Hải Ninh
Trong sụ hiện đại ngày nay của Hà Nội vẫn còn lưu giũ hình ảnh của mảnh đất kinh kỳ nghìn năm trước trong những con ngõ nhỏ uốn lượn, quanh co với giếng nước, quán đình hiện hữu. Trong cái không gian tưởng chừng như nhỏ bé ấy ta thấy luôn hiện hữu cái hồn Hà Nội với những bức tường loang lổ rêu phong.
Bây giờ, nhắc đến ngõ nhỏ Hà Thành không thể không nhắc đến Ngõ Tạm Thương. Con ngõ nhỏ với chiều dài chỉ 100 mét này không biết tự bao giờ đã là chủ đề cho rất nhiều giới văn nghệ sĩ, hoạ sĩ, kiến trúc sư... Nó hiện hữu trong những nốt nhạc, những bài thơ khiến những người yêu Hà Nội phải bồi hồi xúc cảm.
Không mê hoặc sao được khi mỗi buổi chiều về, con ngõ nhỏ thành nơi bán những món quà quê ..xen lẫn tiếng đàn guitar, những bản nhạc mà chỉ đi qua thôi cũng để lại nhiều xúc cảm. Nhịp sống hối hả của người dân đất kinh kỳ hiện nay như chậm lại bởi những nét hoài cổ đầy ý nghĩa của con ngõ nhỏ Tạm Thương. Du khách tìm đến đây không chỉ để thưởng thức rượu dân tộc hay món nem rán mang hương vị của mảnh đất kinh kỳ mà còn để ngẫm lại sự đời, tìm lại không gian của Hà Thành một thời xa vắng như trong một vài câu thơ của một nhà thi sĩ ngày trước.
Nếu ngõ Tạm Thương là chốn đi về của giới văn nghệ sĩ thì ngõ Hàng Hành cũng là nơi tìm đến của các mặc khách, tao nhân. Nếu những con phố của Hà Thành ồn ã trong cơ chế thị trường thì ở con ngõ nhỏ này không gian lại tao nhã tĩnh mịch đến kì lạ. Cả con phố thu nép mình trong sự tối thiểu hoá với những quán cà fê dọc hai ven đường với hương vị nồng nàn mà ai một lần đặt chân đến cũng phải ngây ngất.
Đây thường là điểm đến hấp dẫn của du khách sau khi tham quan Hồ Hoàn Kiếm. Ngồi trong quán café, chúng ta vừa có thể thưởng thức hương vị đến đam mê của những giọt café ngọt đắng, vừa có thể chậm chãi ngắm nhìn cuộc sống thường nhật hiếm hoi của người Tràng An, lòng bồi hồi tưởng nhớ lại cái xóm Việt cổ trong lòng đô thị ở con ngõ nhỏ đời người này.
Phố xá nay đã thay da đổi thịt, con ngõ nhỏ Hàng Hành cũng không thể tránh được sự đô thị hoá cả về kiến trúc lẫn lối sống của người dân, nhưng chính sự pha trộn tinh tế giữa cổ kính và hiện đại đã mang lại cho con ngõ nhỏ này sự hấp dẫn của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi: Động mà tĩnh đến kỳ lạ.
Nói đến Hà Nội, người ta thường nhắc đến 36 phố phường nhưng chỉ có những người yêu Hà Nội, sống ở Hà Nội mới thực sự cảm nhận và nhớ đến những con ngõ nhỏ của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến này.
Có những con ngõ nhỏ với những ngành nghề chuyên biệt mà ai đi xa Hà Nội đều bồi hồi nhung nhớ cái nét đẹp bình dị, thân thương. Ở Hà Nội, người ta khó có thể phân biệt chợ nằm trong ngõ hay ngõ nằm trong chợ như ngõ Lao động chuyên bán Rượu mắt ếch, ngõ Hàng Hành chuyên bán càphê, Ngõ Cống Trắng chuyên bán hàng ăn sang....
Hàng trăm con ngõ nhỏ, phố nhỏ nhưng mỗi một con ngõ, một tên phố là một trang sử vàng lưu giữ tinh hoa của Người Hà Nội, khắc sâu vào trong tâm trí của mỗi người cho dù họ chưa từng đặt chân đến. Và đi vào lời ca tiếng hát một cách tự nhiên đến bình dị: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó. Đêm lặng nghe trong gió Tiếng sông Hồng thở than. Những ngày tôi lang thang, Tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội”.
Nhớ về Hà Nội, người ta không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực mà người Hà Nội thường gọi mộc mạc thân thương là “quà”. Xưa nay, Hà Nội vẫn là nơi làm ra nhiều hàng quà vào bậc nhất, và có nhiều món quà ngon vào bậc nhất.
Hà Nội có hàng nghìn thứ quà độc đáo hấp dẫn như thế như phở Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây…đến những món quà bình dị nhưng khó ai có thể quên như cốm Vòng, Bún ốc, bún thang, bánh giò, bánh cuốn…
Người Hà Nội thường ví “phở là người đàn bà đậm đà” với hương sắc thì bún thang là “cô thôn nữ đương thì đỏng đảnh đến khó chiều”. Vì thế, số hàng bún thang ngon có tiếng ở Hà Nội không nhiều như những hàng quà khác. Trên phố Hàng Lược có quán bún thang được nhiều người biết đến. Quán không trang trí kiểu cách mà lại bình dị nhưng hương vị bún thang ở đây thì ít quán nào sánh được. Có được thưởng thức bằng tất cả các giác quan, mới cảm nhận được hương vị Hà Nội xưa, có khi rất lạ nhưng lại rất đỗi thân quen.
Có bao nhiêu thứ quà bán rong khắp các nẻo phố phường, vượt qua mưa gió bốn mùa chia sẻ bao nhiêu nỗi niềm dằn vặt tâm tư nhưng cũng có những món quà chỉ bày bán ở một số địa điểm nhất định như ô mai Hà Nội, ngon nhất chỉ có ở Hàng Đường. Dãy phố cổ về đêm náo nức vị cay của gừng, đằm thắm vị ngọt của cam thảo, khe khẽ mùi chua thanh tao của trái chín và mặn mòi của muối từ biển khơi. Chua – cay - mặn - ngọt như những hương vị của Hà Nội mà ít du khách nào có thể quên.
Bên cạnh Hà Nội phồn hoa luôn hiện hữu một Hà Nội thâm trầm cổ kinh với những nét văn hoá bình dị mà rất đỗi thân thương. Những con ngõ nhỏ, những món quà dung dị, hay những tà áo tha thướt của thiếu nữ Hà Thành, những tiếng rao đêm…luôn chứa đựng những tâm hồn tinh tế. Để lại trong long những người yêu Hà Nội những ấn tượng, cảm xúc khó phai
(Baodatviet.vn)