụ, chế biến lâm sản, nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng và đảm bảo chấp hành pháp luật, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
X. Hợp
(MONRE)