quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

VFEJ, Xa lộ tin tức, 29/9/2010: Nhiều mặt hàng ngoài danh mục chịu thuế môi trường

Thứ Tư, 29/09/2010 | 07:35:00 PM

(Vfej.vn)-Trong dự thảo Luật thuế Bảo vệ Môi trường mới nhất, nhiều mặt hàng gây tác động xấu đến môi trường vẫn chưa bị chịu thuế môi trường như pin, ắc quy, máy tính điện tử, …

 


 

 

Nhiều mặt hàng ngoài danh mục chịu thuế môi trường


Mức thuế không hợp lý

 

Phát biểu tại hội thảo phản biện xã hội về dự thảo Luật thuế Môi trường ngày 29/9 ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, trưởng ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam-VACNE, cho biết dự thảo Luật thuế Bảo vệ Môi trường (sau đây viết là Luật thuế Môi trường) chỉ quy định tám nhóm đối tượng thịu thuế là xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi ni lông, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, và thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng là chưa đầy đủ và bao quát hết các loại sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường.

 

Còn nhiều mặt hàng khác gây tác động xấu đến môi trường nhưng vẫn chưa bị chịu thuế như pin, ắc quy, điện thoại di động và trạm phát sóng điện thoại di động, máy tính điện tử, vải, đồ da, v.v… Cần phải đánh giá mức độ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường của sản phẩm để làm cơ sở cho việc tính thuế như nguyên tắc tính thuế do dự thảo nêu ra trong mục b khoản 2 điều 8 là mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường được xây dựng phân biệt theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.

 

 

PGS. TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (ảnh VACNE)


Theo nguyên tắc này, mức thuế đáng lý phải căn cứ vào hàm lượng các chất độc hại trong hàng hóa, tuy nhiên, thuế lại được thu theo nguyên tắc mức thuế tuyệt đối. Đơn cử, đối với nhiên liệu đốt, thuế suất nhiều hay ít của xăng dầu phụ thuộc vào hàm lượng khí thải SO2 thải ra khi đốt hoặc hàm lượng lưu huỳnh trong xăng dầu.


Thế nhưng, trong dự thảo, mức thuế suất đối với xăng (ví dụ xăng A92 vốn có hàm lượng lưu hùynh chỉ 0,05%) lại cao hơn dầu mazut (vốn có hàm lượng lưu huỳnh lên tới 3%) là không hợp lý.


Than là mặt hàng cần đánh thuế. Mức độ gây tác động xấu đến môi trường của than gầy, than mỡ, than nâu rất khác nhau lại cùng một mức thuế và tuy sử dụng than gây hại cho môi trường hơn xăng dầu nhưng mức thuế lại thấp hơn xăng dầu.


Ths Võ Thị Mỹ Hương, khoa luật-Đại học Huế, nói: “Tôi đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung mức tiêu dùng hàng hóa tối thiểu thì không phải nộp thuế bảo vệ môi trường. Chẳng hạn nếu sử dụng dưới 10 lít xăng trong một tháng thì không phải nộp thuế, nếu sử dụng từ 10 lít xăng trở lên thì phải chịu thuế. Nếu quy định theo hướng này sẽ động viên người tiêu dùng hạn chế sử dụng hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường mà vẫn tuân thủ nguyên tắc người nào gây ô nhiễm thì phải chịu thuế bảo vệ môi trường.”

 

 

ThS. Võ Thị Mỹ Hương, Khoa Luật, Đại học Huế (ảnh VACNE)


Ông Hòe cho biết hiện nay trên thế giới có 30 nước đánh thuế môi trường nhưng đại bộ phận là những nước công nghiệp phát triển, người dân có thu nhập rất cao. Chỉ có sáu nước là Mexico, Congo, Philippines, Malawi, Zimbabwe, và Trung Quốc là thuộc diện các nước đang phát triển. Tuy nhiên, thuế môi trường ở sáu nước đang phát riển này chỉ đánh vào 1 – 2 mặt hàng, chủ yếu là thuốc trừ sâu, nhất là đánh vào loại thuốc trừ sâu độc hại. Riêng Trung Quốc cũng chỉ mới đánh vào than đá và túi ni lông loại mỏng dưới 0,025mm.


“Không có nước đang phát triển nào, kể cả Trung Quốc, đánh thuế môi trường vào xăng dầu.”, ông Hòe nhấn mạnh.


Việc thu thuế theo dự thảo không bảo đảm đạt được các mục tiêu đã định, thậm chí gây khó khăn cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, không khuyến khích được việc áp dụng sản xuất sạch hơn và các công nghệ thân thiện môi trường, không khuyến khích được việc thay đổi hành vi và theo hướng thân thiện với môi trường.


Mục tiêu của dự thảo là bảo vệ môi trường

 

TS Nguyễn Hữu Dũng, chuyên gia kinh tế môi trường từ Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho biết trong bản dự thảo mới nhất (tháng 8/2010), nhìn chung dự thảo Luật thuế Môi trường chỉ nhằm mục đích chính là tăng nguồn thu và sử dụng nguồn thu đó vào công tác bảo vệ môi trường.

 

 

TS. Nguyễn Hữu Dũng, Đại học Kinh tế  TP. HCM (ảnh VACNE)


Lợi ích về môi trường, tạo động cơ cho những người gây ô nhiễm thay đổi hành vi theo hướng tích cực là tìm các giải pháp công nghệ để giảm ô nhiễm là không lớn và không cụ thể.


“Mục tiêu chính của Luật thuế Môi trường cần hướng đến việc thay đổi hành vi của con người, khuyến khích quá trình sản xuất sạch để bảo vệ môi trường, đặt lợi ích bảo vệ môi trường lên trên lợi ích kinh tế, không nên chạy theo mục tiêu tạo nguồn thu, tăng ngân sách nhà nước”, Ths Nguyễn Thị Phúc, giảng viên Luật Môi trường, khoa luật – Đại học Huế, nói.


Theo ông Dũng, việc tăng thêm nguồn thu từ thuế môi trường có thể được cải thiện bằng cách sửa đổi lại mức phí bảo vệ môi trường hiện nay, thêm phí về khí thải (các hệ thống hàng không, xe lửa, nhà máy nhiệt điện) hoặc các mức phí giảm tắc nghẽo giao thông.


Từ việc xác định rõ mục tiêu, và tính đặc thù của luật thuế này, chúng ta nên quy định rõ cụ thể nguồn thu từ thuế môi trường dù phân bổ cho ngân sách nhà nước ở địa phương hay ngân sách nhà nước trung ương cũng chỉ dành riêng, hoặc ưu tiên phân bổ để sử dụng vào mục đích phục hồi, bảo vệ môi trường.


“Nếu dự thảo Luật thuế Môi trường không phục vụ cho mục tiêu bảo vệ môi trường thì đưa ra luật thuế làm gì, vì vậy tôi đề nghị nên lùi thời gian ban hành luật này”, TS Trần Văn Miều, trưởng ban truyền thông môi trường, VACNE, nói.


Đồng quan điểm với ông Miều, bà Tô Kim Liên, đại diện Quỹ Châu Á, cũng cho rằng mục tiêu cao nhất của luật là bảo vệ môi trường, vì vậy ban soạn thảo nên xem xét lại.


Theo ông Hòe, dự thảo luật thuế bảo vệ môi trường, với nội dung hiện có, tuy đã nâng cấp nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt kỳ vọng đem lại tác động tích cực cho công tác bảo vệ môi trường, chưa góp phần thay đổi hành vi sản xuất của doanh nghiệp và hành vi của người dân theo hướng tích cực bảo vệ môi trường thông qua nộp thuế.


“Chúng ta phải tìm được sự đồng thuận về dự thảo luật thuế môi trường này”, Chủ tịch VACNE, TS Nguyễn Ngọc Sinh nói và hy vọng “những hạt nhân” trong hội thảo này sẽ đóng góp phần vào dự thảo này.


Mức thuế tuyệt đối quy định theo biểu khung dưới đây


STT

Hàng hóa

Đơn vị tính

Mức thuế (đồng/1 đơn vị hàng hóa)

1

Xăng dầu




Xăng các loại

Lít

1.000 – 4.000


Nhiên liệu bay

Lít

1.000 – 3.000


Dầu diesel

Lít

500 – 2.000


Dầu hỏa

Lít

300 – 2.000


Dầu mazut

Lít

300 – 2.000


Dầu nhờn

Lít

300 – 2.000


Mỡ nhờn

Kg

300 – 2.000

2

Than

Tấn



Than nâu


10.000 – 30.000


Than đá


10.000 – 30.000


Than antraxit


10.000 – 30.000


Than mỡ


10.000 – 30.000

3

Dung dịch HCFC

Kg

1.000– 5.000

4

Túi ni lông

Kg

30.000 – 50.000

5

Tuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng

Kg

500 – 2.000

6

Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng

Kg

1.000 – 3.000

7

Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng

Kg

1.000 – 3.000

8

Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng

 

Kg

1.000 – 3.000






Phạm Mạnh

Lượt xem: 1508

Các tin khác

Dài ngắn

(27/01/2025 08:17:AM)

Thêm 15 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam

(13/01/2025 02:36:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 12/2024

(09/01/2025 09:45:AM)

Phóng sự ảnh về tổng kết chương trình vì môi trường xanh quốc gia năm 2024

(06/01/2025 09:28:AM)

Đề xuất các giải pháp ứng phó với đảo nhiệt đô thị để bảo vệ sức khỏe thị dân và thích ứng với BĐKH

(02/01/2025 11:27:AM)

Tổng kết chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2024”

(30/12/2024 02:14:PM)

Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long

(23/12/2024 12:23:AM)

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(16/12/2024 12:32:PM)

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới – kinh nghiệm từ vacne

(13/12/2024 02:58:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE