Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam nên ưu tiên phát triển du lịch biển, đảo, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.
Việt Nam là một quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch bền vững. Du lịch được xem là "ngành công nghiệp không khói", đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế. Trong đó, du lịch xanh đang là xu hướng được ưu tiên để phát triển bền vững, hiệu quả.
Tại Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo để phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo và nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, tỉnh Bình Thuận và các địa phương cả nước tập trung xây dựng các kế hoạch, chiến lược và quyết liệt trong hành động để hướng tới thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch “xanh” như chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2023. Cùng với đó, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tăng cường và đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến và phát huy sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch.
Để tạo sức mạnh tổng hợp trong phát triển du lịch bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, các cấp, các ngành có liên quan cần chú ý đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hợp tác công - tư trong hoạt động và phát triển ngành Du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân trên chính mảnh đất quê hương mình; góp phần giảm nghèo, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan, tạo diện mạo mới cho đất nước và quê hương.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, chúng ta sẽ tiếp tục kiên định với những giá trị bền vững mà nhiều năm qua đất nước Việt Nam, du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Đó là thông điệp “Việt Nam – Đất nước an toàn” và hình ảnh “Việt Nam – Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn” ,”Một Việt Nam thân thiện, hòa bình, hợp tác và hiếu khách”.
Bên cạnh những tiềm năng thuận lợi cho phát triển du lịch, ngành Du lịch Việt Nam vẫn còn một số hạn chế dẫn đến việc chưa khai thác được tiềm năng sẵn có, đồng thời có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành này.
Theo TS. Nguyễn Trung Thắng - Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tại Việt Nam cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ. Trong tổng lượng chất thải nhựa, chỉ có một phần được thu hồi để tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp, còn một lượng lớn chất thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển.
Lượng chất thải nhựa và túi nylon của cả nước chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt ở một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển. Trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi nylon/ngày; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày, chưa kể các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần.
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết, rác thải nhựa tác động xấu đến các hoạt động du lịch, gây ô nhiễm môi trường. Sự tồn tại của rác thải nhựa làm mất đi cảnh quan đẹp và sự hấp dẫn của các khu, điểm du lịch, gây phản cảm cho khách du lịch, đặc biệt với du lịch biển, đảo; giảm doanh thu và đóng góp của ngành du lịch: Làm suy giảm lượng khách, thiệt hại về kinh tế ngành du lịch, ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương.
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, chúng ta nên ưu tiên phát triển du lịch biển, đảo, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe
Bên cạnh đó, tạo nhiều sản phẩm du lịch nổi bật, khác biệt, đặc sắc, có sức cuốn hút mạnh để nâng cao uy tín thương hiệu điểm đến Việt Nam. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đồng bộ trong ngành du lịch và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Phát triển du lịch trên cơ sở chủ động, có chiến lược, kế hoạch toàn diện và linh hoạt để ứng phó kịp thời và hiệu quả với rủi ro, khủng hoảng, tạo nền tảng cho phát triển bền vững ngành du lịch trong bối cảnh mới.
Lan Anh