(VACNE) Đó là cây Bạch Mai ở đình Phú Tự, xã Phú Hưng, Tp. Bến Tre – một trong những cây cổ thụ đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được Hội BVTN&MT Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam cách đây hơn 7 năm.
Sau nhiều lần trao đổi giữa các nhà phân loại thực vật và được sự thống nhất giữa các đơn vị chức năng, cùng địa phương, mới đây UBND Tp. Bến Tre (tỉnh Bến Tre) đã tổ chức cuộc họp bàn về sự việc này. Cuộc họp diễn ra với sự tham gia của lãnh đạo, đại diện UBND Tp. Bến Tre; phòng Văn hóa Thông tin Tp. Bến Tre, UBND xã Phú Hưng, Ban Quản trị, Ban Khánh tiết Đình Phú Tự, các nhà nghiên cứu khoa học về sinh học và Quan hệ Quốc tế trường Cao đẳng Bến Tre. Ngay sau đó, UBND Tp. Bến Tre đã có Công văn trao đổi và cùng thống nhất với Hội BVTN&MT Việt Nam về việc này.
Hội đồng Cây Di sản Việt Nam của VACNE đã thống nhất cho rằng: đây là một việc làm đúng đắn, nghiêm túc và có trách nhiệm của địa phương, giới chuyên môn, đặc biệt là thầy Nguyễn Văn Bon, cựu giảng viên trường Cao đẳng Bến Tre.
Theo quy trình: trước khi ban hành Quyết định số 44/QĐ-HMTg, công nhận cây Bạch Mai ở đình Phú Tự là Cây Di sản Việt Nam (tháng 2/2014), Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp, xét duyệt hồ sơ từ địa phương gửi về Văn phòng Hội tại Hà Nội, dựa vào ảnh và những thông tin mô tả trong hồ sơ. Vì thế, việc định danh tên khoa học cho cây Bạch Mai - một loài cây quý hiếm bậc nhất Việt Nam của chuyên VACNE có thể chưa đảm bảo thật chính xác.
Để tránh những sai sót không đáng có, tháng 2/2019, thầy Nguyễn Văn Bon đã trực tiếp khảo sát khi cây Bạch Mai ra hoa và đối chiếu với với mẫu vật Ochrocarpus siamensis var. Odoratissimus Pierre trong Flore forestiere de la Cochinchine, cho kết quả trùng khớp. Vì thế, Hội BVTN&MT Việt Nam cho rằng: việc nghiên cứu và sau đó kiến nghị chỉnh sửa tên khoa học cho cây Bạch Mai ở đình Phú Tự (Bến Tre) của thầy Nguyễn Văn Bon là một việc làm của một công dân có trạch nhiệm với cộng đồng và rất đáng trân trọng./.