Những năm gần đây Trà Vinh ban hành các chính sách ưu đãi phát triển du lịch, như hỗ trợ các hộ gia đình đầu tư xây dựng homestay, farmstay; mua sắm trang thiết bị, xây dựng không gian đón khách; hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, khôi phục nghề truyền thống phục vụ du lịch cộng đồng… nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt so với các tỉnh thành bạn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó du lịch cộng đồng tại Cồn Chim nổi lên như một mô hình hiệu quả rõ rệt, thu hút ngày càng đông du khách đến trải nghiệm.
Du khách đạp xe khám phá Cồn Chim
Nằm lọt giữa dòng Cổ Chiên mênh mông sông nước, cách thành phố Trà Vinh chưa đầy 10km, nhưng Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành) là một miền quê thanh bình, nhịp sống thuận theo tự nhiên hấp dẫn nhiều người, nhất là du khách thành thị muốn tìm về những ký ức miền quê xưa. Từ thế mạnh và điều kiện của mình, các hộ dân đã cùng nhau phục vụ nhu cầu khách du lịch. Nhà làm homestay, nhà thì phục vụ bánh xèo, bánh lá, nhà làm tiệm cơm, phục vụ nước dừa, phục vụ trò chơi dân gian, hộ phục vụ đặc sản… Đặc biệt, khi đến đây, du khách còn được trải nghiệm tự tay bắt tôm, bắt cua, cá; xay bột, nặn bánh… Ở đây, mỗi hộ gia đình có một sản phẩm riêng, không trùng lặp với gia đình khác. Khi có khách đến, các hộ liên kết phục vụ để du khách có một chuyến du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng thú vị, trọn vẹn nhất.
Được biết cách đây không lâu, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim được xếp vào top 12 danh giá Giải thưởng ESD OKama về phát triển bền vững do Nhật Bản tổ chức và công nhận khi vượt qua 267 hồ sơ đề cử đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là niềm tự hào cho cộng đồng những người làm du lịch ở Cồn Chim nói riêng và Trà Vinh nói chung và cũng là động lực thúc đẩy họ nỗ lực nhiều hơn nữa…
Một mảnh ghép sáng khác trong mô hình du lịch này là các tour trải nghiệm sinh thái tại Cù Lao Tân Quy - nơi được ví là cù lao xanh của miệt Cầu Kè. Tại đây du khách có thể tham gia vào các hoạt động đánh bắt cá, trồng cây, tham quan vườn cây ăn trái trĩu quả, nhất là được trải nghiệm nghề săn cá bông lau truyền thống của người dân địa phương. Mô hình “Không rác thải nhựa” cũng đang được triển khai cho các hộ dân trên cù lao nhằm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến người dân và du khách.
Rừng ngập mặn ở khu vực biển Ba Động cũng là một điểm đến hấp dẫn với những hoạt động như ngắm chim, chèo thuyền giữa thiên nhiên hoang sơ… Những mô hình này không chỉ giúp du khách hiểu rõ hơn về cuộc sống thường ngày của người dân miền sông nước mà còn góp phần tạo nên sự kết nối mạnh mẽ giữa con người và thiên nhiên. Đây chính là điểm cốt lõi của du lịch thuận theo tự nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Lãnh đạo Sở VHTTDL Trà Vinh cho biết: Du lịch thuận theo tự nhiên không chỉ mang lại cơ hội phát triển kinh tế cho địa phương mà còn đóng góp vào việc bảo tồn di sản văn hóa và sinh thái. Trà Vinh đang trên con đường xây dựng một mô hình du lịch bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong tương lai, nếu được đầu tư đúng mức và triển khai các chính sách bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, Trà Vinh hoàn toàn có thể trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch sinh thái và mong muốn khám phá văn hóa bản địa. Đây không chỉ là một mô hình du lịch thân thiện với môi trường mà còn là một hướng đi bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho cả cộng đồng và thiên nhiên.