Vẻ đẹp dân dã của cồn Chim. Ảnh: Huỳnh Xây
Những điểm đến đậm chất bản địa
Nói đến du lịch sinh thái Trà Vinh, ao Bà Om (khóm 3, phường 8, TP Trà Vinh) là điểm đến được du khách lựa chọn nhiều nhất. Ao Bà Om, còn gọi ao Vuông, là quần thể ao hồ và cây cổ thụ, khí hậu mát mẻ quanh năm. Tại đây, có hồ nước trong xanh dài khoảng 500m; rộng khoảng 300m. Xung quanh ao là các gò cát mấp mô, hàng trăm cây cổ thụ hơn trăm năm tuổi như sao, dầu... có bộ rễ lớn trồi lên mặt đất, tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ. Bên cạnh ao là Bảo tàng văn hóa trưng bày những hiện vật đặc trưng đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Đối diện bảo tàng là chùa Âng, ngôi chùa cổ kính, độc đáo và đẹp nhất trong hơn 140 ngôi chùa Khmer tại Trà Vinh. Quần thể chùa Âng và ao Bà Om được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994. Du khách đến đây không chỉ tận hưởng không gian mát mẻ, cổ kính mà còn khám phá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer xưa và nay.
Gắn với sự hình thành và phát triển của vùng đất Trà Vinh, Khu du lịch sinh thái Rừng Đước (xã Long Khánh, huyện Duyên Hải) cũng là một điểm đến khó bỏ qua. Có lịch sử hình thành hơn 20 năm, Khu du lịch sinh thái Rừng Đước có diện tích gần 700ha, là một phần trong hệ thống rừng ngập mặn ven biển Nam Bộ được bảo tồn. Hệ thống rừng nguyên sinh tại đây đa dạng về sinh học với nhiều loại cây vùng ngập mặn, như mắm, chà là gai, vẹt... mà nhiều nhất là cây đước. Bên cạnh đó còn có nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Khám phá Rừng Đước, du khách thường có hai lựa chọn: đi bộ xuyên qua đường mòn hoặc đi ghe len lỏi trong các cánh rừng. Với diện tích lớn và còn giữ nguyên nét tự nhiên, du khách đến đây tận hưởng không khí trong lành, choáng ngợp vì thiên nhiên kỳ vĩ, lắng nghe những câu chuyện dân gian của người dân địa phương... Hành trình khám phá vùng đất Trà Vinh vì thế thêm kỳ bí, hấp dẫn.
Sự phát triển của hệ thống cồn sinh thái - cộng đồng
Sông Hậu mang đến phù sa trù phú cho nhiều vùng đất ĐBSCL, trong đó hình thành những cồn đất với vườn cây trĩu quả. Tại Trà Vinh, hệ thống cồn được định hướng phát triển du lịch sinh thái. Một trong những điểm làm du lịch sớm nhất ở Trà Vinh là cù lao Tân Quy (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè), với diện tích khoảng 929ha. Hình thành từ thế kỷ XIX, cù lao Tân Quy nổi tiếng với nhiều vườn trái cây đặc sản: chôm chôm, măng cụt, nhãn xuồng cơm vàng, sầu riêng… Lợi thế này giúp người dân địa phương ngày nay phát triển du lịch. Trải nghiệm du lịch tại đây mang đến cho du khách không gian miệt vườn đúng nghĩa khi đạp xe hay đi bộ xuyên qua những vườn trái cây nối tiếp, dạo quanh đường làng, tắm sông, chèo ghe… Đặc biệt, mùa nước nổi còn có thể đi săn cá bông lau. Đó là cách làm du lịch sinh thái trên vốn văn hóa, đời sống, lao động sản xuất truyền thống của người dân đất cù lao.
Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành) và cồn Hô (xã Mỹ Đức, huyện Càng Long) thì tạo nên sự khác biệt với mô hình du lịch cộng đồng. Cồn Chim có diện tích khoảng 60ha, một nửa là đất trồng lúa, còn lại trồng rau màu và cây ăn trái. Lấy thế mạnh nông nghiệp, người dân nơi đây làm du lịch theo hướng hoàn toàn thuận thiên. Ngay từ khi bắt đầu khai thác, người dân làm du lịch rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Họ nói không với rác thải nhựa; không dùng các hình thức khai thác tiêu cực làm ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của nguồn thủy sản; không dùng thuốc trừ sâu, chất hóa học trong quá trình trồng lúa, rau, cây ăn quả. Người dân cồn Chim đồng lòng bảo vệ nguồn thủy sinh bằng cách tự nhiên nhất và sản xuất nông sản sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”. Chính vì thế, gạo ở đây sạch, tôm lại càng ngon vì 1/3 lúa sạch được trả về làm thức ăn tự nhiên nuôi tôm. Cho nên đến cồn Chim, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống dân dã, thưởng thức các món ăn địa phương theo mùa. Điều này cũng làm nên sự khác biệt của du lịch cồn Chim: du lịch hẹn theo mùa, nghĩa là tới mùa sản xuất thì người dân mới đón tiếp du khách và để được trải nghiệm thì du khách phải “hẹn” trước.
Còn cồn Hô - nơi chỉ có 21 hộ dân sinh sống, diện tích 22ha - được xem là “viên ngọc thô” của du lịch Trà Vinh. Nơi đây có vườn cây xanh mướt và những con người rất thật thà, chất phác, hào sảng đặc trưng miền Tây sông nước. Đến với cồn Hô, du khách sẽ bị hấp dẫn bởi trải nghiệm đặc biệt: du lịch không điện về đêm. Tại đây, ban ngày du khách sẽ có những trải nghiệm làm nông dân cùng bà con, về đêm sẽ cùng người dân ăn tối trong ánh đèn dầu, thăm cồn Hô vào buổi tối bằng đèn măng-sông.
Có thể nói, vì sự không thuận lợi về vị trí địa lý, du lịch Trà Vinh chưa được nhiều du khách biết đến. Thế nhưng với tiềm năng du lịch sinh thái, địa phương đã có định hướng phát triển phù hợp, đó là phát triển dòng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái miệt vườn - cộng đồng, trong đó yếu tố văn hóa đồng bào dân tộc Khmer được khai thác đậm nét. Điển hình là tour tham quan Làng Văn hóa Du lịch Khmer Trà Vinh gắn với các điểm du lịch sinh thái - cộng đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ngành Du lịch Trà Vinh cũng xác định kết hợp văn hóa bản địa với các mô hình du lịch cộng đồng, từ đó phát triển du lịch bền vững. Đây là hướng đi không chỉ phù hợp với tiềm năng của địa phương mà còn hợp với xu hướng du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm hiện nay./.
Áí Lam