Tại Việt Nam, các địa phương đều nhận định và hướng tới việc cung cấp các hoạt động du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách nhưng vẫn có thể duy trì việc bảo tồn, gìn giữ và tôn tạo các tài nguyên thiên nhiên, di sản, đồng thời giảm tối đa lượng khí phát thải, bảo vệ môi trường để tiếp tục phát triển du lịch trong tương lai.
Đánh giá về những nỗ lực của ngành du lịch Việt thời gian qua, TS. Lê Thu Hương (Giảng viên bộ môn Quản trị du lịch và Truyền thông, Học viện Hành chính Quốc gia) nhận định, ngành du lịch Việt Nam đang thực hiện những bước chuyển đổi xanh mạnh mẽ để phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu Net Zero. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy du lịch xanh và bền vững. Các chương trình như “Du lịch Việt Nam - Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa” và các hội chợ du lịch quốc tế đã tạo ra nền tảng cho sự chuyển đổi này. Nhiều doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương đã tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Cùng với đó, các sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh đang được phát triển mạnh mẽ. Các tour du lịch không sử dụng phương tiện cơ giới, du lịch cộng đồng, và du lịch sinh thái đang trở thành xu hướng phổ biến. Ngoài ra, các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về du lịch xanh đang được triển khai rộng rãi, điều này giúp du khách và cộng đồng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và tham gia vào các hoạt động bền vững. Việt Nam cũng đang hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc) để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Các dự án hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho các cộng đồng phụ thuộc vào du lịch.
Ngành du lịch Việt Nam đang thực hiện những bước chuyển đổi xanh mạnh mẽ để phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu Net Zero
Trong cuộc đua Net Zero của ngành du lịch, một số tỉnh thành sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng như Quảng Bình, Bến Tre, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu,… đang rất tích cực trong việc xây dựng những tour trải nghiệm xanh, cung cấp các hoạt động du lịch đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của du khách trong và ngoài nước, từng bước hướng tới mục tiêu du lịch Net Zero.
Tỉnh Quảng Bình
Với lợi thế về tài nguyên du lịch thiên nhiên, các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với hệ sinh thái đa dạng cùng thương hiệu “Điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn, khác biệt” đã từng bước được khẳng định, du lịch Quảng Bình có lợi thế lớn và đã chủ động trong việc phát triển các sản phẩm du lịch theo xu hướng Net Zero.
Trong Kế hoạch số 1614/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xác định nhiệm vụ về “Xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 - 2025, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”.
Sở Du lịch Quảng Bình đã chủ động phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trong việc phát triển các sản phẩm du lịch Net Zero; liên kết với các công ty lữ hành quốc tế để hình thành các chương trình du lịch theo xu hướng giảm thiểu carbon tiêu thụ; phổ biến hướng dẫn thực hiện các tiêu chí của Nhãn Bông Sen Xanh cho các cơ sở lưu trú; các tiêu chí ASEAN (Du lịch bền vững, Thành phố du lịch sạch, Du lịch cộng đồng, Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay), Khách sạn xanh, Địa điểm tổ chức MICE, Dịch vụ Spa, Nhà vệ sinh công cộng); 17 tiêu chí bền vững của Liên hợp quốc…
Du lịch Quảng Bình có nhiều lợi thế lớn và đã chủ động trong việc phát triển các sản phẩm du lịch theo xu hướng Net Zero
Tại Quảng Bình, một khu cắm trại ẩn mình giữa đại ngàn xanh thẳm của Di sản thiên nhiên thế giới - Vườn Quốc Gia Phong Nha Kẻ Bàng đã trở thành mô hình du lịch xanh đầu tiên hướng tới mục tiêu Net Zero. Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo - pin mặt trời, tái sử dụng - tái chế để giảm thiểu sản xuất và xử lý rác, giảm tối đa chặt cây và bê-tông hóa bằng cách xây dựng hạ tầng cơ sở lắp ghép, những lối đi trong rừng được thiết kế dạng cầu treo để tránh ảnh hưởng hệ sinh thái... là những đặc điểm khiến nơi đây trở nên khác biệt với phần đa những mô hình camping (cắm trại) hoặc glamping (cắm trại kiểu cao cấp, sang trọng) cùng loại. Không chỉ nỗ lực giảm thiểu phát thải tối đa, cơ sở này còn tính toán và bù đắp lượng khí thải nhà kính sinh ra do hoạt động kinh doanh của chính mình bằng cách trồng cây giúp hấp thụ carbon dioxide khỏi không khí, tạo thêm bóng mát và môi trường sinh sống tự nhiên cho động vật hoang dã, hỗ trợ các dự án phục hồi rừng và quyên góp cho các tổ chức môi trường làm việc về các sáng kiến giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Bến Tre
Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh trong 3 tháng đầu năm 2024, lượng du khách có nhu cầu về du lịch xanh đến tỉnh gần 580 ngàn lượt, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, khách quốc tế chiếm hơn 20%. Tổng thu từ khách du lịch lũy kế 3 tháng ước đạt 715 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ và đạt 23% so với kế hoạch năm 2024.
Cuối tháng 3/2024, tỉnh Bến Tre đã thí điểm tour du lịch mới mang tên "Net Zero tours Bến Tre”. Khi tham gia tour này, du khách sẽ được trải nghiệm hoạt động bao gồm di chuyển, lưu trú, ăn uống… hoàn toàn thân thiện với môi trường. Đặc biệt, khi bắt đầu tour, du khách sẽ được trao một cuốn passport (hộ chiếu) Net Zero, ý nghĩa như một giấy thông hành để du khách trở thành công dân xanh toàn cầu của tương lai. Cuốn sổ này cho phép du khách tự ghi chép lại những hoạt động mà họ được trải nghiệm trong suốt chuyến đi. Cùng với đó, du khách sẽ được hướng dẫn cách đo lường và tính toán lượng phát thải đã tạo ra trong suốt chuyến trải nghiệm, sau đó cùng nhau thực hiện bù đắp thông qua các hoạt động như trồng cây bần, cây đước, sử dụng các nông sản, mua đồ thủ công, mỹ nghệ của người dân hoặc mua một cây dừa lâu năm… sẽ là những hành động bù đắp phát thải carbon khi tham gia tour du lịch Net Zero ở Bến Tre.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cùng lãnh đạo các sở, ngành tham gia “Net Zero Tours Bến Tre” vào cuối tháng 3/2024
Tỉnh Quảng Nam
Hội An đang thể hiện sự cam kết mạnh mẽ đối với du lịch bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero thông qua việc bảo tồn di sản văn hóa, giảm thiểu tác động môi trường, khuyến khích sử dụng năng lượng xanh, và phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng.
Cụ thể, về việc bảo tồn di sản văn hóa, Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, và thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo tồn và duy trì các giá trị văn hóa và kiến trúc của khu phố cổ. Các quy định nghiêm ngặt được áp dụng để bảo vệ các tòa nhà cổ, đường phố, và không gian công cộng. Các sự kiện văn hóa và lễ hội như lễ hội ánh sáng và lễ hội hội xuân không chỉ thu hút du khách mà còn giúp bảo tồn các phong tục tập quán và nghệ thuật truyền thống.
Hội An cũng khuyến khích du lịch sinh thái và cộng đồng. Các tour du lịch sinh thái tại Hội An bao gồm các hoạt động như đi thuyền trên sông Thu Bồn, thăm các làng nghề truyền thống và khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn. Các tour này giúp du khách tìm hiểu về môi trường và hỗ trợ bảo tồn thiên nhiên. Hội An cũng phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, nơi du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, tham gia vào các hoạt động truyền thống và hỗ trợ kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, từ sớm, Hội An đã kêu gọi cộng đồng và du khách hạn chế dùng đồ nhựa sử dụng một lần. Hội An cũng chính thức ra mắt mô hình "Khách sạn không rác thải nhựa” vào tháng 9/2023. Thành phố cũng đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 13 - 15% rác thải nhựa, tiến đến năm 2025 không còn phát sinh rác thải nhựa dùng một lần.
Hội An kêu gọi cộng đồng và du khách hạn chế dùng đồ nhựa sử dụng một lần từ rất sớm
Nhiều cơ sở lưu trú và doanh nghiệp tại Hội An cũng đang đầu tư vào năng lượng mặt trời để giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch. Các hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái nhà và các khu vực công cộng. Các cơ sở lưu trú và nhà hàng cũng áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, chẳng hạn như sử dụng đèn LED và thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Hội An còn khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh như xe đạp và xe điện. Thành phố có các chương trình cho thuê xe đạp và các tuyến đường an toàn cho xe đạp. Khu phố cổ được thiết kế để thuận tiện cho việc đi bộ, giúp giảm lượng khí thải từ các phương tiện giao thông và cải thiện trải nghiệm du lịch.
Tỉnh Quảng Ninh
Huyện đảo Cô Tô đang tiến hành nhiều nỗ lực để phát triển du lịch bền vững thông qua việc bảo tồn môi trường, khuyến khích du lịch sinh thái và cộng đồng, giảm thiểu tác động của rác thải, và áp dụng công nghệ xanh. Những nỗ lực này không chỉ giúp bảo vệ vẻ đẹp thiên nhiên của hòn đảo mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương và mang lại trải nghiệm du lịch tích cực cho du khách. Cụ thể:
Cô Tô có nhiều bãi biển đẹp và hệ sinh thái biển phong phú. Các chương trình bảo tồn đang được triển khai để bảo vệ các rạn san hô, hệ sinh thái biển và động vật hoang dã. Các hoạt động như lặn biển và đi thuyền cũng được quản lý chặt chẽ để giảm thiểu tác động đến môi trường. Các dự án trồng cây xanh và phục hồi rừng ngập mặn cũng được thực hiện để bảo vệ đất và cải thiện chất lượng môi trường sống.
Huyện đảo Cô Tô đang tiến hành nhiều nỗ lực để phát triển du lịch bền vững thông qua việc bảo tồn môi trường, khuyến khích du lịch sinh thái và cộng đồng, giảm thiểu tác động của rác thải, và áp dụng công nghệ xanh
Cô Tô cũng đang triển khai các chương trình giảm thiểu rác thải nhựa và nâng cao nhận thức về quản lý chất thải. Các biện pháp phân loại và tái chế rác thải được thực hiện để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Một số cơ sở lưu trú và doanh nghiệp tại Cô Tô còn đầu tư vào năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời để giảm lượng khí thải carbon và tiết kiệm năng lượng.
Tại Cô Tô, nhiều tour du lịch sinh thái được tổ chức để du khách có cơ hội khám phá các khu vực thiên nhiên nguyên sơ, tham gia vào các hoạt động bảo tồn và học hỏi về hệ sinh thái địa phương. Các hoạt động như đi bộ đường dài, quan sát chim, và khám phá các hệ sinh thái rừng và biển là những lựa chọn phổ biến. Ngoài ra, các dự án du lịch cộng đồng tại nơi đây giúp du khách trải nghiệm văn hóa và lối sống của người dân địa phương, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế cho cộng đồng. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động truyền thống, tham quan làng nghề, và thưởng thức các món ăn địa phương.
Huyện đảo Cô Tô còn áp dụng công nghệ xanh trong quản lý du lịch và bảo vệ môi trường, như hệ thống quản lý nước và năng lượng thông minh, và sử dụng công nghệ để theo dõi và bảo vệ các khu vực sinh thái.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trịnh Hàng cho biết, trong thời gian tới, du lịch Côn Đảo sẽ tập trung vào phân khúc thị trường khách chi tiêu cao, khách yêu văn hóa lịch sử, yêu du lịch sinh thái và đặc biệt hướng đến "du lịch Net Zero".
Theo đó, tỉnh này tổ chức chương trình famtrip liên kết, hợp tác để hình thành các sản phẩm, chương trình tour, tuyến chất lượng cao. Qua đó, địa phương này mong muốn giới thiệu sản phẩm du lịch, đồng thời liên kết tour, tuyến tạo điều kiện đưa khách du lịch từ thị trường vùng Đông Nam Bộ và khách du lịch quốc tế đến Côn Đảo và ngược lại.
Trong thời gian tới, du lịch Côn Đảo sẽ tập trung vào phân khúc thị trường khách chi tiêu cao, khách yêu văn hóa lịch sử, yêu du lịch sinh thái và đặc biệt hướng đến "du lịch Net Zero"
Hiện du lịch Côn Đảo đang được tập trung để xây dựng các sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của khách trong nước lẫn quốc tế. Du khách đến đây có thể trải nghiệm tất cả các loại hình du lịch từ văn hóa, tâm linh, lịch sử đến sinh thái, gắn với quá trình chuyển đổi số.
Ông Chu Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Du lịch Côn Đảo cho biết, huyện đang có 27 tuyến du lịch với đa dạng sản phẩm từ tham quan di tích lịch sử, đến tour du lịch sinh thái… Dựa trên những tuyến này, các công ty du lịch, lữ hành đã xây dựng và phát triển những tour du lịch khác nhau, trong đó nhiều tour tuyến được du khách trong và ngoài nước đón nhận, nhờ vừa ngắm cảnh quan thiên nhiên vừa trải nghiệm nhiều hoạt động như xem rùa đẻ vào ban đêm, thả rùa con về biển, bơi và xem các rạn san hô…
Sức hấp dẫn của điểm đến Côn Đảo là sự tươi xanh, bình yên và không khí trong lành hiếm có. Với nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch xanh, bền vững, Côn Đảo có thể trở thành một điểm đến mẫu mực trong việc đạt được mục tiêu Net Zero và bảo vệ thiên nhiên.