|
40% người dân thành phố Armsterdam (Hà Lan) di chuyển bằng xe đạp. (Nguồn: Internet) |
Phương tiện giao thông hợp với túi tiền của người nghèo này còn góp phần nâng cao sức khỏe, giảm tình trạng thừa cân mà không cần đến thuốc.
Các tính toán cho thấy, xe đạp giúp tiết kiệm diện tích trong lưu thông và đỗ xe. Sáu chiếc xe đạp đi trên đường phố chỉ tương đương với không gian cho một chiếc ôtô lăn bánh. Trong bãi đỗ xe, 20 chiếc xe đạp mới bằng diện tích đỗ một chiếc ôtô.
Hiếm có biện pháp nào hiệu quả để giảm khí thải CO2 bằng việc thay ôtô bằng xe đạp khi di chuyển trên quãng đường ngắn.
Xe đạp cho thấy điều kỳ diệu về hiệu quả trong thiết kế khi chỉ với khoản đầu tư 22 bảng Anh cho sắt thép và cao su mang lại ba lợi ích: Linh hoạt trong giao thông; Giúp người đi cân bằng lượng calo nạp vào và thoát ra khỏi cơ thể; Giúp giảm các bệnh về tim mạch, chống loãng xương, viêm khớp và tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
Trong thời gian từ năm 1990 đến năm 2002, sản lượng xe đạp toàn cầu đạt trung bình 94 triệu chiếc mỗi năm, trước khi tăng lên 130 triệu chiếc năm 2007, vượt xa sản lượng ôtô ở mức 70 triệu chiếc trong cùng năm này.
Tại một số thị trường, doanh số bán xe đạp đang gia tăng khi các chính phủ đưa ra hàng loạt biện pháp khuyến khích sử dụng xe đạp.
Chính phủ Italy đã bắt đầu một chương trình khuyến khích mua xe đạp hay xe đạp điện nhằm cải thiện chất lượng môi trường đô thị và giảm lượng ôtô lưu thông trên đường. Chương trình trợ giúp trực tiếp này sẽ thanh toán 30% chi phí mua xe.
Tuy Trung Quốc, với 430 triệu xe đạp, là thị trường xe đạp lớn nhất thế giới, nhưng tỷ lệ sở hữu xe đạp ở châu Âu lại cao hơn nước này. Tại Hà Lan, bình quân mỗi người đều có một chiếc xe đạp, trong khi con số này tại Đan Mạch và Đức cũng sắp đạt mức một xe/người.
Trung Quốc hiện là nơi có sản lượng xe đạp cao hàng đầu thế giới. Năm 1976, nước này chỉ sản xuất 6 triệu xe đạp. Nhưng từ năm 1978 - năm mở cửa thị trường, sản lượng xe đạp của Trung Quốc bắt đầu tăng và đạt gần 90 triệu xe trong năm 2007.
Khi lượng xe hơi tại Trung Quốc tăng từng ngày và gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông, thì xe đạp vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của nhiều trăm triệu người dân khác của nước này.
Còn tại các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, điển hình là Hà Lan, người ta đã xây dựng hệ thống giao thông thân thiện với phương tiện là xe đạp. Hiện 27% trong tổng số hoạt động đi lại của người dân nước này là bằng xe đạp, so với mức tương ứng 18% tại Đan Mạch và 10% tại Đức.
John Pucher và Ralph Buehler thuộc Đại học Rutgers đã thực hiện một nghiên cứu khi phân tích những lý do tạo nên khoảng cách trên giữa các nước và đi đến một phát hiện thú vị rằng ở những nơi có bãi đỗ xe đạp rộng, hệ thống đi lại thuận tiện với nhiều phương tiện giao thông công cộng, cả người đi xe đạp và ôtô đều được đào tạo kỹ và hiểu rõ về giao thông thì thường là nơi có tỷ lệ người sử dụng xe đạp ở mức cao.
Thêm vào đó, ở các nước trên, giới chức trách còn đánh thuế và áp phí rất cao nhằm hạn chế sở hữu và sử dụng bãi đỗ xe hơi.
Trong khi Mỹ và Anh còn đứng ngoài các chương trình khuyến khích sử dụng xe đạp thì tại một số nước Bắc Âu, chính quyền nhiều thành phố đã xây dựng làn đường dành riêng cho người đi xe đạp.
Cùng với xe đạp truyền thống, lượng tiêu thụ xe đạp điện (e-bike) cũng đang tăng khá nhanh. E-bike sử dụng năng lượng tương tự như ôtô sử dụng động cơ lai, tức là cũng nhờ hai nguồn khác nhau, trong đó có một nguồn là pin sạc. Tuy nhiên, e-bike thân thiện với môi trường hơn xe ôtô lai vì e-bike không sử dụng bất kỳ loại nhiên liệu hóa thạch nào.
Tại Trung Quốc năm 2008 có gần 100 triệu e-bike lăn bánh trên đường, so với 18 triệu xe hơi. E-bike không chỉ hấp dẫn người tiêu dùng ở nhiều quốc gia châu Á đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí, mà còn hấp dẫn cả người dân Mỹ và châu Âu./.