Nhà tôi ở một làng quê nghèo ven biển. Mẹ sinh bốn đứa con trong những năm tháng bố theo ông nội lênh đênh bám biển. Cả năm bố chỉ về nhà mấy lần. Mọi chi phí gia đình đều trông vào gánh cháo của mẹ.
Ngày ngày, mẹ phải ngâm gạo từ chập tối để ba giờ sáng hôm sau, khi cả làng còn yên giấc, bốn đứa con của mẹ còn ngủ lăn lóc thì nồi cháo của mẹ đã bốc khói nghi ngút và dậy mùi thơm.
Mùi hương ấy đậm đà vị biển. Công thức nấu cháo của mẹ cũng giản đơn như việc nấu nồi cơm, bát canh của mỗi nhà. Nhưng vị thơm ngậy, đậm đà của những con ngao, con hến trong bát cháo của mẹ thì ăn một lần sẽ khó kìm nén sự cồn cào mỗi khi chợt nhớ đến. Nhiều đêm tỉnh giấc, tôi thấy mẹ ngồi lặng lẽ trong căn bếp cũ kĩ, đôi mắt nhìn xa xăm. Lâu rồi, bố chưa về, lại đang mùa bão nổi...
Khoảng lặng trong đôi mắt mẹ ám ảnh tôi từ khi ấy. Lưng mẹ mỗi ngày còng thêm, đôi vai gầy nhô lên sau lần áo .
Sáng nào cũng vậy, quẩy đôi quang gánh nặng trĩu, mẹ tôi đi bán cháo dạo. Gần 20 năm trời, tiếng rao bán của mẹ quen với nhiều thế hệ ở làng. Dáng mẹ gầy liêu xiêu trên bờ đê lộng gió, lúc tất tả bắt đò sang sông.
Những ngày bão nổi, đường làng trơn nhẫy. Hôm ấy, trời mưa to, mẹ bảo nghỉ thì tiếc công ngâm gạo, dậy sớm, vả lại không đi bán thì khách quen mong. Gàn mãi, mẹ vẫn quẩy gánh đi, nhưng không thể ngờ đôi dép hàng ngày vẫn bền bỉ là thế bỗng dưng đứt quai, mẹ ngã. Xoong cháo nóng đổ ụp vào chân. Khi bốn đứa con vẫn ngủ còn mẹ thì ngã bỏng chân và đổ cả gánh hàng. Khi con cái hoảng hốt chạy ra đỡ mẹ thì mẹ lại mắng: Mẹ không sao, các con lo dậy đi học cho đúng giờ. Những đứa con vô tâm ôm cặp đi học mà không biết rằng mình mẹ đau đớn vật vã với vết bỏng ở nhà. Giờ vết bỏng vẫn để lại một vết sẹo dài nơi bàn chân mẹ.
Ngày ngày, bán hết hai nồi cháo, khi mặt trời đã quá đầu người, mẹ lại tất tả ra đồng. Những ngày mùa cấy tháng bảy, nắng như thiêu như đốt, đất ruộng sục lên bọt chua mặn, bàn chân mẹ thêm nứt nẻ, tay mẹ thêm chai sần và mắt mẹ càng nhiều vết chân chim.
Mẹ nuôi bốn chị em tôi ăn học, trang trải cuộc sống từ gánh cháo hàng ngày. Vậy mà quanh năm mẹ cũng chỉ có mấy tấm áo sờn. Đôi dép nhựa bị đứt, mẹ chờ con cái đi ngủ mới lụi cụi hơ lửa hàn lại. Tối ấy, tôi đã nhắc mình, đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được sẽ dành để mua tặng mẹ đôi dép.
Năm tháng trôi nhanh, mấy chị em tôi lần lượt vào đại học. Ngày tiễn tôi đi, bố tôi cũng tranh thủ về. Mẹ tất tả hỏi con gái thích ăn gì để mẹ mua... Kỳ lạ nhà khó khăn, chẳng mấy khi được ăn tươi, nhưng tôi lại chỉ thèm được ăn bát cháo mẹ vẫn bán ngày xưa.
Mẹ mắng yêu: Ăn gì chẳng ăn, lại thèm bát cháo quê hả con? Nói thế nhưng mẹ vẫn hì hụi luộc ngao nấu cháo. Cổ họng tôi nghẹn đắng. Lại thêm một lần thầm hứa sẽ đưa mẹ lên thành phố để thưởng thức một bát cháo gà - thứ quà sáng xa xỉ của người thành phố có giá gấp đến 20 lần bát cháo rong mẹ bán.
Tôi cúi xuống, giấu đi giọt nước mắt, ăn thật chậm để cảm nhận hết vị ngọt ngào của quê hương và lòng mẹ.
Hương cháo của mẹ cũng thi thoảng bắt gặp nơi phố thị. Chiều ấy tôi dừng xe nơi đầu ngõ, ăn một bát cháo trai, hương vị cháo trai thành phố không thể sánh với bát cháo ngao của mẹ nơi đảo xa.
Giờ đã là năm cuối cùng của quãng đời sinh viên, tôi đã trưởng thành hơn, có người yêu, không còn ngờ ngệch như ngày mới rời xa vòng tay mẹ. Nhưng mới chỉ mua tặng mẹ được một đôi dép, còn bát cháo gà cao cấp nơi đô thị thì vẫn để mẹ phải ước ao...
Con nhớ mẹ, mẹ ơi!.
|