Thông tin về cuộc họp Hội đồng Quốc gia về PTBV và nâng cao năng lực cạnh tranh ( ngày 22/2/2013)
(VACNE) - Bài viết của GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng,Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt nam, ủy viên Hội đồng Quốc gia về PTBV và nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT).
GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng,
Phó Chủ tịch
Là đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt nam làm ủy viên Hội đồng Quốc gia về PTBV và nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT), tham gia cuộc họp đầu năm của Hội đồng, ngày 22/2/2013, tại phòng họp của Chính Phủ, dưới sự chủ trì của Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân, tôi gửi đến các bạn đọc của trang WEB của VACNE và trang WEB của Hội Môi trường Xây dựng Việt nam (VACEE) một số thông tin chủ yếu của cuộc họp này như sau:
1. Nội dung cuộc họp: Hội đồng đã nghe 3 báo cáo chính và sau đó đã thảo luận thông qua : (1) Tổng kết hoạt động năm 2012 và phương hướng hoạt động năm 2013 của Hôi đồng; (2) Báo cáo tổng quan về các tổ chức Quốc tế xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt nam; (3) VN muốn phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi “bẫy trung bình” thì phải phát triển mạnh công nghệ thông tin, giống như Hàn Quốc thời Lý Thừa Vãn.
2. Những hoạt động chủ yếu trong năm 2013 của lĩnh vực PTBV:
- Bộ KH&ĐT chuẩn bị Hướng dẫn các bộ/ngành và các địa phương thực hiện Chiến lược PTBV giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ Tướng Chính Phủ ban hành tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 13/4/2012;
- Các Bộ và các tỉnh/thành cần phải thành lập Tổ chức chuyên trách về PTBV của Bộ và địa phương mình;
- Rà soát lại các tiêu chí PTBV của VN, tham khảo phương pháp đánh giá của quốc tế để tính toán xác định các chỉ tiêu PTBV của nước ta năm 2012, xác định các nguyên nhân phát triển không bền vững, đánh giá các tác hại của phát triển không bền vững và đề xuất các giải pháp khắc phục và xây dựng các điển hình PTBV;
- Bộ KH&ĐT thúc đẩy thành lập Trung tâm phát triển xanh khu vực ASEAN ở VN, để nghị Hàn Quốc hỗ trợ;
- Rà soát, điều chỉnh và cụ thể hóa, chi tiết hóa các Chương trình, Đề án triển khai kế hoạch hành động Quốc gia về PTBV giai đoạn 2013-2015. Theo Phụ lục kèm theo Quyết định số 160/QĐ-TTg ngày 15/1/2013 phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia về PTBV giai đoạn 2013-2015 thì gồm 10 hoạt động chủ yếu về PTBV là: (1) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế PTBV, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia đối với PTBV đất nước; (2) Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về PTBV; (3) Lồng ghép các nguyên tắc, nội dung PTBV trong các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển; (4) Tăng cường giám sát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu PTBV; (5) Xây dựng và triển khai các mô hình, sáng kiến PTBV; (6) Từng bước thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; (7) Tăng cường các nguồn lực tài chính để PTBV; (8) Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường năng lực quản lý và thực hiện PTBV; (9) Nâng cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư trong thực hiện PTBV; (10) Tăng cường vai trò và tác động của KH&CN trong thực hiện PTBV.
3. Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt nam: Báo cáo đã trình bày tổng quan về các báo cáo Quốc tế xếp hạng năng lực cạnh tranh và vị thế của Việt nam:
- Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF): Xếp hạng Việt nam về NLCT liên tục bị tụt hậu, từ 2005 – 2012 tụt 16 bậc, năm 2012 xếp thứ 75 trê tổng số 144 quốc gia được khảo sát. Việt nam bị xếp áp chót trong 8 nước ASEAN được khảo sát, chỉ cao hơn Campuchia;
- Báo cáo của Môi trường kinh doanh (Doing Business) của WB đã xếp hạng Việt nam về NLCT năm 2012 xếp thứ 98 trên tổng số 183 quốc gia được khảo sát.
- Xếp hạng của Tạp chỉ Forbes: Vị trí xếp hạng của VN về NLCT năm 2010 là thứ 118 trong 128 quốc gia được khảo sát, năm 2011 là thứ 97 trong 134 quốc gia được khảo sát;
- Báo cáo xếp hạng “tự do kinh tế”của Quỹ hỗ trợ di sản Tạp chí phố Wall: Quỹ hỗ trợ di sản Tạp chí phố Wall đánh giá xếp hạng tự do kinh tế theo 10 chỉ tiêu và tối đa là 100 điểm : nền kinh tế đạt 80-100 điểm được cho là nền kinh tế “tự do”, nền kinh tế đạt 70-79,9 điểm được cho là nền kinh tế “gần như tự do”, nền kinh tế đạt 60-69,9 điểm được cho là nền kinh tế “tự do vừa phải”, nền kinh tế đạt 50-59,9 điểm được cho là nền kinh tế “gần như không tự do”, nền kinh tế có điểm dưới 50 được cho là nền kinh tế “bị kìm nén ”. Quỹ hỗ trợ di sản Tạp chí phố Wall xếp hạng Việt nam trước năm 2006 là nền kinh tế “bị kìm nén”, năm 2006 là nền kinh tế “gần như không tự do ”, các năm 2006- 2010 lại quay về nhóm nước có nền kinh tế “bị kìm nén”;
- Chỉ số cảm nhận tham nhũng(CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế: Từ năm 2004 đến năm 2011 chỉ số CPI của VN biến thiên rất ít và đạt điểm thấp từ 2,6 đến 2,9, năm 2004 xếp thứ 102 trong 145 nước được khảo sát, năm 2011 xếp thứ 112 trong 183 nước được khảo sát.
Tóm lại: Các tổ chức Quốc tế đều đánh giá năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta là kém, thường thấp hơn các nước trong khu vực.
Về vấn đề NLCT Phó Thủ tương Nguyễn Thiện Nhân đã đề ra nhiệm vụ phải chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế, học tập kinh nghiệm và lựa chọn phương pháp đánh giá NLCT phù hợp với VN, tiến hành xây dựng các chỉ số và phương pháp đánh giá NLCT, tự đánh giá NLCT của nước ta năm 2012 và tháng 4 năm 2013 sẽ tổ chức Hội thảo Quốc gia vê NLCT, công bố chính thức các chỉ số NLCT của nước ta và tìm nguyên nhân yếu kém, đề xuất các giải pháp cải thiện NLCT của Quốc gia.