Truyền thông tốt sẽ giúp người dân
không nuôi chó dữ, không trồng cỏ lạ
Từ chuyện Trà Vinh tiêu hủy, cấm trồng cỏ lạ
Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Trà Vinh vừa có công văn chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện Duyên Hải tổ chức tiêu hủy toàn bộ diện tích giống cỏ lạ đã được các hộ dân ở xã Dân Thành và xã Đông Hải trồng từ hơn 3 tháng nay với diện tích 3,1 ha. Cục Trồng trọt còn yêu cầu ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giám sát chặt chẽ công việc tiêu hủy, tiến hành thu lại toàn bộ số hạt cỏ giống còn đang tích trữ trong dân; thông báo rộng rãi việc nghiêm cấm trồng giống cỏ này. Các tổ chức, cá nhân nào phát tán cỏ giống khi chưa được phép của cơ quan chuyên môn sẽ bị xử lý nghiêm.
Gần đây, dân nuôi chó cảnh ở Hà Nội đua nhau săn lùng giống chó có nguồn gốc từ châu Mỹ, được mệnh danh là "sát thủ máu lạnh”, "chó chiến binh” làm vật nuôi. Đó là những con chó Pit Bull hung dữ tấn công đối phương đến chết… Một bác sĩ thú y ở phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội) lo ngại, việc nhân giống tràn lan những con chó mà thần kinh của nó có vấn đề như giống chó Pit Bull được ví như những "trái bom” nổ chậm.
Hà Nội cũng vừa thông xe qua đoạn có hố tử thần sụt lún sau 2 tháng sửa chữa, nhưng vì sao sụt lún, trách nhiệm thuộc về ai, đơn vị nào? Công luận, người dân vẫn chỉ được giải thích là "do mưa bão”…
Những sự cố liên quan đến yếu tố khoa học về sinh thái, địa chất, môi trường nói chung rất cần phải minh bạch, công khai để các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm tránh lặp lại, để dân chúng hiểu và nâng cao nhận thức. Đáng tiếc nhiều trường hợp, nhà khoa học và cơ quan có trách nhiệm vào cuộc muộn, khi "sự đã rồi” hoặc họ không thống nhất khi lý giải nguyên nhân, gây tâm lý hoang mang trong dân. Khi hiểu biết của người dân về môi trường, sự cố môi trường chưa thấu đáo thì làm sao có thể chuyển thành thái độ, hành vi sống thân thiện với môi trường và có ý thức, trách nhiệm tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) được.
Truyền thông môi trường cần dễ hiểu, hấp dẫn
Các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam khẳng định, chỉ có khoảng 20% nguyên nhân làm cho môi trường ô nhiễm và suy thoái là do tự nhiên. Còn lại khoảng 80% nguyên nhân thuộc về những tác động tiêu cực của con người. Các cộng đồng dân cư ở Việt Nam gắn bó với những yếu tố môi trường nhất định và có tác động hai chiều lên môi trường - thân thiện và tiêu cực.
Nếu người dân có ý thức tốt hơn, họ sẽ không lạm dụng túi nilon mà tận dụng được nguồn tài nguyên quý giá từ rác thải. Nếu người dân có ý thức tốt hơn, họ sẽ không tàn phá rừng và khai thác khoáng sản "chui”, sẽ tẩy chay các sản phẩm từ thú rừng, từ nhà máy gây ô nhiễm, không trồng cỏ lạ, nuôi chó dữ… Vậy, làm sao để tạo dựng được ý thức tốt hơn trong mỗi con người? Câu trả lời chính là truyền thông môi trường phải tốt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa mở khóa bồi dưỡng nâng cao kiến thức về tài nguyên và môi trường cho phóng viên thông tấn, báo chí. Lĩnh vực này rõ ràng ngày càng được cộng đồng quan tâm nhiều hơn. Đất đai, nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo..., đều liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của hầu hết công dân. Song truyền thông thực tế còn khô khan và chưa hiệu quả. Đồng bào dân tộc thiểu số - những người sống ở vùng sâu, vùng xa, ngư dân vùng ven biển - sống ở các vạn chài dễ bị thiên tai, điều kiện kinh tế khó khăn và trình độ học vấn không cao, chưa được quan tâm đặc biệt trong việc tìm kiếm và sử dụng những kênh truyền thông và thông điệp truyền thông thích hợp.
Các cơ quan hữu quan khi xảy ra sự cố liên quan đến địa chất, môi trường thường né tránh báo chí vào cuộc, đó là một tồn tại đã lâu chưa khắc phục. Sự "bắt tay” giữa cơ quan quản lý và giới truyền thông nhiều khi còn mang tính hình thức. Báo cáo quốc gia về môi trường hàng năm với nhiều thông tin có giá trị cũng thường rơi vào quên lãng sau khi công bố, chưa trở thành điểm tựa để phát triển thành những thông điệp cụ thể, chưa xác định những khu vực mà ở đó bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái có thể là một giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mục đích của truyền thông về môi trường và BĐKH không chỉ là truyền đạt thông tin hay quá nhấn mạnh vào truyền đạt thông tin. Quan trọng hơn là cần thu hút mọi người tham gia vào quá trình chia sẻ thông tin, tạo ra sự hiểu biết chung, nhận thức chung về những vấn đề môi trường, để từ đó cùng chia sẻ trách nhiệm và thống nhất hành động. Muốn vậy các hoạt động truyền thông cần được xây dựng một cách đa dạng, bài bản, đủ hấp dẫn để người dân chú tâm theo dõi, đủ đơn giản để người dân hiểu, đủ lý lẽ thuyết phục để người dân làm theo, và đủ thường xuyên để duy trì hoạt động bảo vệ môi trường trở thành thói quen cho mỗi người.
Thanh Lê
|