quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Tiếc một cánh cò

Thứ Ba, 10/01/2012 | 03:59:00 PM

Hoàng hôn buông xuống mang theo những khóm mây xám xịt lặn dần về hướng tây. Bên khung cửa sổ, tôi nhìn ra dòng sông quen thuộc của thời thơ ấu, tìm về một kỷ niệm xa xưa.

TRẦN BỐN

 

 

 

Những gò đất đá nổi lên giữa dòng sông như một chứng tích hoang tàn của một thời “làm kinh tế”. Dòng sông vẫn đục, môi trường sinh thái của rừng ngập mặn nơi đây ô nhiễm nặng, cá tôm không sống nổi, kể cả một cánh cò...

Ký ức

Cách đây hơn hai thập niên, nơi đây là rừng ngập mặn do sông cái chảy ra cửa biển gặp phải gò nổi ngăn dòng, tạo thành ranh giới hành chính của ba làng Tân Thành, Hải Chữ, Tân Xuân (P.Đông Hải và P.Mỹ Đông, TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận). Đã từ bao đời do con nước triều lên và xuống trong một ngày, bồi đắp hình thành giữa dòng một dải rừng nguyên sinh, đủ loài hải sản sinh sống quanh những bụi ô rô, cốc kè.

Nổi bật nhất vùng là loài cây mắm, to hơn một vòng tay của người lớn sừng sững che mát dòng sông, che chở luôn muôn loài sinh sống tại đây, cũng là nơi sinh sôi nảy nở của đàn cò. Mỗi buổi chiều về chúng bay lượn rợp cả bầu trời, chao nghiêng trên dòng sông xanh biếc. Quê hương của chúng đó, không có nơi nào đẹp hơn, dễ kiếm sống hơn.

Khi thủy triều rút nước chỉ còn dưới mắt cá chân là lúc chúng lặn mò tôm tép dọc bờ sông. Chúng bay đậu cả trong nhà, người dân xem như vật nuôi làm kiểng cho đẹp mắt. Hình như chúng cũng cảm nhận được tình thương của dân làng, không đánh đuổi chúng, không phá ổ chúng làm trong bọng cây mắm, không bắt chúng ăn thịt, trái lại còn đùm bọc che chở chúng, không cho người ở nơi khác đến phá phách...

Tôi còn nhớ có một dạo, một chú cò con bị thương nặng sà xuống trước sân nhà. Tôi băng bó chăm sóc và cho chú ăn những con tép tươi, đôi mắt chú lim dim, chiếc mỏ dài và nhọn trông dữ dằn nhưng không làm hại ai. Vết thương lành chú cò bay đi, mắt nhìn như tỏ ra luyến tiếc. Có những buổi chiều chú trở lại đậu trên cành cây trước sân nhà cất tiếng kêu nho nhỏ như thể biết ơn.

Dòng sông xưa là một đặc ân trời ban cho dân ba làng. Thật lạ lùng, chỉ trong một ngày mà có hai con nước thủy triều lên và thủy triều xuống. Khi triều cường nước tràn bờ lút cả đầu người, muốn đi lại từ làng này sang làng kia phải đi đò, khi triều xuống nước chỉ còn dưới mắt cá chân, lội bộ dễ dàng.

Những ngôi nhà có địa thế quay mặt ra sông chỉ cần làm vài ba cái rập cua rộng chừng vài gang tay, mắc một ít mồi cá. Đêm thả xuống, sáng vớt lên cũng có đôi ba con cua to bằng bàn tay, đủ nồi canh chua cho buổi cơm trưa. Đó cũng là nghề chính của chú Tư Hanh. Nhà nào có tiệc tùng, nói trước với chú Tư đôi ba ngày sẽ có chục con cua chắc thịt cho bữa tiệc ngon mà không nơi nào sánh được. Kể sao hết những lợi ích mà dòng sông và cánh rừng đem lại cho bà con ở đây.

Làm kinh tế và... mất

Những năm trước, người ta thành lập một “hợp tác xã nghề nuôi tôm sú”. Họ đưa ra viễn cảnh giàu có cho vùng nước lợ này. Nuôi tôm sú thâm canh theo công nghệ Nhật Bản, chỉ cần 3 năm hay 5 năm sau nơi đây sẽ trở thành một thị trấn trù phú, có cả xe hơi, nhà tầng... Điều kiện là phải phá hết khu rừng nguyên sinh ngập mặn kia. Các vị bô lão trong làng số phản đối, số đưa ra nhiều ý kiến khác.

Khu rừng và con sông kia đã gắn bó bao đời với làng quê êm ả, mang theo nhiều kỷ niệm của người còn sống lẫn người quá cố. Quan trọng nhất, với kinh nghiệm của người xưa giữa ngã ba con sông, mỗi khi có lũ lụt không gì ngăn nổi sức mạnh của nó thì những cái đìa tôm kia khó tồn tại được.

Nhưng uy quyền và đồng tiền đã lấn át.

Công việc được tiến hành một cách nhanh chóng, chẳng bao lâu khu rừng và dòng sông trở thành những ô vuông nuôi tôm. Năm đầu ăn nên làm ra nhiều người phấn khởi. Nhưng đến năm thứ ba bị một cơn lụt lớn, chiếc cầu bêtông cốt thép ở làng Tân Thành gãy nhịp tràn về phá nát các ô vuông nuôi tôm. Đồng lời chưa đắp nổi đồng vốn. Những viên đá trôi dạt ra hai bên bờ sông, mạnh ai nấy nhặt.

Sau, những người có tiền ở gần bờ sông nuôi ảo vọng trở thành tỉ phú, tự chiếm lấy dòng sông làm của riêng mình, đắp thành những ô vuông tôm tự phát, làm năm được năm mất rồi cũng mất cả.

Cả một cánh rừng nguyên sinh ngập mặn bị phá, phá hoại cả một môi trường sống mà chắc gì năm bảy chục năm sau gầy dựng lại được khu rừng nguyên sinh như cũ.

Qua song cửa sổ, tôi nhìn ra dòng sông tìm lại cánh cò năm xưa. Hình ảnh ấy cứ đung đưa, lung linh, chao đảo mãi trong tâm tư tôi không sao phai mờ được.



(TTCT)

 

Lượt xem: 1363

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE