Nhiều du khách biết đến Thanh Hóa với thế mạnh là du lịch biển. Các bãi biển Sầm Sơn (TP. Sầm Sơn), bãi biển Hải Tiến (Hoằng Hoá), bãi biển Hải Hoà (TX. Nghi Sơn)… thu hút rất đông du khách tới trải nghiệm, nhất là các ngày lễ, ngày hè. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội tại các khu du lịch biển, như Lễ hội du lịch biển Hải Tiến, Lễ hội du lịch biển Nghi Sơn, Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Lễ hội tình yêu, Lễ hội Carnival đường phố, giải golf, giải bóng bàn, cầu lông, quần vợt… Nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch biển mới được đưa vào khai thác như chèo thuyền kayak, đu zipline, đua xe Go Kart, dù lượn, tour du lịch đảo Mê, tour du lịch ra đảo Nẹ… tạo điểm nhấn nổi bật, càng lôi cuốn du khách muốn đến khám phá xứ Thanh.
Du khách trải nghiệm leo núi ở Pù Luông
Những năm gần đây, không nằm ngoài xu hướng, Thanh Hóa cũng đẩy mạnh phát triển du lịch xanh nhằm khai thác lợi thế thiên nhiên có rừng núi; có khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia; có nhiều hang động, thác nước đẹp… cùng bản sắc văn hóa đặc sắc, phong phú của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống nơi đây.
Điểm đến xanh được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích nhất khi đến Thanh Hóa phải kể đến là Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và Vườn quốc gia Bến En với những trải nghiệm thú vị như nghỉ dưỡng, tắm rừng, trekking, cắm trại, câu cá, chèo thuyền...
Ngoài ra còn có Khu du lịch Bản Mạ (Thường Xuân) hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ, cùng bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái; Làng du lịch Yên Trung (Yên Định) với không gian mang đậm bản sắc làng quê Việt, với những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm, được lưu giữ và bảo tồn cho đến ngày nay…
Mới đây, Thanh Hóa vừa ra mắt 12 tuyến du lịch đi bộ trong rừng (trekking tour) tại các huyện miền núi Bá Thước, Quan Hóa và Thường Xuân với thông điệp “Không mang gì về ngoài những bức ảnh - Không để lại gì ngoài những dấu chân”. Đây là nỗ lực Thanh Hóa nhằm đa dạng các sản phẩm du lịch để tăng sức hút đối với du khách đồng thời nỗ lực bảo vệ môi trường thiên nhiên, văn hóa…
Đi đôi với phát triển du lịch, Thanh Hóa cũng rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương có di tích, danh thắng có giá trị lớn trong phát triển du lịch đã chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên.
Khu Di tích lịch sử Lam Kinh là điểm đến thu hút rất đông du khách. Đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích đến du khách, nhân dân sinh sống quanh khu vực thông qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, loa phát thanh; đường đi, lối lại trong khu di tích đều được bố trí, lắp đặt thùng rác và có biển hướng dẫn du khách vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi ra môi trường…
Tại các địa phương có tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên như Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân đã xây dựng, ban hành quy chế bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch; bố trí đặt các thùng rác ở nơi thuận tiện, có bảng hướng dẫn phân loại rác; bố trí lực lượng thu gom, phân loại, xử lý rác thải theo quy định; tích cực tổ chức đào tạo, tập huấn về các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp, người dân, du khách…
Phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường là định hướng phát triển bền vững của du lịch Thanh Hóa nhằm xây dựng Thanh Hóa trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp; từng bước trở thành địa phương trọng điểm du lịch quốc gia.