Hạnh An
Trong tâm thức của người dân cả nước, rùa Hồ Gươm là loài vật linh thiêng. Thế nhưng, linh vật này bấy lâu mới chỉ được hiểu như thế, chứ chưa có bất kỳ văn bản hay bộ luật nào thừa nhận. Luật pháp của Việt Nam về bảo vệ động vật quý hiếm khá đầy đủ. Tuy nhiên, rùa Hồ Gươm không có tên trong Sách đỏ Việt Nam và cũng không có một văn bản chính thức nào đề cập đến việc bảo vệ di sản sống này, kể cả trong danh sách các loài được bảo vệ theo Nghị định 32 về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Có lẽ vì thế mà mỗi khi rùa Hồ Gươm có chuyện thì không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm một cách chính thức.
Từ vấn đề bảo vệ rùa Hồ Gươm, nhìn rộng ra, mới thấy giật mình về cách ứng xử với những di sản văn hóa khác. Không bàn đến các di tích lịch sử trong phong trào "đập cũ, xây mới", vì dù sao những di tích đó ít ra còn có luật pháp bảo vệ. Trong khi đó, đối với các di sản sống thì quả là có nhiều điều đáng bàn. Còn nhớ, cách đây không lâu, người ta xôn xao về việc cây bồ đề cổ thụ ở chợ 19/12 (nay là đường 19/12), có giá trị lớn về mặt lịch sử cũng như tâm linh "bỗng dưng biến mất" để rồi phải lập hẳn một đội để "truy tìm thủ phạm" đã đánh cắp. Cuối cùng, cây cũng đã được tìm thấy, tuy có bầm dập và được trồng lại ở chỗ cũ.
Rất nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan, Mianma, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ... đã có quy định bảo vệ Cây Di sản như một loại Danh mộc Cổ thụ của đất nước. Ở ta, một số "danh mộc cổ thụ" như cây đa Tân Trào, cây Dã hương ngàn tuổi ở Lạng Giang (Bắc Giang), cây nhãn tổ ở Phố Hiến (Hưng Yên), cây dầu đôi ở Nha Trang... đã được Nhà nước hay cộng đồng bảo vệ. Tuy nhiên, đó chỉ là một số ít cây cổ thụ may mắn trong khi rất nhiều cây xứng tầm di sản bị "bức tử" vô tội vạ. Ví dụ cây thị ngàn tuổi ở phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn (Hải Phòng) bị chặt vì bị cho là "ăn" sang phần đất du lịch. Nhiều cây me cổ thụ trên trăm tuổi ở Phan Rang (Tháp Chàm), hàng cây muỗm cổ thụ trên núi Bò, Vườn thú Hà Nội bị chặt phá không thương tiếc.
Cho đến thời điểm này, việc vinh danh và theo đó lànhững biện pháp bảo tồn cây di sản ở Việt Nam đã và đang được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thực hiện. Mới đây, tỉnh Hải Dương vừa lên kế hoạch bảo tồn 54 cây Lim cổ thụ có tuổi thọ từ 200 - 800 năm được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia. Vẫn biết, để bảo tồn những di sản này là việc làm không dễ vì nhất là khi nhiều người chỉ nhìn sự việc bằng con mắt và sự tính toán thuần túy mang tính chất kinh tế. Ông Nguyễn Văn Sông, Trưởng ban Quản lý di tích thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi có 54 cây Lim cổ thụ cho biết: "Khu vực Đền Cao có một giá trị tuyệt vời về thiên nhiên. Bảo vệ được rừng Lim này phải nhắc đến công lao của các gìà làng. Và khi Ban quản lý về đây trùng tu, tôn tạo thì việc đầu tiên phải làm là giữ nguyên rừng thiên nhiên vô cùng quý giá này. Người xưa nói rừng Lim gắn liên với tổ cò hàng nghìn con. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang lần tìm tư liệu trong lịch sử để giữ gìn rừng Lim và khôi phục lại tổ cò".
Năm vừa qua là một năm bội thu khi chúng ta có tới 3 di sản được UNESCO công nhận trên toàn thế giới. Trong niềm vui và hãnh diện, dường như người ta tạm thời quên đi những di sản khác đang "kêu cứu". Từ trường hợp rùa Hồ Gươm mới thấy cần hơn bao giờ hết một cơ chế chung cho những di sản này, để bảo vệ và phát huy được những giá trị lịch sử, văn hóa trong cuộc sống hôm nay và mai sau.
|