quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Thức với sao trời

Thứ Tư, 26/10/2011 | 11:04:00 AM

Ngày trước, những đêm trời đẹp như thế này, ta thường mở toang cử sổ, cho ánh sao bay vào nhà.

 
Đào Vân Việt

Lại một đêm không ngủ.
 
Đêm. Trời đầy sao và tĩnh lặng đến lạ. Hình như mọi vật đều nín thở vì sợ làm tan vỡ cái khoảnh khắc yên tĩnh ấy. Ngày trước, những đêm trời đẹp như thế này, ta thường mở toang cử sổ, cho ánh sao bay vào nhà. Ta sẽ thò tay ra song cửa, với lấy vài vì sao, xoa tay vài cái rồi thổi vù lên trời như một gã dở hơi đang tập làm ảo thuật. Sáng ra, thế nào cũng có vài vần thơ rơi lác đác ngoài sân, hay nằm vắt vẻo trên ngọn cây. Ta thầm gọi đùa là những ánh sao rơi!

Cái ánh sáng ấy có một sức hấp dẫn kỳ lạ. Kỳ lạ đến nỗi, gần 200 năm trước, ở nước Đức xa xôi, chàng thanh niên C.Mác đã phải thốt lên thành thơ: Ơi các vì sao xa; Xin hãy nói cùng ta; Người lấy đâu ánh sáng; Tỏa khắp trời bao la? Chàng thanh niên ấy đã trả lời được câu hỏi của chính mình, và trở thành nhà cách mạng vô sản vĩ đại. Cái ánh sáng ấy cũng thao thức cùng lãnh tụ Hồ Chí Minh trong những đêm dài thao thức, trăn trở với vận mệnh non sông đất nước, với “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”.



 
Thỉnh thoảng đi qua quảng trường Ba Đình, ta lại dừng lại vài phút để ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng phần phật bay trong gió, và thấy trong lòng một cảm giác thiêng liêng, tự hào. Bên bóng cờ lồng lộng ấy là nơi yên nghỉ của một trái tim vĩ đại. Một vì sao sáng, “một mặt trời trong lăng rất đỏ”. Thỉnh thoảng, ta lại hòa vào dòng người từ muôn phương, lặng lẽ ngắm nhìn vì sao ấy để thấy lòng mình thêm sáng hơn, đúng như lời một bài hát “nghĩ về Bác lòng con trong sáng hơn”.

Ôi những vì sao không ngủ. Những vì sao đã thức cùng người lính đứng gác nơi biên cương, canh giữ cho đất nước ngủ yên. Những vì sao từng thắp sáng những cung đường, cho những binh đoàn hành quân ra tiền tuyến. Những ánh sao soi cho lão nông kẻ thẳng những luống cày; và làm chứng cho bao mối tình hò hẹn.
  
Lâu lắm rồi mới được ngắm nhìn bầu trời đêm đầy sao như thế. Cuộc sống bận rộn với cơm áo gạo tiền; với chứng khoán xuống dốc, với giá xăng tăng, vàng thì tăng tốc, lạm phát thì cứ như ngựa phi nước đại; chuyện đấu đá của thiên hạ, cùng bao nhiêu những gian chuân của cuộc đời. Chẳng có mấy lúc ngẩng mặt lên mà ngắm nhìn bầu trời, và để nhớ rằng trên đầu ta là cả một bầu trời thênh thang, đầy nắng và những ánh sao. Hình như đó là một thứ xa xỉ. Xa xỉ hơn cả việc sở hữu một biệt thự nghỉ cuối tuần trên mặt trăng. Và dù có ngẩng mặt được lên trời thì cũng khó mà nhìn thấy cả bầu trời, bởi nó đã bị che khuất bởi những khối bê tông vô hồn của phố phường tấp nập. Và những vì sao cũng trở nên mờ ảo, nhạt nhòa lẫn trong ánh đèn của phố phường xe cộ ngược xuôi.

Nhớ những tháng năm tuổi thơ, cái thủa còn phải thắp đèn dầu, những đêm hè, mấy bố con thường nằm trên sân thượng, để nhờ gió trời xua đi cái nóng như lửa đốt của mùa hè bỏng cháy; và để thỏa sức ngắm nhìn bầu trời lấp lánh những vì sao. Đã bao lần bố chỉ về ông thần nông, chiếc gầu xòng, đàn vịt bầu được tạo hình từ những vì sao. Vậy mà chẳng tài nào nhớ được. Nhưng có những kỷ niệm dù chỉ một lần mà mãi mãi không quên. Bố nói những ngôi sao nhìn nhỏ bé như những ngọn đèn dầu kia, có khi lớn gấp hàng trăm, hàng ngàn lần trái đất. Và, có khi phải mất cả đời người trên con tàu vũ trụ để tới đó. Những vì sao lớn hơn và sáng hơn kia, chưa hẳn đã là những vì sao sáng nhất và lớn nhất. Bởi có những vì sao rất lớn và sáng, nhưng lại lấp sau những vì sao khác, hoặc ở rất xa nên ta không nhìn thấy được.

Ừ phải rồi, có thể những vì sao sáng kia cũng chỉ là những chú tí hon giữa bầu trời. Còn có muôn ngàn những vì sao sáng chói và vĩ đại khác mà ta không nhìn thấy được, vì chúng ở rất xa hay đang ẩn sau những vì sao khác. Một qui luật vật lý bình thường, nhưng mãi sau này mình mới hiểu được ý nghĩa sâu xa như triết lý cuộc đời ấy.

Thế mới biết, tuổi thơ mình giầu có thật, sở hữu cả một bầu trời lấp lánh những vì sao. Mà là sao xịn trên trời hẳn hoi, chứ không phải những ngôi sao chân dài, váy ngắn ở trốn trần gian. Hình như họ cố phô trương thứ ánh sáng mờ nhạt và lập lòe của mình bằng sự khêu gợi và những bê bối kệch cỡm. Xắn váy ngắn hơn, khoác hờ chiếc áo mỏng như nilon; thậm chí là cởi hết, để hiến dâng cho nhân loại những thông điệp thiêng liêng về một thủa hoang sơ và mông muội, với những lý do thật đáng nể như bảo vệ môi trường hay làm từ thiện chẳng hạn. Khi hứng lên, họ sẽ nhảy tót lên sân khấu, liều mình như chẳng có. Dù chất giọng có hơn vịt bầu một chút, cũng cướp lấy micro, rú lên vài tiếng kinh hồn như vượn hú lúc nửa đêm, hay khua chân nhảy đại vài bài như một gã trống choai huyên thuyên học đòi đạp mái. Thế là thành sao!

Sao trên trời phải mất hàng tỉ năm kiến tạo, rồi lặng lẽ tỏa sáng giữa trời; còn sao dưới đất hình như chỉ cần có thế. Độ lấp lánh của những vì sao trên trời được các thi sĩ pha chế, nhào nặn, rồi đúc thành thơ; các nhà khoa học thì mải mê tính tuổi thọ và khoảng cách bằng số năm ánh sáng. Say mê đến nỗi nhiều khi lẩn thẩn quên cả tên vợ. Các sao trên mặt đất thường được nhắc và bàn đến với những cụm từ quen thuộc như bơm ngực, nâng mông, “lộ hàng” hay những bê bối tình ái. Ừ, thì đó cũng là một cách để tỏa sáng.

Chiếc sân thượng ngày xưa, giờ đây chẳng còn như cũ nữa. Nó đã được phủ lên bằng mái tôn đỏ choét, mà dân phố thường gọi là “chuồng cọp”. Thế là cái “đài quan sát thiên văn” ngày xưa không còn nữa. Ta chẳng còn được ngắm bốn bề ánh sao giữa trời lồng lộng, mà là ở một góc sân nhỏ trong đêm tĩnh lặng. Chỉ còn nghe thấy tiếng gió thì thào trong kẽ lá, và hình như có cả tiếng những ánh sao rơi lách tách xuống sân. Thi thoảng đâu đó, mấy chàng nhạc công dế mèn lại ôm đàn lên, điểm vào đêm vài nốt nhạc vu vơ.

Ờ, mà hình như những vì sao có vẻ buồn thế nhỉ. Có phải vì nhân gian đã quên mất những vì sao trên trời, mà mải mê với bao nhiễu nhương nhân thế. Các thi sỹ, thì chẳng mặn mà gì để “gieo” ánh sao vào những vần thơ, mà cứ say sưa trong quán nhậu để bàn luận về các vòng đo của những ngôi sao ca nhạc hay minh tinh màn bạc nào đó. Chi tiết đến từng minimet, không thiếu một nửa nốt ruồi nào. Nỗi buồn của sao trời tràn cả xuống mắt ta vời vợi. Chẳng biết có còn ai nhận ra những vì sao cũng đang buồn không nhỉ? Biết đâu đấy, một sớm mai khi tỉnh giấc, ta lại nhận được giấy mời của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, thông báo sang tận miền đất Scandinavia xa xôi, bạt ngàn rừng thông và những cánh đồng rêu, để nhận giải thưởng Nobel vật lý, vì công trình khoa học lạ lùng, phát hiện ra nỗi buồn của những vì sao.

Ừ, cứ đợi thêm nghìn năm nữa!

Ôi, những vì sao lấp lánh trên bầu trời xa xăm. Ở một góc sân nhỏ bé xa xôi, cách ngươi hàng ngàn năm ánh sáng, ta đang lặng lẽ một mình ngắm nhìn ngươi, như một gã thi sỹ mộng mơ và lãng mạn, mê đắm chiêm ngưỡng nàng tiên xinh đẹp bước ra từ khu rừng huyền thoại. Háo hức và tò mò, bâng khuâng và vời vợi một nỗi buồn mênh mang. Háo hức và đam mê như một nhà thiên văn sắp phát kiến ra những điều vĩ đại của vũ trụ. Lặng lẽ và đăm chiêu như một ẩn sỹ, mê mải tìm ra những triết lý của cuộc đời. Khi lại ngây thơ như một cậu bé dại khờ, cứ ngỡ mình đếm hết cả trời sao.

Ta yêu cái ánh sáng diệu kỳ ấy, yêu bầu trời lồng lộng, và cũng muốn trở thành một vì sao trong muôn ngàn tinh tú. Không cần chói sáng cả bầu trời, nhưng phải đủ để thắp sáng một trái tim!

-------------------------------------------------------------


 
 

Lượt xem: 2920

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE