quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THƯ GIÃN

Về xứ quan họ - Kỳ 2: Nơi phát tích đầu tiên

Thứ Tư, 07/10/2009 | 03:11:00 AM

TT - Ngày nay quan họ đã lan tỏa khắp cả nước, nhưng theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, quan họ khởi thủy ở vùng Kinh Bắc. Có người nói làng Diềm (xã Hòa Long, TP Bắc Ninh), ngôi làng cổ nằm cách trung tâm TP Bắc Ninh không đầy 5km, nơi duy nhất ở xứ Kinh Bắc có đền thờ vua bà thủy tổ quan họ, là một trong những nơi phát tích đầu tiên của quan họ.

 

Hát quan họ giao duyên trên dòng sông quan họ (sông Cầu) trong hội làng Thổ Hà (Bắc Ninh) - Ảnh: Lê Bích

>> Kỳ 1: Tình người quan họ

1. Cụ Ngô Thị Nhi, người xóm Giữa, làng Diềm, là thế hệ chơi quan họ thứ ba trong gia đình. Cả ba thế hệ đều là nhà chứa nên cụ có điều kiện tiếp xúc với môi trường quan họ từ khi chưa sinh ra. Rồi những đêm ngủ bọn để luyện giọng, những ngày tiếp quan họ bạn từ làng khác sang tổ chức hát canh thâu đêm suốt sáng đã giúp cụ nằm lòng cả trăm giọng quan họ cổ. Năm 19 tuổi cụ lấy chồng, cũng là một liền anh trong làng. Hai vợ chồng có cả thảy bảy người con, bốn trai, ba gái, nhưng vẫn miệt mài chơi quan họ. Những người con của cụ Nhi ai cũng biết hát quan họ.

Năm nay đã tròn 89 tuổi nhưng khi nói chuyện với lớp hậu sinh, cụ Nhi vẫn giữ nguyên cách xưng hô của người quan họ: "Dạ, các cụ ngày xưa kỹ tính lắm, dạy chúng em từng nhời (lời) ăn tiếng nói. Về lối chơi phải đặt câu, bẻ giọng sao cho vang, rền, nền, nảy. Còn nhời ăn nết ở thì khó biết bao. Nhời nói của người quan họ phải lịch sự, tế nhị, trong xưng hô luôn thể hiện sự tôn trọng, cung kính với bạn, không gọi bạn bằng tên mà gọi là anh, chị, mở đầu câu nói phải có tiếng "dạ", cuối câu phải có "ạ". Ăn thì phải nhẽ nhàng, món ngon nhất dành tiếp đãi bạn, trầu mời khách cũng phải là loại trầu têm cánh phượng rất công phu. Mời cơm quan họ thì phải mâm son và phải có hai đĩa giò lụa, một đĩa thịt gà...".

Nhà chứa trăm tuổi

Ở làng Diềm hiện có một ngôi nhà chứa hơn trăm tuổi. Cụ Nguyễn Thị Khu (90 tuổi) là thế hệ thứ ba trong gia đình, giờ vẫn ở trong ngôi nhà này, kể: “Hơn 70 năm trước tôi theo chồng về đây ở đã thấy bố chồng tôi (tức cụ lý Tỷ) tiếp đãi bọn quan họ của anh Năm Sự ở làng Diềm và bọn quan họ nữ bên Hoài Thị sang. Hồi đó nhà có tới chín gian, bọn nam hay ngồi bộ ván gõ bên trái, còn bọn nữ ở gian bên phải, hát canh, hát đối thâu đêm”.

Trải qua dâu bể, căn nhà xưa giờ được cắt ra chia phần cho con cháu làm chỗ ở, nhưng nơi chứa quan họ xưa vẫn còn đó và hằng năm cứ đến ngày lễ hội đền vua bà thủy tổ quan họ 6 và 7-2 và lễ hội đình làng 6 và 7-8 (âm lịch) nhà chứa vẫn rộng cửa đón tiếp quan họ bạn từ làng Hoài Thị sang chơi.

Răng vẫn đen rưng rức. Miệng vẫn nhai trầu bỏm bẻm. Ðầu vẫn chít khăn mỏ quạ. Cả căn nhà vẫn mang dáng dấp cổ kính. Nhưng một người luôn giữ gìn nếp xưa như cụ Nhi lại luôn kè kè chiếc điện thoại di động Nokia 1100 bên mình. Cụ bảo: "Chúng em muốn giữ nó để có ai gọi đi hát, đi làm giám khảo các cuộc thi quan họ thì đi cho vui. Già rồi, còn cái vốn quan họ này là tài sản quý nhất muốn để lại cho em cháu thôi".

2. Cụ Ngô Văn Sự, 87 tuổi, ở xóm Giữa (làng Diềm), sinh ra trong một gia đình quan họ. Lên 10 tuổi cụ đã được song thân truyền dạy nghề chơi quan họ. Năm 17 tuổi cụ chính thức trở thành "anh Năm". Bọn quan họ của cụ chọn nhà cụ lý Tỷ ở xóm Giữa làm nhà chứa và kết bạn với một bọn quan họ nữ ở làng Hoài Trung.

Cụ bảo ngày trước làng Diềm có đến 10 bọn quan họ nam nữ, kết bạn với các quan họ của ba làng Hoài Thị, Hoài Trung và Ðống Cao. Các ngày lễ hội của làng luôn có rất đông quan họ của các làng lân cận đến chơi, tụ tập ở nhà chứa, sân đình, sân chùa, bờ ruộng, hay rủ nhau lên thuyền rồng, chèo quanh cái ao to ngay cổng làng để hát đối, hát ghẹo.

Các liền anh, liền chị ngoài việc tiếp thu các bài bản chung của vùng, còn kế thừa và sáng tác 41 giọng quan họ là bản sắc riêng của làng Diềm, như giọng hừ la, a rằng, tình tang, bạn lan, ố tình, hãm, đào nương...

Cụ Sự nói không ở đâu như làng Diềm có hai tục hát quan họ rất lạ. Ðó là tục hát quan họ cầu đảo và tục hát quan họ trùm đầu. Tục hát cầu đảo bắt nguồn từ lễ hội cầu mưa, thường diễn ra vào mùa hè của những năm có hạn hán. Lễ cầu đảo diễn ra liên tục trong ba ngày đêm, nhưng hát quan họ chỉ diễn ra trong đêm.

Suốt thời gian này, tất cả các bọn quan họ nam nữ trong làng sẽ thay nhau hát các giọng lề lối cơ bản, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Còn tục hát quan họ trùm đầu diễn ra vào các đêm trăng thanh gió mát, các liền anh rủ nhau sang nhà chứa của bọn quan họ nữ, đứng bên bờ rào trùm khăn kín đầu mà hát với vào. Các liền chị nghe thấy cũng mau mau trùm kín mặt kéo nhau ra đứng trước thềm nhà, chỗ có ánh trăng rọi xuống để hát đáp lại bằng các giọng lẻ, giọng vặt.

Liền chị quan họ - Ảnh: Lê Bích

Ngày nay tổ chức bọn quan họ làng Diềm không còn nữa, thay vào đó là câu lạc bộ quan họ, quy tụ gần trăm người, gồm ba bốn thế hệ, từ những nghệ nhân chơi quan họ trước năm 1945 cho đến những em đang học lớp 2, lớp 3. Câu lạc bộ thường xuyên mở các lớp truyền dạy quan họ cổ cho những ai có nhu cầu học hỏi quan họ.

"Chúng em rất mừng là cả những người không có năng khiếu, không có giọng hát hay vẫn chăm chỉ theo học. Họ học không phải để đi biểu diễn kiếm tiền, mà chỉ đơn giản là để biết rồi tự mình dạy lại con cái" - liền chị Nguyễn Thị Sang, phó chủ nhiệm Câu lạc bộ quan họ làng Diềm, tự hào nói.

Duyên quan họ - Ảnh: Lê Bích

Trước đây Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - thông tin) đã phối hợp với tỉnh Bắc Ninh xây dựng danh sách nghệ nhân quan họ tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh theo tiêu chí do UNESCO đưa ra. Bước đầu tạm thời xác định 25 nghệ nhân là những người có lối sống của người quan họ, hiểu biết sâu sắc, toàn diện về quan họ, có thời gian tham gia sinh hoạt văn hóa quan họ lâu dài và đặc biệt đã góp công truyền dạy quan họ cho thế hệ sau.

Hiện nay tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách nghệ nhân quan họ tiêu biểu để đề nghị hình thức vinh danh xứng đáng, khi quan họ vừa được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

TẤN ÐỨC

Nguồn: Tuổi Trẻ, 6/10/2009

Lượt xem: 1449

Các tin khác

Thung thăng miền xanh đại ngàn

(12/02/2024 04:22:AM)

Rừng ngập mặn đẹp như mơ ở Bàu Cá Cái Quảng Ngãi

(16/01/2024 07:26:AM)

Mùa cây trút lá tuyệt đẹp ở miền Tây Quảng Trị

(15/01/2024 09:48:AM)

Về An Giang ngắm mùa vàng bất tận trên cánh đồng Tà Pạ

(11/12/2023 11:49:AM)

Những câu nói nổi tiếng về thiên nhiên

(16/03/2023 07:51:AM)

Độc đáo "cây đa ngơ ngác" gần 1.000 năm tuổi trên bán đảo Sơn Trà

(29/10/2022 03:19:PM)

Tiên Yên (Quảng Ninh) – bức tranh thiên nhiên hài hòa và đầy cuốn hút

(05/05/2022 10:34:PM)

Hà Nội đẹp tinh khôi trong sắc trắng hoa sưa

(20/03/2022 07:39:AM)

Rừng Tây Bắc bừng sáng mùa hoa Sơn Tra

(10/03/2022 07:48:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE