Áp dụng mức thuế theo tỷ lệ giữa các nhóm hàng
|
TS Nguyễn Hữu Dũng, chuyên gia kinh tế môi trường thuộc Đại học Kinh TP Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam |
Dự thảo Luật thuế Môi trường quy định tám nhóm đối tượng thịu thuế là xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi ni lông, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, và thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng là chưa đầy đủ và bao quát hết các loại sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường.
Tại hội thảo về dự thảo Luật thuế Bảo vệ Môi trường (Luật thuế Môi trường) mới đây, TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng để có thể đạt được những lợi ích tiềm năng của biện pháp thuế, các nhà chính sách cần phải nhắm vào mục tiêu hiệu quả của các động cơ kinh tế đối với vấn đề ô nhiễm và môi trường, chứ không phải dựa vào việc đưa ra các mức thuế khác nhau đi kèm với những phán đoán mơ hồ về chất lượng môi trường sẽ tốt hơn trong tương lai.
“Vì nếu thiết kế không tốt, các loại thuế môi trường sẽ làm gia tăng chi phí kinh tế của thuế, so với lợi ích môi trường đạt được. Nếu các loại thuế môi trường được thiết kế không tốt sẽ gây ra tình trạng tệ hại hơn là không áp dụng biện pháp thuế nào.”, TS Dũng nói.
Ths Lê Thị Phúc, giảng viên luật môi trường, khoa luật-Đại học Huế, nói theo dự thảo luật, phương pháp tính thuế tuyệt đối và quy định ngay trong luật biểu tính thuế là không hợp lý, nhất là khi đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển, giá cả hàng hóa biến động nhanh, tính thuế tuyệt đối sẽ không phát huy được tác dụng là công cụ dăn đe để phòng chống ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, bảo vệ môi trường của Luật thuế Môi trường.
“Chúng ta phải có mức tính nào đó để doanh nghiệp cải tiến công nghệ, thay vì doanh nghiệp cứ nộp thuế rồi xả nước thải ra môi trường.”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên&Môi trường, thẳng thắn.
Ths Lê Thị Phúc khuyến nghị: “Thiết nghĩ chúng ta có thể áp dụng mức thuế tương đối theo tỷ lệ phần trăm khác nhau giữa các nhóm hàng hóa, tùy vào mức độ gây hại cho môi trường khi hàng hóa đó được sử dụng.”
Mức thuế nên được thực hiện theo từng giai đoạn
|
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Nên căn cứ vào mức độ tổn hại tới môi trường để xác lập thuế |
PGS.TS Lê Thu Hoa, trưởng khoa kinh tế môi trường, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng mức thuế cao đối với nhiên liệu nên được thực hiện dần đần theo từng giai đoạn theo một lộ trình được thông báo công khai cho phép các công ty lên kế hoạch đầu tư vào các công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng.
Ngoài ra “Chính phủ cần có kế hoạch phát triển công nghệ sản xuất nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường nhằm tạo hàng hóa thay thế cho xăng dầu hiện nay; có chính sách thuế cụ thể đối với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thân thiện với môi trường; có biện pháp hỗ trợ giá cho người sử dụng khi họ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường”, Ths Võ Thị Mỹ Hương, khoa luật-Đại học Huế, nói.
Vẫn theo TS Nguyễn Hữu Dũng, nếu như chưa cải tổ và có những chuẩn bị tổng hợp tốt về Luật thuế Môi trường thì tốt hơn là nên ban hành một nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm có khả năng gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người. Vì nếu Luật thuế Môi trường chỉ bao gồm một phần thuế gián thu trên sản phẩm, và có tác động thấp đến mục tiêu giảm ô nhiễm thì, rõ ràng, không hoàn chỉnh đối với một chính sách môi trường, nó chỉ có ý nghĩa là tăng nguồn thu ngân sách, và không đáp ứng được mục tiêu của luật ghi trong bản thuyết minh:
‘… Luật thuế Môi trường với mục tiêu nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần làm thay đổi hành vi của tổ chức, cá nhân; nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong đầu tư, sản xuất và tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm bớt các tác động tiêu cực của sản xuất, tiêu dùng đến môi trường; giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái về môi trường và tạo thêm nguồn thu cho hoạt động khôi phục môi trường là rất cần thiết và phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội hiện tại của Việt Nam và xu hướng phát triển kinh tế của thế giới.'
‘… Luật thuế Môi trường là một trong những sắc thuế cần được xây dựng để hoàn thiện hệ thống chính sách thuế của nước ta đến năm 2010 với mục tiêu đánh thuế vào các đối tượng gây ô nhiễm môi trường nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thay đổi nhận thức của con người đối với môi trường, tạo thêm nguồn lực để khôi phục môi trường sinh thái.
PGS.TS Lê Thu Hoa nói để bảo đảm tính khả thi của dự thảo luật, dự thảo cần phải tạo cơ hội cho người sử dụng hàng hóa được lựa chọn các hàng hóa thay thế, có như vậy mục tiêu “định hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng” mới được hiện thực hóa. Chỉ khi làm được như vậy, mục tiêu đặt ra khi ban hành luật này mới có hiệu quả trên thực tế.
“Nếu Luật thuế Môi trường được ban hành và phát huy đúng vai trò của nó, có nghĩa là chúng ta đã sử dụng tốt việc kết hợp biện pháp pháp lý và biện pháp kinh tế-tài chính để bảo vệ môi trường”, Ths Phúc nói.