Trong cả trăm kilômét, từ dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, nơi đỉnh Phan Xi Păng - nóc nhà Đông Dương cao tới 3.142 mét, cho đến hai bờ sông Mã, sông Đà và sông Hồng không có cây gì xanh tươi, sắc bén, chen chúc bằng tre. Rừng tre là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật, riêng nấm tre quý giá không kém nấm linh chi, có tin đồn có thể chữa bách bệnh.
Là biểu tượng của xứ sở, cùng với cây lúa làm nên sự thịnh vượng trong thôn bản, tre có vai trò cực lớn trong đời sống văn hóa dân gian Tây Bắc. Ẩn dưới bóng tre luôn là những nếp nhà sàn, những đàn trâu gặm cỏ ngân nga, là cảnh bếp núc nồng đượm, ca múa rộn ràng.
Các dân tộc Tây Bắc ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và Hòa Bình gồm người Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Lự, Bố Y, Khơ mú, Bru-Vân Kiều, Sán Dìu, Hà Nhì, Xinh Mul… từ xa xưa đều gắn bó mật thiết cùng tre. Bà con thường ví mỗi lóng tre là một lóng của đời người, trăm đốt tre là trăm tuổi đời. Hay ví ngón tay của thiếu nữ với các búp măng non; dáng đứng của nam nhi với thế đứng hiên ngang, thanh tao của tre.
Tre luôn là vật chứng giám việc sinh tử của đồng bào. Người Thái khi sinh con đều chẻ tre nấu cơm, uống nước suối dẫn từ ống tre,… như một thủ tục thông báo về sự chào đời của đứa trẻ. Khi con người chết, thể xác trở lại đất còn linh hồn sẽ đi qua ngọn tre tới thế giới cực lạc.
Tre cũng là hồn thiêng của núi rừng, là vị thần che chở cho các dân tộc. Trong những ngày chiến tranh, Tố Hữu đã có vần thơ: “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”, và cánh rừng ở đây chính là rừng tre, một mê cung, một trận chiến của tre chỉ có những người quen đường thạo lối mới vượt qua nổi.
Bởi vậy, khi đến với Tây Bắc, sau khi leo đường đất, du khách sẽ bắt gặp những cây cầu tre mỏng mảnh, lắc lẻo dẫn vào từng thôn bản.
Cũng chính bởi sự gắn bó đó, Tây Bắc là nơi tạo ra rất nhiều sản vật từ tre. Đầu tiên là măng, mầm non của tre làm món ăn. Có măng tươi màu trắng, măng khô màu nâu, măng ngọt và măng đắng. Bên cạnh đó, người dân còn dùng mấu tre làm que xiên thịt hoặc ống tre nấu cơm lam. Lá tre thì để bọc thịt, cá hấp, luộc, nướng; than tre làm chất đốt, hút ẩm trong nhà hay thanh lọc nước suối.
Đặc biệt, đồng bào luôn dùng tre để dựng nhà cửa, lợp mái, làm một số dụng cụ, đan rổ giá, dệt mành chiếu hay làm món ăn… Nhiều dân tộc còn dùng ống tre để dẫn nước suối, đựng nước, làm gầu... Rồi dùng tre làm nón, tủ chạn, sàng, chõng, đũa, cung nỏ, tên bắn hay chặt tre thả bè về bán dưới xuôi…
Nhờ tre đùm bọc, ban phát các sản vật, người dân Tây Bắc đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những điều ấy đã được nhắc đến trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu, đã ra đời từ cách đây hơn nửa thế kỷ như một minh chứng cho vẻ đẹp huyền bí của xứ sở: “Nhớ từng rừng nứa bờ tre/Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy/…Ngày xuân mơ nở trắng rừng/Nhớ người đan nón truốt từng sợi giang/Ve kêu rừng phách đổ vàng/Nhớ cô em gái hái măng một mình/Rừng thu trăng rọi hòa bình/Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung…”.
![](http://www.thiennhien.net/data/images/news/categories/cat_151/090210_TNTN_TXTB1.jpg)
Bụi tre bên nếp nhà sàn Tây Bắc.
|
Có thể thấy, tre hiện diện khá nhiều trong sinh hoạt văn hóa Tây Bắc. Từ chiếc nón trắng mỏng tang bằng tre, các cô gái Thái có điệu múa xòe nón duyên dáng, mỗi người cầm một chiếc nón lúc đưa ngang lúc đưa dọc xoay xoay quanh mình thật dịu dàng. Cho đến việc sử dụng ống tre trong mỗi lần hát giao duyên của nam nữ Hà Nhì.
Với những thân tre, người Mường cũng tạo nên điệu múa sạp sôi động. Còn người Mông có cây khèn quý bằng nhiều ống tre, những lúc vui buồn đều rút khèn ra thổi. Tiếng khèn lúc nào cũng tha thiết như nỗi lòng người con trai muốn tỏ cùng người con gái, như trong câu thơ: “Rì rào lời suối hát, thác trắng ngần/Khèn vang vang trên đỉnh núi chỉ có anh… cùng em”.
Cuối năm đón tết, không chỉ ở dưới xuôi, các dân tộc Tây Bắc cũng đều dựng một cây nêu bằng tre, treo những vật lành thể hiện sự yên vui, hạnh phúc và để cầu mong những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
Và như bao câu chuyện thần thoại, nơi nào có bóng tre nơi ấy lạc thổ, bình an.
"Ngọn mũi tên lao mình trong mưa gió
Lá xôn xao nảy những nốt nhạc vui
Thân gầy guộc mà sắp lũy xây thành
Rễ bám chặt dẫu vô vàn cát sỏi
Hoa nở trắng dịu thơm hương cốm mới
Nhựa dâng tràn trong mỗi lóng mắt sâu
Dù bão giông sấm sét nổ trên đầu
Vẫn bình thản gốc già măng non mọc
Bao lửa cháy nước ngâm không lụi hỏng
Cành vươn dài thêm bát ngát màu xanh
Trải chiến tranh bom đạn chẳng phật lòng
Còn che đỡ nâng dáng hình xứ sở
Bóng tỏa lan về trăm miền nghìn ngả
Mát rượi, thơm lành kỳ vĩ hàng tre…"
|
(Dưới bóng tre quê hương/Chu Mạnh Cường)