Giữ rừng sinh kế vững bền
Chiếc ô tô con của chúng tôi xuất phát từ thành phố Tuyên Quang đi các huyện. Ngắm qua cửa kính anh bạn tôi liên tục thốt lên: “Nhiều rừng quá, nhìn ngút tầm mắt, thích thật”. Quả đúng Tuyên Quang nhiều rừng thật, nằm trong tốp những tỉnh dẫn đầu cả nước về độ che phủ rừng, lên đến trên 65% diện tích đất tự nhiên. Con số là vậy, nhưng nói về “chất lượng” rừng nguyên sinh mà kiểm lâm vẫn hay gọi là rừng đặc dụng với độ đa dạng sinh học cao thì Tuyên Quang dẫn đầu cả nước với hàng trăm nghìn ha được bảo vệ nghiêm ngặt. Không phải nghiễm nhiên từ “Thủ đô xanh” lại được gắn với Tuyên Quang.
Từ xa xưa đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang có tục thờ thần rừng. Và họ quan niệm giữ rừng chính là giữ cuộc sống của chính mình, cho con cháu muôn đời sau. Là một tỉnh lâm nghiệp, Tuyên Quang có chính sách phân loại, bảo vệ, phát huy giá trị của rừng từ rất sớm. Bên cạnh rừng sản xuất, rừng phòng hộ, thì rừng đặc dụng được coi trọng đặc biệt. Ngoài là “lá phổi xanh” của tỉnh, rừng đặc dụng còn có ý nghĩa lâu dài trong phát triển du lịch sinh thái. Điểm nhấn là đầu năm 2019 Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình được công nhận là danh thắng quốc gia đặc biệt.
Du khách thích thú thăm những cây nghiến nghìn tuổi ở Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình.
Theo Hạt Kiểm lâm Na Hang, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình có diện tích bảo vệ trên 61.300 ha, trong đó có 8.000 ha vùng lòng hồ, nằm ở 14 xã, thị trấn thuộc hai huyện Na Hang và Lâm Bình. Khu bảo tồn nằm giữa những cánh rừng đại ngàn dọc đôi bờ sông Gâm và sông Năng. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, hệ thống hang động độc đáo, kỳ thú. Tại đây có 8 loài khỉ, trong đó voọc mũi hếch, voọc đen má trắng thuộc loại quý hiếm, đặc hữu. Quỹ Bảo tồn thế giới của Mỹ (WWF-US) đã xác định đây là một trong những hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Công Thung, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình “liên doanh” với Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể để trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể - Na Hang đảm bảo đủ các tiêu chí đề cử là di sản thiên nhiên thế giới. Hiện nay, hồ sơ khoa học của khu bảo tồn đang được các nhà khoa học chuyên ngành hàng đầu của Việt Nam phối hợp với hai tỉnh tiến hành xây dựng, hoàn thiện để trình UNESCO. Nếu trở thành hiện thực khu bảo tồn này sẽ là trung tâm của du lịch miền Bắc với cảnh quan danh thắng thật sự sơn thủy hữu tình.
Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái
Nếu du lịch lễ hội thì theo mùa vụ ngắn ngày, du lịch sinh thái diễn ra quanh năm. Mấy năm gần đây lượng khách du lịch lên hai huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình tăng đột biến. Điều đó cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ, du lịch sinh thái đang chiếm một vị trí quan trọng. Anh Nguyễn Công Hùng, du khách Hà Nội khẳng định: “Tôi đã đi du lịch nhiều nơi ở miền Bắc song ít nơi nào giữ được cảnh đẹp thiên nhiên nguyên bản và hoang sơ như ở Tuyên Quang. Nét riêng của du lịch sinh thái xứ Tuyên là sự “hòa trộn, đan xen” với du lịch lịch sử cách mạng, du lịch cộng đồng bản làng dân tộc. Một lần lên thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang) ở homestay của đồng bào Tày, chúng tôi còn được đi tham quan những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn. Khí hậu ở đây thì mát mẻ trong lành, không gian bình yên, thoáng đãng, rừng xanh thì ngút tầm mắt. Nói chung lên đây rồi, muốn ở thật lâu để trải nghiệm bản sắc văn hóa người Tày và khám phá sự đa dạng thiên nhiên”.
Du lịch sinh thái hồ Nà Nưa, xã Tân Trào, Sơn Dương.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, du lịch sinh thái là một thế mạnh của tỉnh cần được tập trung khai thác. Vì hầu như địa phương nào trong tỉnh cũng có những khu, điểm du lịch sinh thái nổi trội, ấn tượng. Như ở thành phố Tuyên Quang có tiềm năng khu du lịch sinh thái Núi Dùm, Cổng Trời. Huyện Sơn Dương có du lịch sinh thái rừng đặc dụng Tân Trào gắn với di tích Quốc gia đặc biệt. Yên Sơn thì kết hợp bảo tồn, phát huy cụm di tích lịch sử cách mạng xã Kim Quan, cụm di tích Lào xã Mỹ Bằng gắn với du lịch sinh thái. Còn Hàm Yên quy hoạch phát triển du lịch sinh thái dãy núi Chạm Chu gắn với miệt vườn cam sành, Động Tiên, Hồ Khởn, thác Mạ Héc. Chiêm Hóa khai thác du lịch sinh thái thác Tát Lụa, Bản Ba, rừng đặc dụng quanh Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình. Huyện Lâm Bình đẩy mạnh tua du lịch sinh thái vùng lòng hồ như Bản Cài, Cọc Vài, thác Khuổi Nhi, Nặm Me, đảo cò, động Song Long, hang Khuổi Pín, quần thể núi đá vôi xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, đèo Khau Lắc, rừng nguyên sinh Tầng, Biến. Huyện Na Hang chú trọng du lịch sinh thái Tát Kẻ - Bản Bung, Pù Hanh, Phiêng Bung, Pác Tạ, thác Mơ, thăm quần thể cây nghiến nghìn tuổi trong vùng lõi rừng nguyên sinh.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, du lịch vẫn là lĩnh vực đột phá. Trong đó coi trọng phát triển du lịch sinh thái quy mô, bài bản với các dịch vụ đa dạng, bền vững, chất lượng cao, có bản sắc riêng.
Phóng sự: Quang Hòa