|
Ảnh minh họa: Internet |
Các đề tài môi trường khai thác trong chuyến đi này như việc gây ô nhiễm của Công ty TungKuang (vấn đề đã được nhiều báo phản ảnh và nhà báo Hùng Cường - Đài tiếng nói Việt Nam - VOV, thành viên VFEJ đã đoạt giải thưởng với bài viết về sự việc này); rồi tình hình ô nhiễm không khí từ các nhà máy xi măng lò đứng; ô nhiễm từ Nhà máy Thép Thái Hưng, v,v…
Đặc biệt, chuyến điền dã này không nhằm mục đích chỉ phản ánh mặt chưa được mà cố gắng tìm hiểu, khai thác mặt tích cực của vấn đề để có thể nhân rộng.
Chuyến điền dã về khu công nghiệp ximăng lò đứng, Huyện Kinh Môn, Hải Dương, được tổ chức nhằm đem đến một cái nhìn cụ thể về ô nhiễm không khí công nghiệp cho các nhà báo, giúp các nhà báo thu thập thông tin hiện trường mới nhất để viết bài về ô nhiễm không khí ở Việt Nam trên cơ sở thu thập các thông tin tông thể tại hội thảo.
GS TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam cho hay chuyến điền dã nhằm khảo sát hiện trạng sản xuất kinh doanh tại các nhà máy xi măng lò đứng, tình hình đầu tư cải tiến công nghệ, bảo vệ môi trường và số phận các nhà máy này trong tương lai.
Từ đó, các nhà báo có cái nhìn khách quan và nhiều chiều về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước tại các nhà máy xi măng lò đứng và khu dân cư xung quanh, tính đến thời điểm này; đưa ra mô hình bệnh tật, nhất là các bệnh liên quan đến hô hấp của cư dân bản địa sau 10 năm sống chung với các nhà máy xi măng lò đứng.
Sau chuyến điền dã, được sự tài trợ của Fredskorpset (FK), một tổ chức của chính phủ Norway (Na Uy), Mạng lưới FK tại Việt Nam, mà Diễn đàn các Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) là tổ chức thành viên, “Hội thảo quốc gia về ô nhiễm không khí tác động tới sức khỏe con người và các tác động đó thông qua lăng kính biến đổi khí hậu” dự kiến được tổ chức vào ngày 11/9/2010 ở Hà Nội.
Hội thảo được điều hành bởi GS TSKH Phạm Ngọc Đăng, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực ô nhiễm không khí ở Việt Nam. Ngoài ra, trong hội thảo các nhà khoa học sẽ đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí.
Các bài tích cực trong chuyến đi này còn có thể giúp nhà báo xem xét đăng ký tham dự cuộc thi “Giải thưởng báo chí về công nghệ xanh 2010”, do Tập đoàn Siemens phát động ngày 16-8-2010. Giải thưởng nhằm vinh danh và trao thưởng những nhà báo có tác phẩm xuất sắc về các đề tài như năng lượng hiệu quả, hiệu suất công nghiệp và phát triển bền vững. Đây là giải thưởng đầu tiên dành cho các nhà báo chuyên nghiệp ở Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Thái Lan. Tác phẩm dự thi phải được đăng từ ngày 1-1 đến 31-12-2010 (xem chi tiết trên www.siemens.com.vn/SGTJA2010).
Tại Việt Nam, một vài nghiên cứu đã ước tính tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe con người. Viện Y học Lao động & Sức khỏe Môi trường ước tính có khoảng 626 người chết và 1,500 ca hô hấp hàng năm liên quan đến ô nhiễm không khí.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Sáng kiến Không khí Sạch Châu Á (CAI — Asia Center), cứ thêm 10 microgam chất gây ô nhiễm dạng rắn (khói, bụi) vào không khí thì sẽ tăng 0,6% ảnh hưởng lên con người. Lượng chất gây ô nhiễm dạng rắn trong không khí hiện nay tại châu Á thường xuyên vượt quá mức 100 microgam (cao hơn rất nhiều so với chuẩn chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)).