VACNE góp ý xây dựng Hiến pháp với mục tiêu: xác định rõ ràng hơn quyền và trách nhiệm của nhà nước, của con người trong lĩnh vực môi trường
(VACNE) - Ngày 21/2/2013, Văn phòng Hội BVTN&MT Việt Nam tổ chức họp, lấy ý kiến các vị lãnh đạo và các nhà khoa học về việc bổ sung xây dựng Hiến pháp, trong đó tập trung vào mục tiêu: xác định rõ ràng hơn quyền và trách nhiệm của nhà nước, của con người trong lĩnh vực môi trường.
Đây là sự kiện sinh hoạt chính trị và là cơ hội đặc biệt cho giới khoa học được tham gia trực tiếp vào việc xây dựng một đạo luật cơ bản của nhà nước, trong đó có môi trường sống.
Theo các nhà khoa học: bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều quy định mới mang tính chất tiến bộ, thể hiện quan điểm đề cao quyền con người và đặt vị thế quan trọng của con người trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cụ thể, Điều 46 (mới) có ghi: Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường
Nhưng, nhiều ý kiến cho rằng: nếu chỉ nói đến trách nhiệm bảo vệ môi trường mà chưa nói đến quyền được bảo vệ môi trường của con người là chưa đủ. Vì cộng đồng có 4 vai trò quan trọng là: Sáng tạo các mô hình, các giải pháp trong BVMT; Thực hiện các nghĩa vụ công dân trong BVMT; Tự giáo dục, tự truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong nội bộ cộng đồng; Giám sát môi trường, đấu tranh chống các vi phạm, tội phạm về bảo vệ môi trường.
Cộng đồng phải có các quyền: đươc biết thông tin, được bàn, được làm, được kiểm tra – Giám sát, Khiếu nại - Tố cáo” khi thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Tại Khoản 1, Điều 68 (Chương III Kinh tế, Xã hội, Văn hóa, Giáo dục, Khoa học,Công nghệ và Môi trường) có nêu: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân. Theo một số nhà khoa học: vừa thừa vừa thiếu. Vì quy trách nhiệm cho xã hội là chung chung và không đúng pháp nhân (nên bỏ từ này) và thay bằng cụm từ trách nhiệm và là nghĩa vụ cho các tổ chức, cá nhân.
Cần bổ sung vào khoản 2 cụm từ “đảm bảo thực thi hiệu quả quyền con người về bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh môi trường”. Vì nếu bảo vệ môi trường là quyền công dân mà Nhà nước không có cơ chế chính sách đảm bảo thì không khả thi. Hơn nữa cần đưa khái niệm an ninh môi trường vào hiến pháp
Các hành động phát triển đa dạng sinh học (trồng và bảo vệ rừng, phát triển lâm viên và trang trại chăn nuôi bán hoáng dãn,…) cũng cần được khuyến khích như các hành động khác đã liệt kê trong khoản 2
Cũng cần đưa hành động gây hại cho an ninh môi trường và an toàn môi trườngvào danh sách các hành động bị xử lý nghiêm như các hành động khác đã nêu trong khoản 3
Vì thế, Hiến pháp cần ghi rõ:
1. Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo thực thi hiệu quả quyền con người về môi trường; đảm bảo an ninh môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Mọi hoạt động bảo vệ môi trường, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sach, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch của tổ chức, cá nhân được nhà nước khuyến khích
2. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học, gây hại cho an ninh môi trường phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.
Tại cuộc họp này, các đại biểu đã thống nhất soạn thành văn bản, gửi Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, để trình tố Ban dự Thảo Hiến pháp./.
Văn phòng VACNE