Theo đó, giải thưởng kỳ vọng nhận được các ý tưởng, mô hình về bảo vệ môi trườngvà phát triển bền vững các lĩnh vực như: tiết kiệm năng lượng, sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, tái chế xử lý rác thải - nước thải - khí thải, các giải pháp về mặt chính sách, giáo dục môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và bảo vệ môi trường...
Thanh thiếu niên Việt Nam từ 6 - 30 tuổi đều có thể dự thi cá nhân hoặc theo nhóm (tối đa ba người/nhóm). Bài dự thi được các tỉnh, thành đoàn tập hợp và gửi về Ban thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn (62 Bà Triệu, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước ngày 30/6.
Thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng do thiên tai
Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết ngày 8/1, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành, phòng chống thiên tai năm 2015 và 5 năm 2011-2015, kế hoạch công tác năm 2016, định hướng năm 2016-2020.
Trong năm 2015, thiên tai đã làm 154 người chết, trong đó có 94 người chết do lũ, lũ quét và sạt lở đất; 60 người chết do lốc, sét, không có người chết do bão; 127 người bị thương; 1.242 nhà bị đổ, sập, trôi; 35.233 nhà bị ngập, hư hỏng; hơn 445.000 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu m3 đất đá giao thông, thuỷ lợi bị sạt lở, bồi lấp. Ước tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỷ đồng. Tuy nhiên, so sánh với giai đoạn 2006 – 2010, mức độ thiệt hại đã giảm đáng kể. Tính chung trong 5 năm qua, thiên tai đã khiến 1.128 người chết và mất tích (trung bình mỗi năm có 226 người chết và mất tích), giảm 53%; thiệt hại về vật chất trung bình mỗi năm 13.647 tỉ đồng, giảm 32%.
Cục Cảnh sát môi trường xử phạt vi phạm pháp luật 110,77 tỷ đồng
Ngày 05/01/2016, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát môi trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai công tác năm 2016. Trong công tác điều tra, xử lý, năm 2015, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường toàn quốc đã phát hiện 13.784 vụ, trong đó có 11.118 cá nhân, 2.474 tổ chức vi phạm pháp luật về môi trường, tăng 17.5% so với cùng kỳ năm 2014.
Lực lượng cảnh sát đã xử phạt vi phạm hành chính 8.205 vụ với 6.863 cá nhân, 2.077 tổ chức, số tiền 110,77 tỷ đồng. Chuyển cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đề nghị khởi tố 232 vụ, 314 đối tượng, trong đó đã quyết định khởi tố 153 vụ, 275 bị can.
26% đối tượng bị thanh tra có vi phạm về môi trường
Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, trong năm 2015, lĩnh vực môi trường đã tiến hành 797 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 3.362 tổ chức, cá nhân. Trong đó, Tổng cục Môi trường đã thực hiện 9 cuộc thanh tra về bảo vệ môi trường gồm: 7 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 2 cuộc thanh tra đột xuất đối với 827 tổ chức trên địa bàn 29 tỉnh, thành phố. Các Sở Tài nguyên và môi trường đã tiến hành 788 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 2.535 tổ chức, cá nhân, trong đó có 667 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, 97 cuộc thanh tra, kiểm tra về môi trường tại các khu, cụm công nghiệp,...
Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, việc rà soát, hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện các thủ tục về môi trường theo quy định còn hạn chế; chưa hoàn thành việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Qua thanh kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện 26% số đối tượng được thanh tra, kiểm tra có vi phạm. Đồng thời, đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 602 tổ chức, cá nhân với số tiền 35,443 tỷ đồng, truy thu 1,293 tỷ đồng – theo BizLIVE.
Phát động cuộc thi vẽ tranh “giải thoát gấu nuôi” tại Hà Nội
Chiều 8/1, tại trường tiểu học Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đã tổ chức phát động cuộc thi vẽ tranh bảo vệ gấu, nhằm nâng cao nhận thức cho các em học sinh trong việc bảo vệ các loài động vật hoang dã, hướng đến chấm dứt việc nuôi nhốt gấu chích hút lấy mật. Thời gian gửi tác phảm dự thi tính từ ngày 11/1 đến hết ngày 29/2/2016 – theo TTXVN.
Theo thể lệ cuộc thi, các em học sinh tham gia vẽ tranh sẽ tập trung vào các nội dung như: Ca ngợi việc gìn giữ môi trường sống tự nhiên của loài gấu; gấu chịu đau đớn trong các trại nuôi nhốt gấu lấy mật, hay nuôi nhốt làm cảnh; ca ngợi các hành động bảo vệ loài gấu của lực lượng kiểm lâm, các bác sỹ thú y chăm sóc gấu; minh họa mối đe dọa với loài gấu…Ban tổ chức sẽ lựa chọn 100 tác phẩm vẽ đúng tiêu chí và xuất sắc nhất để trao giải tưởng; trong đó có 10 giải nhất (mỗi giải 500.000 đồng), 20 giải nhì (mỗi giải trị giá 300.000 đồng), 20 giải ba (mỗi giải 200.000 đồng) và 50 giải khuyến khích (mỗi giải 100.000 đồng). Ngoài ra, toàn bộ 100 tác giả và một số thầy cô giáo của các em học sinh tham gia dự thi sẽ được đi thăm “ngôi nhà gấu” lớn nhất Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bắc Kinh đóng cửa 2.500 công ty để chống ô nhiễm
Tân Hoa Xã ngày 9/1 cho biết, 2.500 công ty trên 4 quận ở thủ đô Bắc Kinh bị buộc phải ngừng hoạt động trước cuối năm 2016. Các quận này đều là 4 nơi bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Cũng trong ngày 9/1, Bộ Môi trường Trung Quốc cảnh báo sương mù dày đặc sẽ xuất hiện trở lại từ tuần tới ở Bắc Kinh, tỉnh Hà Bắc và các vùng lân cận của tỉnh Thiên Tân. Số liệu chính thức cho thấy chỉ số PM2.5 của Trung Quốc năm 2015 là 80,6 microgram/mét khối, cao gấp 1,3 lần tiêu chuẩn quốc gia – theo Zing.
Ô nhiễm là chủ đề nhức nhối trong xã hội Trung Quốc. Reuters ước tính hàng nghìn cuộc biểu tình diễn ra mỗi năm ở nước này để phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường. Hồi tháng 12/2015, Bắc Kinh lần thứ hai phải ra "báo động đỏ" do không khí ô nhiễm nghiêm trọng, buộc các trường học phải đóng cửa và tạm ngưng những công trình xây dựng ngoài trời. Dù Bắc Kinh tuyên bố đẩy mạnh việc giảm tiêu thụ than và đóng cửa những cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, các quan chức ngành môi trường Trung Quốc thừa nhận sẽ không thể đạt mục tiêu cải thiện chất lượng không khí cho đến năm 2030.
Bolivia và Peru thỏa thuận làm sạch hồ nước ngọt lớn nhất Nam Mỹ
Ngày 10/1, Chính phủ Bolivia và Peru đã ký thỏa thuận làm sạch và bảo vệ nguồn nước hồ Titicaca trong vòng 10 năm tới, với nguồn vốn đầu tư lên tới 500 triệu USD. Hồ Titicaca nằm giữa biên giới Bolivia và Peru ở độ cao hơn 4.000m so với mặt nước biển và là hồ nước ngọt lớn nhất ở Nam Mỹ, nơi có 41 hòn đảo lớn, nhỏ. Vấn đề xử lý chất thải rắn và xây dựng hệ thống gom và xử lý nước thải cũng sẽ được ưu tiên trong giai đoạn một với nguồn đầu tư 63 triệu USD. Trong các giai đoạn sau, vấn đề ô nhiễm do rác thải công nghiệp, quản lý khai thác khoáng sản trái phép, nông nghiệp và chăn nuôi sẽ được giải quyết.
Với hơn 20 con sông cùng chảy vào, hồ Titicaca rất hấp dẫn du khách nước ngoài. Ngoài ra, hồ Titicaca còn là một địa danh khảo cổ nổi tiếng. Các nhà khoa học từng tìm thấy dưới lòng hồ hàng nghìn mảnh xương, đồ gốm cùng nhiều mảnh kim loại vàng, bạc có từ cách đây 1.500 năm thuộc đế chế Inca – theo TTXVN.
Trái Đất có thể bị siêu núi lửa tàn phá trong 80 năm tới
Theo International Business Times, trong báo cáo công bố vào năm ngoái, các chuyên gia thuộc Hiệp hội Khoa học châu Âu nhận định siêu núi lửa mang đến nhiều mối nguy hại cho loài người hơn bất kỳ hiểm họa địa chất nào khác, bao gồm thiên thạch, sóng thần, động đất hay quá trình nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, chính phủ các nước chưa chuẩn bị đầy đủ để đối phó với thảm họa này. Dù động đất là nguyên nhân chính gây tử vong và thiệt hại trong vài thập kỷ qua, một nguy cơ toàn cầu là những vụ phun trào núi lửa lớn không thường xuyên xảy ra nhưng có tác động lớn hơn hẳn động đất cấp cao nhất. Do ảnh hưởng sâu rộng đến khí hậu, an toàn thực phẩm, vận chuyển và cung ứng, các vụ phun trào có khả năng gây nên thảm họa trên toàn cầu. Chi phí đối phó và khả năng xử lý nằm ngoài năng lực của mọi quốc gia – theo VnExpress.
Một trong những siêu núi lửa lớn nhất thế giới đang ẩn mình tại Yellowstone. Vào tháng 4/2015, các nhà khoa học phát hiện một lượng magma khổng lồ trong lòng núi lửa bằng công nghệ địa chấn. Ngọn núi lửa phun trào lần cuối cùng cách đây 640.000 năm, bao phủ nước Mỹ dưới lớp tro dày hàng mét. Các chuyên gia tin rằng nó sẽ sớm phun trào trở lại, với xác suất là 10% trong 8 thập kỷ tới, phá hủy bờ tây nước Mỹ và ảnh hưởng đến sản xuất lương thực trên toàn thế giới. Siêu núi lửa là núi lửa phun trào hơn 1.000 km3 magma. Hai siêu núi lửa khác trên thế giới nằm ở hồ Toba, Indonesia và Atana Ignimbrite, Chile.
Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)