(VACNE, 16/6/2015) - Hơn nửa thế kỷ vắng bóng, 5 cá thể vọoc đen Hà Tĩnh (Trachypithecus Hatinhensis) được sinh ra và nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) Vườn quốc gia Cúc Phương đã được thả tái hòa nhập vào rừng tự nhiên Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh.
Ảnh: Lê Trọng Đạt
GSTSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam cho biết: Đây là một trong những loài linh trưởng quý hiếm, được phát hiện đầu tiên ở Hà Tĩnh, nên được các nhà khoa học đặt tên là Trachypithecus Hatinhensis. Giáo sư bày tỏ sự vui mừng, đánh giá cao sự kiện này và coi đây là sự kiện lớn của giới khoa học trong việc bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý hiếm; đồng thời cũng mở ra triển vọng phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Ông Ti lô Giám đốc Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp cho biết thêm: Năm cá thể vọoc được thả vào tự nhiên lần này gồm 1 con đực và 2 con cái trưởng thành (15 tuổi), cùng 2 con cái non. Tất cả đều là hậu duệ của những cá thể được cứu hộ cách đây hàng chục năm và chúng được sinh ra tại Trung tâm nhờ Dự án tài trợ “Bảo tồn các loài linh trưởng Việt Nam” của Vườn thú Leipzig (Công hòa liên bang Đức). Việc nhân nuôi và tái hòa nhập cho chúng trở về sống hoang dã là rất khó khăn và tốn kém (cả về kinh phí lẫn thời gian, công sức). Do đó, mọi người không nên săn bắt, hãy để chúng được sống hạnh phúc trong ngôi nhà và trên quê hương của chúng.
Những người thực hiện dự án này, rất mong có được sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của chủ rừng, các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư trong vùng cùng bảo vệ và giữ môi trường rừng. Có như thế thì các cá thể này mới có thể tái hòa nhập trợ lại với thiên nhiên, sinh trưởng và phát triển tốt. Sau một thời gian nghiên cứu, theo dõi, đàn vọoc này. Nếu chúng sớm tái hòa nhập với môi trường tự nhiên, có sự sinh trưởng tốt, có sự hòa nhập với các quần thể khác thì Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các đợt thả khác để quần thể vọoc đen Hà Tĩnh phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Huy Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, thay mặt chính quyền, các cơ quan chức năng và nhân dân địa phương cảm ơn sự đóng góp tích cực của EPRC, Vườn Quốc gia Cúc Phương, cùng sự ủng hộ của các nhà khoa học Hội BVTN&MT Việt Nam, các cơ quan truyền thông về sự kiện này, góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học của Hà Tĩnh nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Cùng với việc chỉ đạo chủ rừng và các đơn vị chức năng phải có trách nhiệm bảo vệ các cá thể vọoc này cũng như các loài động vật đã được thả vào tự nhiên trong vùng, ông cũng thay mặt chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương bày tỏ quyết tâm vận động nhân dân cùng bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ những nguông gen quý hiếm để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững./.