Thêm nhiều ý tưởng đóng góp cho Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội trong những thập kỷ tới
(VACNE) – Tại Hội thảo “Góp ý kiến xây dựng Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” do Hội BVTN&MT Việt Nam và Sở Tài nguyên & Môi trường vừa tổ chức tại Cung Trí Thức, đã nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết và ý tưởng táo bạo, của đại diện các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu và tổ chức xã hội.
Ông Phạm Xuân Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết: đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, nên gặp không ít khó khăn. Vì thế, rất cần có những đóng góp tâm huyết của các nhà tư vấn, để Hà Nội có Quy hoạch chuẩn chỉ, có tính khả thi cao, góp phần tích cực Bảo tồn đa dạng sinh học của nước ta.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE, đại diện cơ quan tư vấn cảm ơn Sở TN&MT Hà Nội cùng các cơ quan chức năng của thành phố, đã tạo điều kiện (kể cả thời gian) để để VACNE hoàn thiện tốt nhất trong điều kiện có thể. Đây không chỉ là vinh dự, là cơ hội cho các nhà khoa học được thể hiện với Thủ đô, mà còn là một trong số những công trình trọng điểm chào mừng 25 năm thành lập Hội BVTN&MT Việt Nam.
Sau báo cáo tổng hợp do ông Đinh Văn Hùng trình bày, đã có những ý kiến đóng góp của đại diện Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ TN-MT) Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Quy hoạch Lâm nghiệp và các nhà khoa học của VACNE đã được Sở và cơ quant ư vấn tập hợp bổ sung. Với mục tiêu sớm hoàn thành “Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020” để trình Hội đồng nhân dân thành phố vào đầu năm 2014. Trong đó, có ý kiến: phải gắn chặt hơn nữa với quy hoạch tổng thể của thành phố, nhất là những quy hoạch liên ngành, quy hoạch của các ngành liên quan. Ngoài ra, cần quan tâm hơn vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học trong trang trại, trong các hộ dân. Một số đại biểu còn bày tỏ: nên Quy hoạch thêm các vườn động vật, vườn thực vật trong lòng Thủ đô. Nó sẽ là nơi giáo dục trực tiếp về bảo tồn sự đa dạng sinh học, giữ gìn các nguồn gel động thực vật quý hiếm, thông qua các hoạt động du lịch, các lớp học ngoài trời.
Khi Quy hoạch này được triển khai, chắc chắn sẽ góp phần bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài hoang dã, bảo tồn được các nguồn gel mà thiên nhiên đẫ ban tặng cho con người; đồng thời cũng góp phần BVMT và mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội bền vững./.
Bích Thủy