(VACNE) - GS.TS. Lê Quý An, nguyên Chủ tịch VACNE từ khi thành lập năm 1988 đến năm 2005, người đã có nhiều công trình NCKH về tài nguyên, môi trường, về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập VACNE, web Hội xin trích đăng bài “Vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong bảo vệ môi trường” như một sự tri ân vị Chủ tịch đầu tiên của Hội.
GS.TS. Lê Quý An phát biểu tại Đại hội VACNE lần thứ IV nhiệm kỳ 2003-2008
… Bản Tuyên ngôn Rio và Agenda 21 đã nhấn mạnh rằng bảo vệ môi trường trên Trái đất là sự nghiệp và trách nhiệm của mọi quốc gia, mọi tổ chức và cá nhân. Trong mỗi quốc gia, bảo vệ môi trường là sự nghiệp và trách nhiệm của mọi công dân, mọi tổ chức, chứ không phải chỉ là trách nhiệm của chính phủ, vì một mình chính phủ thì không thể nào thực hiện được PTBV, tuy rằng vai trò của chính phủ là cực kỳ quan trọng. Cho nên trong Agenda 21 gồm 4 phần và 40 chương, có hẳn phần 3 với 10 chương với tên gọi là "Tăng cường vai trò của các nhóm chủ yếu ", có 10 chương nói về phụ nữ, thanh niên, trẻ em, công dân, nông dân, người dân bản xứ, các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp v.v...
Chương 27 nói riêng về các tổ chức phi chính phủ.
Agenda 21 nhận định rằng “Các tổ chức phi chính phủ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thiết lập và thực hiện nền dân chủ có sự tham gia của nhiều người. Sự độc lập với chính phủ và các lĩnh vực khác là một trong những thuộc tính chủ yếu của họ. Ngoài sự độc lập ra, các tổ chức phi chính phủ còn có những kiến thức chuyên môn đa dạng và được tạo dựng một cách chu đáo trong các lĩnh vực cần thiết để thực hiện sự phát triển bền vững đúng đắn về môi trường và đầy đủ trách nhiệm về mặt xã hội”.
Agenda 21 cũng khuyến cáo “Các chính phủ phải lôi cuốn các tổ chức phi chính phủ tham gia vào các kế hoạch phát triển bền vững, sử dụng một cách tốt nhất khả năng của họ trong các lĩnh vực như giáo dục, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ và cải tạo môi trường” v.v...
… Ở nước ta, ngoài chính phủ là cơ quan hành pháp của đất nước, còn có các tổ chức không phải là chính phủ. Theo Điều 110 của Bộ luật Dân sự, có 4 loại hình tổ chức. Đó là: Tổ chức chính trị; Tổ chức chính trị-xã hội; Tổ chức xã hội - nghề nghiệp; và Tổ chức xã hội. Từ ngữ “Tổ chức phi chính phủ” (NGO) không được dùng chính thức và phổ biến đối với các tổ chức của Việt Nam, mà thường dùng khi nói về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Thí dụ, gần đây trên báo Nhân dân có bài đưa tin về tổng kết công tác với các “tổ chức phi chính phủ”, không ghi rõ là tổ chức “phi chính phủ nước ngoài”, nhưng về nội dung thì toàn là nói về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, không rõ có phải hàm ý rằng NGO chỉ là tổ chức nước ngoài. Hội thảo của Dự án Johannesburg Việt Nam dùng từ ngữ “tổ chức ngoài chính phủ”. Thực ra “phi” chẳng qua là “không phải”, NGO tức là “tổ chức không phải chính phủ”. Bài này không có mục đích thảo luận về từ ngữ, nhưng vì có liên quan nên không thể không bàn một chút, nhưng cũng tạm dùng từ “tổ chức ngoài chính phủ”.
Có thể thấy rằng các tổ chức ngoài chính phủ của nước ta đã phát huy vai trò và tác dụng ngày càng tăng trong công tác bảo vệ môi trường, thí dụ Hội Nông dân với phong trào VAC, trồng cây gây rừng, lâm nghiệp xã hội, lâm nghiệp cộng đồng; Đoàn Thanh niên CS HCM với các hoạt động truyên truyền vận động về bảo vệ môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với việc cải tiến môi trường lao động v.v...
Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, trong đó có nhiều hội có liên quan đến môi trường, như Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội KHKT Lâm nghiệp, các hội KHKT về Đất, Sinh học, Thủy lợi v.v..., tức là các hội thành viên của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA), tuy không mạnh về mặt tổ chức, tức là số thành viên không đông, không có hệ thống tổ chức chặt chẽ tương đương với các cấp hành chính, không được chính phủ tài trợ về mặt tài chính, nhưng vì có năng lực chuyên môn nhất định, dễ tập hợp lực lượng chuyên môn có tính liên ngành, cho nên cũng đã phát huy được tác dụng về mặt đóng góp ý kiến cho các chính sách và các chủ trương của Nhà nước liên quan đến môi trường, về tuyên truyền vận động, tổ chức việc huấn luyện, đào tạo, chuyển giao công nghệ v.vÁ Ví dụ, Liên hiệp hội và các hội đã chủ động bàn bạc góp ý về việc xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua VQG Cúc Phương, Liên hiệp hội cũng đã tổ chức các hội thành viên nhận xét góp ý cho Báo cáo nghiên cứu khả thi của công trình thủy điện Sơn La.
Một trong các Hội đó là Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (BVTN&MT VN) có tên gọi, mục đích và lĩnh vực hoạt động gần gũi trực tiếp với các vấn đề bảo vệ môi trường. Hội được thành lập khá sớm, ngày 26-11-1988, với sự bảo trợ của ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước (KHKTNN). Sở dĩ như vậy là vì lúc đó chưa có một cơ quan nào của Chính phủ chịu trách nhiệm về vấn đề bảo vệ môi trường. Nhưng vì ủy ban KHKTNN là cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý KHKT, mà vấn đề môi trường vào những năm của thập kỷ 80 mới chủ yếu được đề cập tương đối toàn diện trong các chương trình KHKT trọng điểm của Nhà nước, cho nên Chính phủ cũng quyết định giao cho ủy ban KHKTNN làm đầu mối để nghiên cứu đề xuất các chính sách cần thiết có liên quan tới tài nguyên và môi trường. Cũng chính vì vậy mà ủy ban KHKTNN đã chủ trì cùng các bộ, ngành nghiên cứu soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Quyết định về điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Quan trọng hơn nữa, ủy ban KHKTNN cũng đã chủ trì, cùng các cơ quan có liên quan và được sự tài trợ của UNDP, tổ chức tại Hà Nội tháng 12 năm 1990, Hội nghị quốc tế đầu tiên của nước ta về Môi trường, mà sản phẩm là Kế hoạch quốc gia về Môi trường và Phát triển lâu bền, giai đoạn 1991-2000. Năm 1991, Bản Kế hoạch đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) quyết định cho phép thực hiện. Có thể nói đó là một mốc quan trọng trong lịch sử về môi trường ở nước ta, dẫn đến việc nước ta tham gia Hội nghị Rio de Janeiro, thành lập Bộ KHCN&MT năm 1992, cũng như việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên vào tháng 12 năm 1993.
Hội BVTN&MTVN là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cũng là một tổ chức quần chúng rộng rãi của người Việt Nam ở trong và ngoài nước quan tâm và tự nguyện hoạt động vì sự nghiệp bảo vệ môi trường Việt Nam. Hội tập hợp và tổ chức các hội viên và mọi người tình nguyện khác, cộng tác với các tổ chức, cá nhân để tham gia các công việc về khai thác, sử dụng hợp lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
….Cũng chính vì tính chất, chức năng, nhiệm vụ của Hội, cho nên, khác với đa số các tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác, Hội BVTN&MT VN không chỉ bao gồm các thành viên là các nhà khoa học, các nhà chuyên môn về môi trường, tuy rằng đó là thành phần chủ yếu và quan trọng, mà còn bao gồm mọi tổ chức và cá nhân khác, không kể lĩnh vực chuyên môn và trình độ, miễn là có tâm huyết và tình nguyện hoạt động theo Điều lệ của Hội, vì sự nghiệp BVTNMT nước ta và nói chung.
Từ khi thành lập đến nay, Hội đã tham gia công tác tư vấn và phản biện đối với một số chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước có liên quan đến môi trường, như góp ý cho Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, tham gia biên soạn dự thảo các Kế hoạch quốc gia và Chiến lược Bảo vệ môi trường của nước ta trong các giai đoạn 1991-2000 và 2001-2010, Chỉ thị số 36-CT /TƯ, các báo cáo hàng năm về hiện trạng môi trường; tham gia thẩm định về vấn đề môi trường đối với một số dự án đầu tư quan trọng, như thủy điện Sơn La, đường Hồ Chí Minh v.v...
Về nghiên cứu khoa học, Hội và các tổ chức thành viên, các hội viên đã chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiều đề tài của Nhà nước, đề tài cấp bộ và địa phương, thí dụ, đề tài về môi trường của thủy điện Sơn La.
Hội cũng tham gia nhiều hoạt động về huấn luyện, đào tạo, cũng như các phong trào rộng rãi, như Ngày Môi trường thế giới 5/6, Ngày làm cho thế giới sạch hơn, tham gia biên soạn và xuất bản nhiều ấn phẩm về khoa học và phổ biến kiến thức.
Về hợp tác quốc tế, Hội được mời làm thành viên của Ban điều hành quốc gia Quỹ Môi trường toàn cầu GEF; hợp tác với Danida, IDRC thực hiện một số dự án, thí dụ Dự án với IDRC về "Nghiên cứu xây dựng luật pháp về tiếp cận tài nguyên gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng tài nguyên gen", hợp tác với Danida - WWF trong dự án Johannesburg Việt Nam.
Hiện nay, ngoài Văn phòng Hội ở Hà Nội, Hội có Văn phòng phía Nam, 35 hội, chi hội, viện và trung tâm là thành viên của Hội.
Hội đã lập giải thưởng về môi trường và lần đầu tiên đã trao giải thưởng của Hội cho một số tổ chức và cá nhân trong buổi lễ kỷ niệm ngày 5/6/2001 tại Huế…