Nhiều ý tưởng xanh, dễ thương đã “khai sinh” và duy trì nhiều năm nay ở các trường học. Quy mô chỉ dừng lại ở cấp trường, cấp lớp nhưng những túi xách sinh thái, xe đạp hút khói bụi hay những bảng hướng dẫn phân loại rác từ đầu nguồn ra đời đã giải quyết những vấn đề về môi trường xung quanh các bạn.
|
Nhóm Những chàng trai xanh của lớp 11A1 Trường THPT Gia Định với chiếc xe đạp có gắn thiết bị hút bụi đoạt giải nhất - Ảnh: Phi Long
|
Từ một cuộc thi
“Mình thấy cứ sau mỗi buổi học là có hàng trăm tờ giấy nháp được vứt vào sọt rác rất phung phí. Tại sao chúng ta không làm một thùng rác riêng đựng những giấy này để có một khoản thu đáng kể từ việc bán giấy vụn” - Lại Thị Tuyết Chinh, lớp 11C Trường THPT Gia Định, nói về suy nghĩ của mình khi cùng nhóm bạn cho ra đời dự án “Thùng rác giấy”.
Mỗi ngày một học sinh thải ra một tờ giấy thì với một trường có quy mô 30 lớp sẽ gom được khoảng 100kg giấy mỗi tháng, thu về hơn 200.000đ. Tuyết Chinh nói số tiền này đủ cấp học bổng cho học sinh nghèo trong trường, “nhưng quan trọng hơn là giúp nâng cao ý thức của học sinh trong việc tiết kiệm”.
Nhóm học sinh lớp 11A2 đưa ra một “khái niệm mới”: thực hiện 4R trong trường học. Bùi Quang Văn - một thành viên trong nhóm - nói rằng đã nghiên cứu kỹ mô hình phân loại rác 3R là Reduce (giảm thiểu) - Reuse (tái sử dụng) - Recycle (tái chế). R thứ tư là Rethink (suy nghĩ lại).
Văn phân tích: “Suy nghĩ lại là cân nhắc mua gì thân thiện với môi trường nhất và chỉ mua những gì thật cần thiết. Suy nghĩ thật kỹ trước khi bỏ một vật dụng nào đó và nếu vẫn còn sử dụng được hãy tái chế nó”.
Hằng ngày đạp xe đến trường, thường xuyên hít khói bụi do các loại xe có động cơ thải ra, Nguyễn Bảo Minh đã nảy ra ý tưởng lắp một chiếc máy hút bụi kề bên bánh xe đạp trước.
Chiếc máy này được nhóm của Minh thực hiện theo nguyên lý lấy điện khi bánh xe đạp quay để chạy cánh quạt hút bụi. Phía sau cánh quạt là một lớp xốp để giữ bụi lại và thay khi đã quá bẩn. Bảo Minh nói chiếc máy chỉ có giá 58.000đ sẽ là trợ thủ đắc lực cho người đi xe đạp đỡ phần nào hít phải khói xe.
Ý tưởng “Xe đạp hút bụi” đã đoạt giải nhất cuộc thi “Xanh Gia Định - Xanh ước mơ” của Trường THPT Gia Định.
Cô Hoàng Thị Diễm Trang - hiệu phó trường - cho biết rất bất ngờ với kết quả thu được từ cuộc thi vì sự sáng tạo phong phú của học sinh cũng như ứng dụng cao.
Không gian xanh học đường
CLB bảo vệ môi trường Sao La còn yêu cầu các bạn phân loại rác ngay tại nguồn. Khoảng một năm nay, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có hai loại thùng chứa rác: có thể tái chế và không thể tái chế. Mỗi thùng đều được ghi tên một số loại rác cần bỏ vào.
Vào giờ ra chơi của hai tuần đầu phát động, CLB Sao La túc trực hướng dẫn các bạn cùng trường bỏ rác đúng cách. Tình hình vứt rác bừa bãi giảm rõ rệt. Song song đó, CLB Sao La còn tái chế rác thành nhiều vật dụng hữu ích trong các hoạt động vì môi trường xanh.
CLB còn quyết định tổ chức bán túi xách sinh thái để gây quỹ thành lập một tủ sách chuyên về môi trường đặt trong thư viện.
“Sách về môi trường trong thư viện khá ít nên CLB muốn cho ra đời một tủ sách chuyên về môi trường để các bạn học sinh có thể tìm đọc và hiểu thêm về tình hình hiện nay, từ đó mỗi bạn sẽ dần hình thành ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh mình” - Vương Gia Tuấn nói về ý tưởng của mình.
Còn nói về chiến dịch lấy chữ ký, Nguyễn Bảo Trưởng chia sẻ: “Bọn mình muốn đó như là một cam kết của mỗi bạn đối với bản thân mình để từ đó có ý thức hơn trong việc vứt rác đúng nơi quy định...”.
|
Nhiều bạn học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi quyết định tặng trường cây xanh - Ảnh: Hà Thanh |
Thay vì tặng ghế đá như học sinh trường khác, tất cả các bạn lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi hùn mua những chậu cây xanh khá to về trường rồi lụi hụi trang trí, viết lời nhắn nhủ và ý nghĩa của từng cây.
Năm năm qua, số lượng cây xanh do học sinh cuối cấp gửi tặng đã vượt qua con số 50 trong tổng số hơn 100 cây trong trường. Con số này tiếp tục tăng lên sau mỗi năm học.
“Để các em tự nguyện góp tay tạo mảng xanh trong trường thì các em sẽ ý thức hơn với việc bảo vệ những cây xanh đó. Theo tôi, đó là cách giáo dục thiết thực, hiệu quả và lâu dài về tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường”, thầy hiệu trưởng Lê Văn A nói.
|
PHI LONG - HÀ THANH
(Tuổi Trẻ, 5/3/2010)