Ngày 14/10/2013 Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp xem xét hàng loạt hồ sơ cây cổ thụ của các tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Hà Tỉnh, Phú Yên, Bến Tre và thành phố Hà Nội gởi về trong thời gian gần đây. Hội đồng đã công nhận thêm 12 cây đơn lẻ và một quần thể cây là Cây Di sản Việt Nam, đưa tổng số Cây Di sản Việt Nam từ trước tới nay lên con số 514.
Đồng chí Trần Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh và PGS-TS Phùng Chí Sỹ thực hiện nghi thức khai bia. (Ảnh: H.C)
Trong số những cây lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam vừa được xét lần nầy, có cây bạch mai - một loài cây khá mới lạ, có tuổi trên 300 năm, có 9 thân, chiều cao 14 mét được trồng ngay trước chánh điện của đình Phú Tự, xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre. Cây bạch mai này đã được nhiều thế hệ nhân dân xã Phú Hưng quý trọng, tự hào, cùng nhau chăm sóc bảo quản, xem như một tài sản vô giá của cộng đồng. Từ nhiều năm nay, sau những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, vào ngày Tết Nguyên tiêu 14 tháng Giêng âm lịch, trong tiết trời xuân ấm áp, trong lành và tiết thanh minh, dưới tán cổ thụ bạch mai, giới văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh hội tụ làm thơ, tổ chức giao lưu, sinh hoạt văn hóa văn nghệ.... Tại nơi đây, vào năm 1998 Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu đã thành lập nhóm Bạch Mai thi hội.
Trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày thơ Việt Nam (còn được gọi là Tết Nguyên tiêu - ngày 14 tháng Giêng âm lịch), sáng 13/02/2013, Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận "Bạch Mai cổ thụ - Cây Di sản Việt Nam" tại khuôn viên đình Phú Tự, xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre. Đồng chí Trần Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh; PGS-TS Phùng Chí Sỹ - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và thành phố Bến Tre; xã Phú Hưng, Ban Quản trị Đình Phú Tự và đông đảo nhân dân của xã Phú Hưng đến dự lễ đón nhận Bằng công nhận "Bạch Mai cổ thụ - Cây Di sản Việt Nam".
PGS-TS Phùng Chí Sỹ trao Bằng công nhận "Bạch Mai cổ thụ - Cây Di sản Việt Nam". (Ảnh: H.C)
Việc công nhận "Bạch Mai cổ thụ - Cây Di sản Việt Nam" là việc làm có ý nghĩa văn hóa sâu xa, bởi chẳng những đã vinh danh những giá trị mà nhiều thế hệ ông cha ta đã chăm chút, quý trọng, gìn giữ không chỉ kế thừa tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc một cách cụ thể, mà còn nhằm bảo vệ kịp thời những nguồn gien đa dạng sinh học, những cây cổ thụ quý hiếm trên đất nước ta. Đồng thời đã nâng cao ý thức của toàn xã hội về vấn đề bảo vệ môi trường, một vấn đề có ý nghĩa sâu sắc mà giá trị khoa học thực tiễn mang tính bức thiết, nhất là trong thời kỳ biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa trên toàn cầu.
(Báo Bến Tre)
|