Một chuyên gia môi trường tham dự một hội thảo về xử lý chất thải rắn sinh hoạt cuối tuần qua thẳng thắn cho rằng nhiều địa phương đã có những quy định xử phạt hành chính những người vứt rác không đúng nơi quy định nhưng xem ra khó xử phạt.
Nói ngay thủ đô Hà Nội cũng có quy định nghiêm cấm dân vứt, đổ chất thải không đúng nơi quy định ra vỉa hè, lòng đường, hệ thống thoát nước, sông hồ, công viên, vườn hoa...
Quy định có hiệu lực từ năm 2010 áp dụng mức xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi đổ chất thải sinh hoạt không đúng nơi quy định; phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với lỗi làm rơi vãi rác thải trong khi thu gom vận chuyển; phạt 10-15 triệu đồng đến khi vận chuyển và đổ chất thải rắn không đúng nơi quy định.
Còn tại công trường xây dựng, các loại chất thải như bùn đất, bùn hữu cơ phải sử dụng xe chuyên dùng, nghiêm cấm làm rò rỉ, rơi vãi khi vận chuyển. Các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu rời, phế thải xây dựng khi ra khỏi công trường phải được rửa sạch, không gây bẩn trên đường phố.
Ngoài các mức phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị buộc khắc phục tình trạng mất vệ sinh môi trường, chịu mọi chi phí thuê để khắc phục hậu quả đã gây ra.
Mức phạt đưa ra là vậy, nhưng theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện Môi trường Đô thị&Công nghiệp Việt Nam, “các địa phương gặp khó khăn trong việc xử lý những người vứt rác không đúng nơi quy định”.
Cũng theo quy định này, đơn vị vệ sinh môi trường thu gom rác theo giờ, nghiêm cấm hoạt động trong giờ cao điểm (06h00 đến 08h00 sáng và 16h30 đến 19h00 tối). Đơn vị vệ sinh môi trường cũng được giao thường xuyên kiểm tra, dọn sạch rác thải trên đường phố, nơi công cộng trong ngày.
Nếu dân ý thức được rằng việc vứt rác đúng nơi quy định sẽ góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường quanh nơi sinh sống, giảm thiểu bệnh tật do môi trường gây ra thì những đơn vị thu gom rác đỡ phải theo sau để nhặt rác mỗi khi trẻ em chưa ý thức được nên vứt rác ra nơi công cộng vậy.