Bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được người dân sinh sống trong khu vực VQG Xuân Sơn bảo tồn, gìn giữ.
Kho tàng của những nguồn gen quý
Nằm cách trung tâm Hà Nội gần 130km, VQG Xuân Sơn có tổng diện tích tự nhiên hơn 33 nghìn hecta, trong đó diện tích vùng đệm là 18,3 nghìn hecta, vùng lõi rộng 15 nghìn hecta; trải dài trên địa phận xã Xuân Sơn và các xã khác thuộc huyện Tân Sơn, đồng thời tiếp giáp với địa bàn tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Cùng với VQG Ba Vì (Hà Nội) và VQG Tam Đảo (Vĩnh Phúc), VQG Xuân Sơn tạo thành thế “kiềng ba chân” vững chắc về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học lớn nhất phía Bắc, là những “lá phổi xanh” quan trọng giúp điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và những nguồn gen động, thực vật quý hiếm cho cả nước.
Không chỉ nằm trong danh sách 15 VQG lớn nhất của Việt Nam, Xuân Sơn còn là VQG duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi (chiếm 2.432ha), độ che phủ lên đến 84%, vì thế, nơi đây sở hữu cảnh quan độc đáo với hệ sinh thái phong phú, sự đa dạng sinh học và địa hình cao. Theo thống kê, VQG Xuân Sơn có 1.259 loài thực vật; 365 loài động vật trong đó có 46 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Tại Xuân Sơn hiện còn nhiều loài cây gỗ quý, đặc biệt là rừng chò chỉ đẹp và lớn nhất miền Bắc. Không những thế, Xuân Sơn còn được mệnh danh là “kho giống bản địa, kho thuốc Nam khổng lồ” khi sở hữu 665 loài cây thuốc quý, chiếm 54% tổng số loài thực vật tại vườn. Sự đa dạng của cây thuốc và nguồn tài nguyên thực vật tại VQG Xuân Sơn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ nguồn gen quý, đồng thời mang lại nhiều giá trị về kinh tế, khoa học, môi trường cũng như nguồn sinh kế ổn định cho bà con sinh sống trong vùng đệm và vùng lõi.
Thời điểm lý tưởng để ghé thăm Xuân Sơn là mùa hè từ tháng 5 - 8, khi nhiệt độ trung bình chỉ từ 21 - 23 độ C; hoặc từ tháng 10 - 12, khi những vạt hoa trạng nguyên nở đỏ rực hai bên đường và khắp các triền đồi, xua tan cái u ám của mùa đông lạnh giá.
Đến với VQG Xuân Sơn, du khách còn có dịp tham quan Bảo tàng thiên nhiên - nơi trưng bày các tiêu bản động, thực vật là minh chứng cho thấy sự đa dạng của các loài đặc hữu nơi đây.
Đầu tư phát triển du lịch cộng đồng
Tại VQG Xuân Sơn hiện có 20 thôn với 1.450 hộ, 8.230 nhân khẩu nằm trong vùng đệm và 9 thôn thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với 630 hộ và hơn 3.000 nhân khẩu. Hầu hết các hộ dân này đều là người Dao, Mường. Trước đây, họ chủ yếu sống dựa vào việc canh tác nông nghiệp và khai thác lâm sản phụ. Nhờ sự đồng hành của chính quyền địa phương và Ban quản lý VQG Xuân Sơn, hiện nay, người dân ngày càng có ý thức trong việc bảo vệ rừng và tham gia phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại các bản Lấp, bản Dù, bản Cỏi, thác Ngọc...
Tại VQG Xuân Sơn hiện có 10 hộ gia đình tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều homestay đã trở thành địa chỉ quen thuộc với du khách không chỉ bởi cảnh quan, kiến trúc, các phong tục tập quán truyền thống được gìn giữ mà còn bởi các hộ đã cải tạo nhà ở, vườn tược, làm hàng rào, trồng hoa, cây cảnh... tạo khuôn viên đẹp, vệ sinh và thân thiện với môi trường để đón du khách tới nghỉ dưỡng, hòa mình vào cuộc sống và thiên nhiên ở Xuân Sơn.
Chị Trần Thu Hiền, một du khách đến từ quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: “VQG Xuân Sơn là một điểm đến hấp dẫn với những người yêu thiên nhiên. Chúng tôi đã được trải nghiệm trekking, đạp xe xuyên rừng, khám phá các dãy núi, hang động tuyệt đẹp và thưởng thức nhiều món ăn hấp dẫn như gà chín cựa, cơm lam, lợn lửng, rau sắng, rêu đá... Nhưng ấn tượng nhất là chúng tôi được cùng người dân tham gia các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống như đâm đuống, múa xòe, nhảy sạp...”.
Dù sở hữu nhiều lợi thế, nhưng lượng khách đến với VQG Xuân Sơn chưa tương xứng với tiềm năng. Mỗi năm, nơi đây mới thu hút được khoảng hơn 30 nghìn lượt khách. Để thu hút khách du lịch đến VQG Xuân Sơn nhiều hơn, theo Giám đốc Công ty Fivestar Travel Lương Duy Doanh, tỉnh Phú Thọ cần đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông nối với khu vực VQG Xuân Sơn. “Với hệ thống đường nhỏ hẹp như hiện nay, các xe khách sẽ rất khó để tránh nhau trên đoạn đường 20km từ quốc lộ vào VQG. Để thu hút khách, điều đầu tiên cần quan tâm là cải tạo hệ thống đường sá, cơ sở hạ tầng, sau đó là biển chỉ dẫn thuận lợi.
Ngoài ra, để gia tăng trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, có thể xây dựng cung đường trekking chinh phục đỉnh núi cao 1.500m trong VQG Xuân Sơn. Đây sẽ là điểm nhấn kéo khách đến với Xuân Sơn, đặc biệt là du khách trẻ thích khám phá, mạo hiểm...” - ông Doanh hiến kế.
Cao Minh