Tham dự buổi hội thảo, về phía Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam có TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Hội; về phía đại diện các cơ quan quản lý, Nhà nước có ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và Chính sách Tài nguyên Môi trường; ông Hoàng Minh Sơn, Vụ phó Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Môi trường cùng các nhà giáo, các nhà khoa học đến từ các trường đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Huế, Đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Hội thảo cũng thu hút được sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Thuế môi trường là một trong những biện pháp kinh tế được phối hợp sử dụng trong các chính sách môi trường của một quốc gia, nhằm thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng trong việc giảm các chất phát thải và sử dụng các sản phẩm mà các chất thải và sản phẩm này có tiềm năng hoặc gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe. Luật thuế Môi trường với mục tiêu nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội. Từ đó, góp phần làm thay đổi hành vi của tổ chức, cá nhân; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong đầu tư sản xuất và tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm bớt các tác động tiêu cực của sản xuất và tiêu dùng đến môi trường và tạo thêm nguồn thu cho hoạt động khôi phục môi trường là rất cần thiết và phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội hiện tại của Việt Nam và xu hướng phát triển kinh tế thế giới.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và Chính sách Tài nguyên Môi trường thì mục tiêu của Luật thuế chưa rõ ràng, cách tính thuế và xác định mặt hàng chịu thuế còn thiếu cơ sở khoa học và tính thuyết phục. Theo ông, thuế môi trường cần trực tiếp căn cứ vào lượng phát thải các chất ô nhiễm ra môi trường để tính thuế…
Theo ThS. Lê Thị Phúc , giảng viên môi trường Đại học Huế, Luật thuế Môi trường phải thực sự là công cụ hữu hiệu bảo vệ môi trường. Theo bà, Luật thuế Môi trường ban hành trong giai đoạn hiện nay là thực sự cấp thiết và là dấu hiệu tốt trong quá trình thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân Việt Nam.
PGS.TS. Lê Thu Hoa, đại điện nhóm nghiên cứu đánh giá tác động Luật thuế Môi trường cho biết Luật thuế Môi trường sẽ có nguồn thu chủ yếu dựa vào đánh thuế nhiên liệu lỏng tinh chế và than, chiếm khoảng 99.5%.
Tuy nhiên, đứng trên góc độ người chịu thuế, Ths. Võ Thị Mỹ Hương, Khoa Luật, Đại học Huế cho rằng Chính phủ cần có kế hoạch phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường nhằm tạo hàng hóa thay thế cho xăng dầu hiện nay vì xăng dầu là loại hàng hóa tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội…
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe cho biết Dự thảo Luật thuế Môi trường hiện nay không đảm bảo đạt được các mục tiêu đã định, thậm chí gây khó khăn cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, không khuyến khích được việc áp dụng sản xuất sạch hơn và các công nghệ thân thiện môi trường, không khuyến khích, thay đổi hành vi theo hướng thân thiện môi trường. Do đó, thông qua buổi hội thảo, các nhà khoa học đã kiến nghị cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật thuế cần được tiếp tục soạn thảo lại trên cơ sở đảm bảo tính phù hợp pháp luật, đáp ứng cơ sở khoa hoạc, chuẩn xác cao về cấu trúc, ngôn ngữ, thuật ngữ và tính ổn định tương đối lâu dài của Luật trước khi đệ trình Quốc hội phê duyệt./.
C.Trung
Tổng cục Môi trường
Ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng
Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính
|
Tại hội thảo, đại diện Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế đã giới thiệu Dự thảo mới nhất, đối tượng chịu thuế môi trường tại Việt Nam bao gồm các nhóm chính: Xăng, dầu, mỡ; Than; Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC); Túi nilon thuộc diện chịu thuế; Thuốc diệt cỏ, trừ mối, bảo quản lâm sản, khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng và những điều khoản đã được sửa đổi mới nhất để chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 01/10/2010. |