quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Thanh trà xomxanh.com

Thứ Tư, 24/02/2010 | 10:42:00 AM

TTXuân - Mọi thứ tồn tại trong thiên nhiên đều có quan hệ mắt xích với nhau. Giống loài này mất đi thì thể nào cũng gây ảnh hưởng đến giống loài khác. Vì vậy, phát triển bền vững không chỉ là vận động nói không với túi nilông, không xả rác... mà còn phải giữ lấy những giống loài đã có trong thiên nhiên đang đứng trước nguy cơ diệt vong. Câu chuyện thanh trà trên trang web xomxanh.com là một ví dụ.

 

Thanh trà Thủy Biều là thương hiệu trái cây nổi tiếng không chỉ ở Huế mà còn cả nước - Ảnh:  Thái Lộc

Thanh trà là tên gọi của một giống bưởi ở Huế. Sở dĩ phải giải thích như thế là vì ở miền Nam cũng có một loại trái cây tên thanh trà được trồng nhiều tại Vĩnh Long, to bằng trái chanh, có màu vàng cam. Chính vì thế mà Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho thanh trà dưới cái tên “Bưởi thanh trà Huế” vào năm 2007.

Không chỉ có thanh trà

Bên cạnh việc bảo vệ và phục hồi thanh trà chính hiệu, Huỳnh Huy Tuệ còn thuê đất trồng lúa sạch, cho ra loại gạo de nổi tiếng của Huế mà ngày xưa dùng để tiến vua. Rồi các thứ đặc sản khác như trứng gà sạch Hương Long, rau cải sạch Phú Hậu, chuối Thủy Biều... cũng là những thứ mà xomxanh.com đưa vào danh sách giới thiệu trong “cửa hàng đặc sản của người nông dân”.

Thậm chí, tết năm rồi anh cất công tổ chức làm mứt gừng sạch, từ loại gừng trồng theo lối truyền thống tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học, cho ra củ nhỏ nhưng rất cay và thơm. Mứt gừng sạch này được Tuệ biếu không để quảng bá, và năm nay nhiều người đã hỏi và anh tổ chức tour làm mứt gừng truyền thống tại An Tây.

Nhớ thanh trà

Với dân xứ Huế, đặc biệt là những người tha hương, nghe đến hai chữ thanh trà là mắt lim dim, hồn như thả về cố đô, ở cái vùng đất quanh năm xanh mướt có tên Thủy Biều nằm ven bờ nam sông Hương, đối diện chùa Thiên Mụ. Đó là nơi trồng thanh trà nhiều nhất Huế và cũng cho ra những quả thanh trà ngon nhất.

Mẹ tôi, nữ sinh Đồng Khánh của những năm 1950, đã xa Huế từ lâu nên mỗi lần có ai ngoài ấy vào làm quà cho đôi trái thanh trà là mừng rơi nước mắt. Nhưng càng về sau thì cụ ít mong quà thanh trà nữa. Lý do là hầu như không có quả nào ngon, như cụ nhớ về thanh trà của ngày xưa: quả tuy nhỏ nhưng cầm rất nặng tay, vỏ mỏng. Múi không mọng nước như bưởi năm roi của miền Nam, nhưng nếu bổ quả thanh trà bằng dao thì cả phòng nghe thơm ngát. Còn tách bằng tay, lột thành từng múi đưa vào miệng thì thanh trà ngọt và the the đến thanh giọng.

Trên trang web mientrung.com, người ta cũng tả thanh trà y như mẹ tôi kể: trái bưởi thanh trà tép không to, trắng ngà, dù có bổ đứt tép bưởi, nước vẫn không tứa ra (vì nước ít) nhưng có mùi thơm đặc biệt. Và khi đã nếm thử vào miệng thì vị ngọt thanh tân làm ta thích thú và nhớ đến câu nói của dân xứ Huế: “Đúng là ngậm mà nghe...” hay danh bất hư truyền.

Hồi mùa thanh trà mới đây (rằm tháng bảy), Huỳnh Huy Tuệ - điều phối viên của Tổ chức phi chính phủ Cầu châu Á - Nhật Bản (BAJ) - đã gửi tặng tôi hai quả thanh trà. Trên quả có tên, chữ ký của bác nông dân chủ cây - Hồ Xuân Đài, rồi một trái ghi “từ gốc 35 năm”, trái kia là “từ gốc 40 năm”. Mẹ tôi khi thưởng thức hai quả thanh trà ấy thì mắt sáng lên và nói như reo: “Đúng là thứ thanh trà ngày xưa đây con”.

Đôi bàn tay bác nông dân Hồ Xuân Đài tách múi bưởi thanh trà giới thiệu với khách - Ảnh: L.B.K.

Thanh trà cực ngon ở cây trên 40 năm tuổi, được chính tay người nông dân viết lên đó như là một lời cam kết với khách hàng - Ảnh: L.B.K.

Thanh trà con đâm chồi

Huỳnh Huy Tuệ cũng như nhiều chàng trai gốc Huế khác trong tuổi thơ đã nhiều lần được nghe cha, một trí thức là du học sinh yêu nước ở Nhật, nhắc đến những sản vật độc đáo của đất cố đô. Dĩ nhiên trong đó có thanh trà. Thế rồi trong bao năm lăn lộn ở Huế thực hiện dự án giáo dục môi trường của BAJ, anh bỏ ra không ít thời gian để trò chuyện với những người nông dân lớn tuổi như bác Đài, bác Lung, bác Dũng, bác Cường... ở Thủy Biều về thanh trà.

Hóa ra, đặc thù của cây thanh trà là rễ mọc lan gần mặt đất nên cây yếu. Trong khi đó, bưởi miền Nam thì rễ lại mọc cắm sâu xuống đất. Vì vậy, nhiều nông dân ở Thủy Biều đã ghép thanh trà vào gốc bưởi với hi vọng cây khỏe hơn, cho trái sai hơn. Và kết quả đúng như thế, chỉ có điều chất lượng của thanh trà đi xuống rõ rệt khi trái dù to nhưng vỏ dày, múi mọng nước, lại bị nhiều hột và đắng.

Tại sao những người nông dân lại phải lai tạo thanh trà với bưởi khiến giống quả ngon đang dần biến mất? Cái gốc của câu chuyện cũng là do chuyện thu nhập. Cây thanh trà lai bưởi khỏe, cho quả nhiều giúp thu nhập cao. Muốn người nông dân thay đổi thì phải tìm cách giúp họ có thu nhập ổn định bằng những cây thanh trà chính gốc.

Tuệ đã lọ mọ đi tìm hiểu, thống kê xem còn bao nhiêu vườn ở Thủy Biều giữ được thanh trà chính gốc. Anh choáng váng với con số chỉ hơn 50 cây thanh trà đúng nghĩa. Trong đó, vườn ông Hồ Xuân Đài đứng đầu với 25 cây toàn bộ là thanh trà chính hiệu! Học theo cách người Nhật đã làm, đó là xây dựng uy tín thương hiệu cho thanh trà của người nông dân Thủy Biều bằng tính minh bạch, không giấu giếm hay nói quá bất cứ điều gì, Tuệ lập ra trang web xomxanh.com giới thiệu mười nông dân còn giữ được những gốc thanh trà chính hiệu trong vườn. Tất cả những thông tin liên quan đến thanh trà đều được anh kể trên đó, như khó trồng làm sao, thu hoạch ngon nhất vào lúc nào, vì sao thanh trà càng lớn tuổi thì cho trái càng ngon, tại sao thanh trà ở đầu cành lại ngon hơn, thanh trà không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu sẽ ngon hơn...

Bằng những mối quan hệ rộng rãi, bằng lực lượng cộng tác viên đông đảo, xomxanh.com được tích cực giới thiệu, trong đó chủ yếu nhắm vào những người Huế xa quê. Những người con xứ Huế ở Nhật, Pháp... khi vào xomxanh.com khó mà không nhấp chuột vào đặt hàng, với giá cả rất phải chăng: 12.000 đồng/quả từ cây 20 tuổi, 30.000 đồng/quả từ cây 40 tuổi (chưa tính phí giao hàng). Giá này giúp người nông dân có lãi hơn so với bán cho thương lái khoảng 40%.

Bên cạnh đó, Tuệ tổ chức các vườn còn thanh trà chính hiệu lại thành một tour du lịch, chủ động giới thiệu với khách Nhật. Ông Hồ Xuân Đài hớn hở kể: “Vườn tôi có một nhà rường cổ trên 100 năm, cộng với 25 gốc thanh trà từ 35 năm trở nên, đã trở thành một địa chỉ du lịch miệt vườn thu hút khá nhiều khách đến tham quan”.

Một khi người nông dân có thu nhập đảm bảo, đời sống khá hơn thì không có lý do gì để họ không bắt đầu gầy giống thanh trà. Những cây thanh trà con chính hiệu đã bắt đầu được sang chiết, đâm chồi trên đất Thủy Biều...

HUY TƯỜNG

(Tuổi Trẻ, 17/2/2010)

Lượt xem: 4531

Các tin khác

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

Thanh Hóa nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh

(29/12/2024 08:15:AM)

Mù Cang Chải khai mạc Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ dày năm 2024

(28/12/2024 09:11:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE