(VACNE) - Cây Tre thường được trồng làm hàng rào bảo vệ quanh các làng xóm, quanh vườn gia đình, hoặc trồng thành hàng để bảo vệ bờ ao, chân đê, chống sói lở đất. Theo Đông y, nhiều bộ phận của cây Tre còn được dùng làm thuốc
TSKH. Trần Công Khánh
“Tre xanh, xanh tự bao giờ; Chuyện ngày xưa đã có bờ Tre xanh…” (thơ Nguyễn Duy). Từ xa xưa, cây Tre và lũy Tre làng đã có mặt ở nước ta, là hình ảnh quen thuộc, gắn liền với cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của người dân Việt Nam. Tre ở nước ta rất phong phú, có nhiều loài, phân bố từ Bắc đến Nam, từ đồng bằng đến trung du và miền núi. Trong đó có Tre gai, Tre lồ ô ,Tre là ngà, Tre hoa, Tre mỡ, Tre sợi, vv. Trước hết, xin giới thiệu cây Tre thường gặp ở Việt Nam là Tre gai hay Tre nhà, Spiny bamboo (tiếng Anh); tên khoa học là Bambusa arundinacea Retz., thuộc phân họ Tre nứa (Bambusoideae), họ Lúa (Poaceae).
Hình 1: Cây Tre (nguồn: Internet)
Cây Tre gai cao 10-15m hoặc hơn, có thân ngầm dưới đất, thân khí sinh chia nhiều gióng (rỗng) và đốt (đặc); gióng có đường kính 8-15cm, có vách dày; cành mảnh có gai cứng, mọc từ các mắt của đốt. Lá mọc so le hình mũi mác, dài 8-15cm, rộng 1-2cm, gốc lá tròn, đầu thuôn nhọn, gân lá song song, mặt dưới lá có lông nhám; cuống lá rất ngắn. Cụm hoa là những bông nhỏ dài 2-3,5cm, rộng 3-4mm, mang nhiều hoa. Hoa có ‘mày’ hình trứng, mày ngoài ngắn có chóp nhọn, dài 6-9mm, mày trong dài hơn; bao hoa có 2-3 vẩy trong suốt; nhị 6, chỉ nhị dài và mảnh, thò ra ngoài hoa; bầu hình trứng, nhẵn, vòi ngắn mang 3 đầu nhuỵ dài. Quả loại thóc, dài 5-8mm. Tre chỉ ra hoa một lần trong đời sống của nó khi cây già cỗi, rồi chết.
Hình 2: Hoa Tre (nguồn: Internet )
Tre mọc thành bụi có nhiều cây. Từ thân ngầm mọc ra các chồi non ở gốc cây mẹ gọi là măng. Măng Tre khi mới lên khỏi mặt đất cao khoảng 15-20cm có hình nón, phủ bởi những vòng mo cứng hình tam giác, mặt ngoài có gân dọc và lông cứng màu nâu đen. Sau 4-5 tháng, măng sẽ cao dần và phát triển thành cây Tre trưởng thành.
Hình 3: Măng Tre (nguồn: T.C. Khánh)
Cây Tre thường được trồng làm hàng rào bảo vệ quanh các làng xóm, quanh vườn gia đình, hoặc trồng thành hàng để bảo vệ bờ ao, chân đê, chống sói lở đất. Tre dùng để xây dựng các công trình, làm nhà cửa, đồ dùng trong nhà, nông cụ, dụng cụ săn bắn, đánh bắt cá, làm vũ khí chống giặc ngoại xâm và sản xuất bột giấy. Tre, Trúc cũng là vật liệu để làm một số nhạc cụ dân tộc như Sáo trúc, Khèn, đàn T’rưng, vv.
Tính vị, tác dụng:
Ngoài các công dụng nói trên, theo Đông y, nhiều bộ phận của cây Tre còn được dùng làm thuốc như:
- Lá Tre (Trúc diệp): Lá tươi chứa nhiều chất diệp lục (chlorophyl), cholin, betain, men urease, emulsin… Theo Đông y, Trúc diệp có vị đắng, tính mát, vào kinh tâm và phế; có tác dụng giải nhiệt, thanh âm, tiêu đờm; dùng làm thuốc ra mồ hôi, sát trùng, chữa viêm đường tiết niệu, viêm thận, phù thũng, cảm sốt. Ngày dùng 30-60g lá Tre tươi (hoặc khoảng 10g lá khô), dưới dạng thuốc sắc để uống hay xông.
- Tinh Tre (Trúc nhự): Ðể lấy tinh Tre thì cạo bỏ vỏ xanh bên ngoài của thân Tre tươi, sau đó cạo tiếp thân Tre thành những phoi mỏng còn phơn phớt màu xanh, rồi phơi khô. Khi dùng, tẩm nước gừng, sắc uống. Trúc nhự có vị ngọt, tính hơi lạnh; có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, trừ phiền, chống nôn, an thai; dùng chữa sốt, buồn nôn, chảy máu cam, băng huyết, đái ra máu, động thai. Liều 10-15g, dưới dạng thuốc sắc.
- Nước Tre non (Trúc lịch): Lấy vòi măng Tre non tươi, nướng cho mềm, rồi vắt lấy nước. Nước Tre non có vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu khát, trừ đờm; dùng chữa sốt cao mê man, trúng phong cấm khẩu. Khi dùng thì đun nóng để uống. Thường phối hợp với nước Gừng.
- Măng Tre: Ngoài tác dụng để nấu ăn (măng tươi hoặc khô), theo Đông y, măng Tre có vị ngọt, hơi đắng, tính mát bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, chỉ khát tiêu đờm, làm se, nhuận táo, chống co thắt. Tuy vậy, không nên ăn măng tươi quá nhiều, có thể gây ngộ độc. Chất độc trong măng sẽ bay hơi khi được đun sôi.
Bài thuốc từ lá Tre (Trúc diệp)
- Chữa cảm cúm, sốt cao: Lá Tre tươi 30g, Kim ngân hoa 16g, Cam thảo nam 12g, Kinh giới 8g, Bạc hà 8g. Sắc uống, ngày 1 thang.
- Thuốc xông giải cảm (dùng cho người cảm lạnh, sốt, đau đầu, không ra mồ hôi): Lá Tre, Kinh giới, Hoắc hương, Tía tô, lá Chanh, lá Long não, Cây cứt lợn, Địa liền tươi 20g. Hoặc lá Tre, lá Cúc tần, lá Bưởi, lá Sả (mối thứ một nắm). Cho tất cả vào nồi, đổ nước, đậy vung kín, đun sôi đến khi có mùi thơm bay ra. Người bệnh ngồi trên giường, để nồi nước xông trước mặt, dùng chăn mỏng chùm kín người và đầu, mở vung từ từ để hơi nóng bay vào người, đến khi toàn thân ra mồ hôi (khoảng 10-15 phút) thì dừng xông. Lau khô người, nằm nghỉ nơi kín gió. Có thể uống một bát nước xông còn nóng thì càng chóng khỏi.
- Chữa co giật trẻ em: Lá Tre 16g, Sinh địa 12g, Mạch môn 12g, Câu đằng 12g, Lá vông 12g, Chi tử 10g, Cương tàm 8g, Bạc hà 8g. Sắc uống, ngày 1 thang.
- Chữa sởi thời kỳ đang mọc: Lá Tre 20g, Sài đất 16g, Kim ngân hoa 16g, Mạch môn 12g, Sa sâm 12g, Cát căn 12g, Cam thảo nam 12g. Sắc uống, ngày 1 thang.
- Chữa thủy đậu: Lá Tre 8g, Liên kiều 8g, Cát cánh 4g, Đạm đậu xị (chế biến từ Đậu đen) 4g, Bạc hà 3g, Chi tử 3g, Cam thảo 3g, Hành tăm 2 củ. Sắc uống, ngày 1 thang.
- Chữa viêm cầu thận cấp tính: Lá Tre 16g, Bồ công anh 20g, Bạch mao căn 20g, Sinh địa 12g, Mộc thông 12g, Hoàng bá 12g, Hoàng cầm 12g, Cam thảo 4g. Sắc uống, ngày 1 thang.
- Chữa viêm bàng quang cấp tính: Lá Tre 16g, Sinh địa 12g, Mộc thông 12g, Hoàng cầm 12g, Cam thảo 6g, Đăng tâm thảo 6g. Sắc uống, ngày 1 thang.
- Chữa đái ra dưỡng chấp: Lá Tre 20g, Kim tiền thảo 20g, Mía dò 20g, Giá đỗ xanh 16g, Tỳ giải 16g, Ý dĩ 12g, Hoạt thạch 10g. Sắc uống, ngày 1 thang.
Bài thuốc từ tinh Tre (Trúc nhự)
- Chống nôn khi có thai: Trúc nhự 12g, Sinh khương 4g. Sắc uống.
- Chữa trầm cảm, hoang tưởng, ảo giác: Trúc nhự 8g, Cam thảo dây 12g, Bán hạ (chế), Trần bì, Ô dược, Thiên nam tinh, Chỉ thực, Hương phụ, mỗi vị 8g. Sắc uống, ngày một thang. Uống liền 3 tuần, sau nhắc lại.
- Chữa ho do phế nhiệt, ho có nhiều đờm đặc: Trúc nhự 12g, Hoàng cầm 8g, Qua lâu 8g. Sắc uống, ngày một thang. Hoặc Trúc nhự (sao thơm) 30-50 g. Sắc uống. Có thể cô đặc với Mật ong. Trẻ em dùng liều bằng 1/2 người lớn.
Bài thuốc từ măng Tre:
- Chữa sốt cao: Măng Tre mới nhú 30g, thái nhỏ, ép cùng với Gừng tươi 10g, lấy nước uống một lần. Ngày uống hai lần.
- Trẻ em sốt về đêm, mê sảng: Nước vòi măng Tre non, hòa với ít nước Gừng. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 1/2 chén con (Tuệ Tĩnh - Nam dược thần hiệu).
- Trẻ em nôn, trớ, ho có đờm: Tre non tươi 15 g, Gừng tươi nướng 5 g, giã nát, cho 10 ml nước chín, trộn đều, vắt lấy nước cho uống nhiều lần trong ngày.
- Chữa ho, viêm họng: Măng Tre 20g, Chua me đất hoa vàng 20g, Rễ dâu (phần vỏ trắng ở trong) 10g, tẩm mật, sao vàng, Gừng 8g. Tất cả giã nát, thêm ít đường trắng hoặc mật ong, hấp trong nồi cơm 15 phút. Lấy ra để nguội, uống làm hai lần trong ngày.
- Chữa mụn nhọt, đầu đinh: Măng Tre mới nhú 20g, Bồ công anh 10g, Gừng tươi 5g, thái nhỏ. Sắc với 200ml nước, còn 50ml, uống trong ngày.
- Chữa sâu quảng, lở loét (dùng ngoài): Măng Tre 100g, quả Hồi 50g, lá Chanh 50g, lá cây Thuốc lào 50g. Rửa sạch, giã nát, đắp chữa sâu quảng, lở loét.
Chú ý:
Không nhầm Trúc diệp (lá Tre) với Cỏ lá tre, hay Đạm trúc diệp, Nhạ mạy phẻo (tiếng Tày); tên khoa học là Lophatherum gracile Brongn., họ Lúa (Poaceae). Bộ phận dùng là rễ và toàn cây Cỏ lá tre; dùng hạ sốt, lợi tiểu, viêm niệu đạo, tiểu tiện đau buốt, trị viêm miệng.