Sao la được tìm thấy tại Huế vào những năm 1998. Ảnh WWF Việt Nam
Theo đó, chiến dịch nhấn mạnh bảo vệ rừng là điều kiện tiên quyết để bảo tồn loài động vật đặc hữu nguy cấp này cũng như bảo vệ những lợi ích sinh thái và sinh kế cộng đồng. Thông điệp được lồng ghép trong “cuốn nhật ký sao la”, kể lại những câu chuyện chân thực, sinh động chưa từng được biết đến tại núi rừng Trung Trường Sơn. WWF- Việt Nam và các đối tác cũng sẽ phổ biến thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các nền tảng mạng xã hội nhằm kêu gọi sự hưởng ứng của các nhà báo, nghệ sỹ và những người có tầm ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn động vật hoang dã của WWF-Việt Nam chia sẻ: “Sao la và các loài nguy cấp khác đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi nạn săn bắt và các hoạt động phát triển của con người. WWF-Việt Nam đã hỗ trợ và thực hiện nhiều hoạt động bảo tồn sao la từ khi loài này được phát hiện bao gồm hỗ trợ thiết lập các khu bảo tồn, thực hiện các nghiên cứu, giám sát và tuần tra tháo gỡ bẫy tại các Khu bảo tồn Sao la bởi các nhóm bảo vệ rừng được WWF thành lập từ năm 2011”.
Bên cạnh công chúng cả nước, chiến dịch tập trung truyền thông đến thanh thiếu niên từ 12 đến 25 tuổi tại 06 tỉnh miền Trung bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, nơi dự án “Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng” đang nỗ lực tìm kiếm và bảo tồn những cá thể sao la còn tồn tại ở khu vực Trung Trường Sơn.
Bằng việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn loài Sao la, chiến dịch góp phần tăng mức độ nhận diện sao la trên toàn khu vực Trung Trường Sơn và kêu gọi cộng đồng cung cấp thông tin có giá trị nhằm hỗ trợ phát hiện và bảo tồn loài. Những nỗ lực này là một phần của một tầm nhìn rộng hơn đó là thiết lập trung tâm nhân giống bảo tồn các loài đặc hữu quý hiếm với mục đích tái thả và phục hồi quần thể các loài nguy cấp này về tự nhiên khi đủ an toàn.
Trung tâm Thông tin du lịch