quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Trả lại những gì đã lấy từ rừng xanh

Thứ Tư, 10/04/2013 | 09:00:00 PM

Anh Trần Đức Hùng (sinh năm 1968) trú tại tổ 6, thị trấn K’Bang, tỉnh Gia Lai đã từng phải lĩnh án 27 tháng tù giam vì tội “chống người thi hành công vụ” và “vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Tưởng chừng cuộc đời của một “lâm tặc” sẽ phải khép lại sau cánh cổng trại giam, nhưng với ý chí và khát vọng “trả lại những gì mình đã lấy từ rừng”, sau khi mãn hạn tù, anh Hùng đã xây dựng được một cơ ngơi hoành tráng, khiến nhiều người mơ ước.

 

Ảnh minh họa: Lao động Thủ đô

Ảnh minh họa: Lao động Thủ đô

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, tuổi thơ đầy biến cố đã đẩy anh phiêu bạt vào Nam rồi lên Tây Nguyên. Và rồi cái duyên với mảnh đất K’Bang heo hút giữa đại ngàn đã gắn anh Hùng với nó như một định mệnh. “Tháng 2/1993, sau những chuyến phiêu bạt từ Bắc vào Nam , tôi đến K’Bang. Lúc đấy rừng ở K’Bang còn nhiều lắm, không có việc làm nên nghề rừng trở thành nghề chính dù biết là phạm pháp” – anh Hùng tâm sự.

27 tháng thụ án trong trại giam đã cho anh Hùng ý niệm về một cuộc sống tự do bên vợ con. Và cũng chính khoảng thời gian thụ án trong trại giam đã làm thay đổi cách nghĩ và hành động của anh. Lúc ra trại, anh đã thực hiện việc “trả lại những gì anh đã lấy đi của rừng”, đó là bắt tay vào… trồng rừng.

“Khoảng thời gian trong trại giam, ngày ngày đi lao động, đi trồng rừng đã cho tôi ý thức và ước mơ khi ra trại sẽ trồng được những khoảng rừng xanh tốt, vừa đem lại thu nhập, vừa phủ xanh được đồi trọc”. Nghĩ là làm, ra tù với hơn 4 triệu đồng trong tay, anh cùng vợ bắt tay vào sản xuất. Để thực hiện ước mơ trồng những khoảng rừng xanh tốt, nhờ sự giúp đỡ của gia đình bên vợ, hai vợ chồng anh vay mượn được 1 tỷ đồng và bắt tay vào làm trang trại chăn nuôi lợn, số tiền còn lại anh mua đất, tiến hành trồng rừng. Nhưng có lẽ, số phận không cho anh thực hiện ước nguyện đó khi lứa lợn đầu hơn 1.700 con mà vợ chồng anh nuôi đã bị lỗ hơn 1 tỷ đồng. Ôm gánh nợ 1 tỷ đồng, anh khăn gói sang Campuchia làm lò gạch.

Hai năm sau (cuối năm 2009) anh quyết định trở về K’Bang tiếp tục… trồng rừng. Cùng với số tiền chắt chiu sau hai năm làm lụng vất vả và số tiền vợ anh ở nhà buôn bán, dành dụm được, anh tiếp tục gây dựng lại trang trại và thuê thêm đất để trồng rừng. Lần này, anh chuyển sang nuôi hươu, trâu, bò và dê. Đàn hươu, dê, trâu, bò ngày một lớn và cho anh thu nhập ổn định, những mảng rừng anh trồng cũng xanh tốt mơn mởn. Có vốn, anh tìm mua đất, thuê những diện tích đất xấu không thể sản xuất và đổ vốn vào trồng rừng.

“Sau khi có vốn từ những đàn dê, trâu, bò và hươu, hễ ở đâu có đất bán, đất cho thuê, tôi đều mua và thuê hết. Nghề trồng rừng với tôi không phải là thu nhập mà tôi muốn trả lại cho cuộc sống này những diện tích rừng xanh tươi như trước đây – những diện tích rừng mà tôi đã lấy đi” – anh cho biết.

Với sự quyết tâm ấy, đến nay trong tay anh đã có một cơ ngơi hàng tỷ đồng. Hơn 200 ha rừng keo của anh Hùng đã được từ 4-5 năm tuổi. Dù rừng keo này đã đến tuổi cho thu hoạch, song anh Hùng chưa muốn bán và nếu bán vào thời điểm này anh cũng có cả chục tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 2 ha trang trại với 50 con hươu mỗi năm cho anh Hùng thu nhập từ 600 – 700 triệu đồng; hơn 100 con dê cùng đàn trâu, bò vài chục con cũng cho thu nhập vài chục triệu đồng/năm. Anh còn có cổ phần một lò gạch lớn ở Campuchia.

Kinh tế vững vàng, anh Hùng còn giúp đỡ những thanh niên từng có thời “lầm lỡ như anh”. Khu trang trại của anh đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 – 15 công nhân với mức thu nhập 3,5 – 4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn giúp đỡ vốn, kỹ thuật và hướng làm ăn cho hàng chục thanh niên, trong đó có những người đi cải tạo về. Nhiều người đã giàu lên từ nghề trồng rừng như anh.

Anh Võ Đình Vũ, tổ dân phố 2, thị trấn K’Bang, huyện K’Bang cho biết: “Tôi cũng từng phải chịu án 7 năm, ra tù nhờ anh Hùng giúp đỡ rất nhiều nên tôi đã có được cuộc sống ổn định. Được anh Hùng chỉ đường nên tôi cũng kiếm tiền mua đất để trồng rừng. Giờ đây, với 10 ha rừng trồng, mỗi đợt thu hoạch cũng cho tôi thu nhập tiền tỷ”.

Những đồi trọc ở K’Bang giờ đây đã được thay bằng màu xanh của những cánh rừng. Những cánh rừng do những “lâm tặc” một thời trồng nên. Con đường hoàn lương của những người như anh Hùng xứng đáng được ghi nhận.

 
 
Theo Quang Thái

(TTXVN)


Lượt xem: 1487

Các tin khác

Thủ lĩnh sống xanh hướng tới Gen Z

(16/01/2025 09:15:AM)

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

Thanh Hóa nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh

(29/12/2024 08:15:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE