quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

“Lộ hàng” và lời nguyền tài nguyên

Thứ Tư, 20/07/2011 | 02:24:00 PM

Báo chí những ngày này nóng một chủ đề không mới, chuyện “lộ hàng”. Đã trở thành một thứ mốt, giới showbiz Việt nhan nhản câu chuyện về sao này “ngắn”, sao kia “hở”. Để một hot girl hay hot boy tiếp cận với truyền thông và ánh đèn sân khấu, cách nhanh nhất có lẽ là vén một thứ gì đó lên cao, nhẹ nhàng nhất thì vén về đời tư chẳng hạn.

Nguyễn Quang Anh

Lỗi ở báo chí thay vì tập trung thông tin văn hóa lại xoay sang câu khách, lỗi ở người đọc không biết tránh những món ăn tinh thần nhiều cholesterol, hay lỗi ở các “nạn nhân” bị quay công khai, chụp hồn nhiên hay quay lén, chụp trộm?

Có quá nhiều điều trong xã hội đương đại dung dưỡng sự dễ dãi. Dường như ở đây có điểm gì đó khiến người ta phải liên tưởng tới khái niệm tiếng lóng gọi là “vốn tự có”: cái đẹp thiên phú, phô bày để gây chú ý và khai thác phần thô.

Có gặp người Hàn Quốc mới thấy, vẻ đẹp tự nhiên của họ không hơn gì vẻ đẹp người Việt. Giọng ca của người Hàn cũng rất khó để đi chiếm lấy một giải Grammy dù chỉ ở mức “triển vọng”. Nhưng phim Hàn Quốc và K-pop thì làm mưa làm gió khắp trời Âu biển Á.

Những Bi Rain, Wonder Girls, Su Ju, Next Generation khiến thế hệ “xì - tin” mê mệt đều là những sản phẩm của công nghệ, của know-how, chứ không đơn giản là sự phô diễn vẻ bề ngoài. Được như vậy, họ phải nghiên cứu kỹ càng thị hiếu xem khán giả muốn cười gì, khóc gì và muốn yêu ai. Để được như vậy, họ phải khổ luyện ứa nước mắt dưới một quy trình đào tạo nghiêm ngặt và có tính toán. Nước mắt cũng chảy cùng công nghệ dao kéo bậc thầy của xứ kim chi để tạo hình ra những nhân vật không tì vết từ cạnh ngoài mũi tới mé trong đùi.

Còn nhớ trong một triển lãm vài năm trước ở Hà Nội về thành tựu công nghiệp Hàn Quốc, người Hàn trưng ra một danh sách sản phẩm Hàn Quốc ở đẳng cấp thế giới. Không có một sản phẩm nào được lấy lên từ đất, rút lên từ biển. Tất cả đều nhân tạo: màn hình LCD, điện thoại di động, chip máy tính, tàu biển, công nghệ nano... mỗi thứ đều chiếm không dưới 30% thị phần quốc tế. Cũng dễ hiểu, Hàn Quốc, giống như Nhật Bản, có tài nguyên vào loại kém nhất châu Á. Thứ duy nhất mang tính chất nguyên liệu thô lại là một sản phẩm không phải là tài nguyên thiên nhiên: bông sinh học. So sánh vốn luôn khập khiễng, nhưng Việt Nam ngược lại luôn đứng đầu thế giới về thủy sản, cà phê, gạo, hồ tiêu.

Việt Nam giàu có không chỉ ở sản phẩm nông nghiệp. Sự giàu có của đất nước còn nằm ở trữ lượng dầu thô, than đá, vàng, nhôm, titan... rất có giá trị. Song, Việt Nam vẫn ở vị trí một nước nghèo, khi thu nhập từ việc khai thác những kho tàng quý giá này không tương xứng với tiềm năng giá trị, đơn giản là vì chủ yếu chúng được xuất thô. Ngay cả một xứ từng đổi đời nhờ du lịch như Phan Thiết - Mũi Né, người ta cũng bất lực trước việc titan được đào lên trong lòng các dự án resort để xuất thô với giá vài chục đô la một tấn.

Michael Porter, cha đẻ của chiến lược cạnh tranh, nhận xét trong buổi công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh 2010 rằng mô hình phát triển dựa trên các yếu tố tự nhiên được thừa hưởng, vốn đã giúp Việt Nam tăng trưởng trong 15-20 năm qua, hiện đã lỗi thời. Ý kiến này giống như lý thuyết “lời nguyền tài nguyên” nổi tiếng, vốn chỉ ra những nước càng giàu tài nguyên, càng dễ đối mặt với nguy cơ tụt hậu. Còn những quốc gia như Nhật, Hàn, tài nguyên thiếu vắng lại là động lực trui rèn tính cách dân tộc cùng sự sáng tạo để vượt lên chính họ.

Trong nền kinh tế Việt Nam, “các yếu tố tự nhiên được thừa hưởng” được khai thác phổ biến và dễ dãi thay vì tinh chế bằng sáng tạo và công nghệ. Ở nền công nghiệp giải trí, vẻ bề ngoài “trời cho” cũng đã và đang tràn ngập khắp nơi bằng scandal thay cho chất lượng nghệ thuật. Không biết chuyện này có bắt nguồn từ chuyện kia hay không, nhưng các hiện tượng xã hội đều có khả năng quan hệ qua lại và biện chứng.

Có điều, giống như vẻ đẹp của những vòng một vòng hai vòng ba kia sẽ “chảy” đi, úa tàn đi cùng năm tháng, tài nguyên cũng sẽ dần dà cạn kiệt đi theo thời gian. Nếu chỉ “vén - khoe - đào - vớt” những gì trời đất hào phóng ban cho, sẽ không có tài nguyên nào tồn tại mãi và rút cuộc nền kinh tế sẽ vĩnh viễn chỉ phát triển ở trình độ “lộ hàng”.

(TBKTSG)

Lượt xem: 3448

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE