Loại nến sử dụng bấc chì đặc biệt nguy hiểm.
Tăng CO2 trong không khí
Từ 20h30 - 21h30 ngày 29/3, chiến dịch Giờ Trái Đất với chủ đề "Trái Đất xanh", "Tương lai xanh" nhằm gửi đi thông điệp tiết kiệm năng lượng và dùng các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ được khởi động.
Mục đích của hoạt động Giờ Trái Đất nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng và vì vậy làm giảm lượng khí thải điôxít cacbon, một khí gây ra hiệu ứng nhà kính và nhằm đánh động sự chú ý của mọi người với ý thức bảo vệ môi trường.
Việc này cũng giúp làm giảm ô nhiễm ánh sáng. Các năm trước, thay vì thắp điện, hàng triệu người trên thế giới đã thắp nến để hưởng ứng chiến dịch này. Tuy nhiên, việc thắp nến làm tăng lượng khí thải cao hơn nhiều so với những hệ lụy của sử dụng điện.
TS Nguyễn Bá Thái, nguyên cán bộ Viện Khoa học Vật liệu cho biết, nếu chỉ đốt một vài cây nến thì lượng khí thải phát ra là không đáng kể. Nhưng thắp với số lượng hàng nghìn cây nến thì không khí sẽ bị ô nhiễm nặng.
Cụ thể, nếu trong 1 giờ, hàng triệu người cùng đốt nến, lượng dioxit cacbon thải ra môi trường rất lớn. Mà theo tính toán, để tạo ra một nguồn sáng nhất định, nến thải ra nhiều CO2 hơn điện. Ở một vài khu nghỉ dưỡng, với tiêu chí bảo vệ môi trường, người ta sử dụng nến thay vì thắp điện. Điều này cũng là sai lầm và đi ngược với tiêu chí đó.
Cũng theo TS Nguyễn Bá Thái, các nhà khoa học tại trường Đại học bang South Carolina (Mỹ) đã làm một cuộc phân tích khói nến sáp trong phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy, việc đốt nến sáp làm sản sinh ra rất nhiều các chất độc hại như toluene và benzene.
Phòng đốt nến phải thông gió
Theo TS Nguyễn Bá Thái, nếu có nhu cầu đốt nến, phải để ý đến yếu tố thông gió trong căn phòng đốt nến, vì phòng càng kín, mọi người càng hít vô phổi nhiều khí độc, các chất độc hại trong khói nến có thể lưu lại lâu dài.
ThS Trần Hồng Hà, Khoa Hóa, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện thị trường có nhiều loại nến với hình dáng và màu sắc rất bắt mắt. Nguy cơ tiềm ẩn từ những loại nến này là rất lớn. Có những loại nến mềm có đến 70 - 98% dầu parafin, 2 - 30% cao su tổng hợp, đặc biệt là SEBS.
Đây là loại polyme nhiệt dẻo có tính tương hợp với dầu parafin nên chúng hòa tan vào nhau rất tốt. Trong phân tử của SEBS chỉ có các nguyên tử hydro và cacbon nên khi cháy sẽ sinh ra CO2 và nước. Khi SEBS cháy không hoàn toàn, có thể tạo ra cacbon monoxit (CO) và muội than. Khi hít phải muội than này, hệ hô hấp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, khi chọn nến nên chú ý đến bấc. Nguy hiểm nhất là bấc lõi chì đang được sử dụng phổ biến bởi dễ sản xuất và giá thành thấp. Chì được đưa vào lõi bấc nhằm làm bấc giữ đứng, không tắt, lửa cháy đều. Ngoài ra, phải kể đến một số loại lõi bấc khác như magie, sợi cotton, dây cước, đồng...
Loại nến sử dụng bấc chì đặc biệt là nến thạch. Khi nến cháy, chì sẽ phát tán vào không khí dưới dạng muội. Người dùng hít nhiều sẽ bị nhiễm độc chì. Nhiễm chì lâu ngày dẫn đến tích tụ chất độc trong người, gây rối loạn hệ tiêu hóa, viêm nhiễm chân răng...
Kiểm tra kỹ phần bấc khi mua nến. Tốt nhất là mua nến không lõi (bấc cotton) hoặc bấc lõi giấy. Nếu bấc có lõi kim loại thì phải xem đó có phải là chì hay không. Vạch đầu sợi lõi bấc vào giấy, nếu thấy xuất hiện các đường màu xám như màu bút chì nghĩa là nến bấc có chì, không nên mua. Chỉ để bấc nên khoảng 0,6cm. Bấc càng dài, lửa càng lớn thì lượng muội khói độc càng nhiều.
Theo Bảo Khanh
(Kienthuc.net)