(VACNE, 28/12/2019) - Trong tổng số 41 cây cổ thụ của 3 tỉnh/ thành phố khu vực phía Bắc nước ta, vừa được Hội đồng công nhận đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam, có cây Thông đỏ hơn 200 năm, cao 30 mét (tên khoa học là Taxus wallichiana) – một loài thực vật cực kỳ quý hiếm ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết: đây là loài cây chậm lớn, chứa nhiều tinh chất quý hiếm (có tên trong Sách đỏ Việt Nam) đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì thế, việc nộp hồ sơ đăng ký Cây Di sản để bảo vệ của ông Thào Mí Páo, Chủ tịch UBND xã, đại diện cộng đồng các dân tộc ở Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) là một tín hiệu rất vui.
Trong đợt xét lần này, còn có 35 cây cổ thụ có tên địa phương là Rầm Rào, hơn 200 tuổi, cao hơn 30m, chu vi thân trên 2,4m ở bản Ngắn, xã Quang Trung, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng được công nhận đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam. Nhưng các chuyên gia cho rằng: có khả năng đây là những cây Chò chỉ (Parashorea chinensis) nên rất cần xác định chính xác tên khoa học của cây trước khi gắn bia Cây Di sản.
Cây cao tuổi nhất được xét, công nhận lần này là cây Thị hơn 800 năm, chu vi thân 6,5m ở thôn 5 làng Đông Am, xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, Tp. Hải Phòng. Tại xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo còn có 01 cây Bàng ở thôn 7 và 03 cây Ruổi (2 cây ở trước miếu Bến Đò và 01 cây trước đình Đông Am) được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Nếu như 41 cây cổ thụ này được Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam thông qua, thì tới cuối năm 2019, cả nước ta đã có 3975 Cây Di sản Việt Nam.
Tại cuộc họp lần này, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cũng bàn bạc và đi tới thống nhất việc biên soạn cuốn tài liệu tổng hợp, phục vụ 10 năm sự kiện Cây Di sản Việt Nam ./.