(VACNE) - Ngày 29/12, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp, phiên cuối cùng của năm 2016, xét công nhận thêm 41 cây cổ thụ ở các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hoà Bình, Nghệ An và Thái Nguyên là Cây Di sản Việt Nam, trong đó có 2 loài cây mới và 1 tỉnh lọt vào danh sách này.
Cụ thể là Hải Phòng có 11 cây, Bắc Ninh có 6 cây, Hoà Bình có 10 cây, Nghệ An có 12 cây và Thái Nguyên có 2 cây.
Nhờ có cây Lan tua (hay còn gọi là Y Lan) trên 100 năm và cây Đa cổ thụ trên 200 năm ở thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa được Hội đồng xét công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên đã chính thức trở thành đơn vị cấp tỉnh, thành phố thứ 50 của nước ta có Cây Di sản Việt Nam
Tỉnh Nghệ An đứng đầu danh sách có cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam lần này, nhờ có 10 cây Sa mu dầu khổng lồ có chu vi: từ 5,8 - 7,0 m; chiều cao: 45-50 m ở tiểu khu 704 (thuộc xã Tam Hợp) thuộc khu rừng phòng hộ huyện Tương Dương,
Đặc biệt, lần này tỉnh Nghệ An có cây Me keo (một loài mới trong danh mục Cây Di sản) và cây Đa tía trên 700 năm, trong khuôn viên đền Vạn – Cửa Rào, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương được xét công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam.
Cây môi (tên địa phương: Co Muống Póm) ở xã Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình
vừa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
Tuy đứng ở hàng thứ 3 trong danh sách các địa phương có nhiều cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam lần này (10 cây) nhưng tỉnh Hòa Bình có 3 cây thuộc loài mới là cây Mắc môi ở thôn Hịch 1, xã Mai Hịch và thôn Tòng, xã Tòng Đậu, Pom Coọng (thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu) được xét công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Hai cây Xà Pùng khổng lồ (chu vi thân 15 m) ở thôn Vãng và thôn Pom Coọng thuộc thị trấn Mai Châu cũng được Hội đồng xét công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam, nhưng yêu cầu phải thẩm tra lại hoa, lá để xác định chính xác tên khoa học và loài cây.
Tại tỉnh Hòa Bình còn có cây Đa hơn 200 năm ở thôn Ngõa, xã Mai Hịch; cây Thị hơn 300 năm, chu vi thân hơn 5 m ở thôn Pom Coọng, thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu và cây Sanh hơn 400 năm ở thôn Đồng Dặt, xã Đa Bình, huyện Lạc Thủy.
Hồ sơ cây của thành phố Hải Phòng gửi về Hội đồng, xin xét công nhận Cây Di sản Việt Nam chủ yếu là những cây cổ thụ khu vực Từ Lương Xâm, phường Nam Hải, quận Hải An – một địa danh nổi tiếng gắn với những chiến công lừng lẫy chống giặc ngoại xâm phương Bắc trên sông Bạch Đằng.
Hội đồng Cây Di sản đã nhất trí công nhận 01 cây Đa, 03 cây Gạo và rặng Ruối (7 cây) ở đây đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam.
Quần thể đại mộc thụ (6 cây) trong khuôn viên di tích Đình – Đền – Chùa làng Đồng Kỵ, phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh bao gồm: 01 cây Bồ đề, 03 cây Đa, 01 cây Trôi và 01 cây Sanh cũng được Hội đồng xét công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam.
Nếu như tất cả những cây này, đều được Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam thông qua, thì số lượng Cây Di sản Việt Nam ở nước ta đã lên tới con số 2.665 cây /.