(VACNE: 25/9/2015) - Đây là sự khẳng định của PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) vào sáng nay (Xin trích đăng toàn văn).
Kính thưa:GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam
Kính thưa các vị khách quý, các thày cô giáo cùng toàn thể các em sinh viên thân mến!
Sự kiện bảo tồn cây di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động là hoạt động hết sức thiết thực và có ý nghĩa trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, khơi dậy và phát huy truyền thống tốt đẹp của người Việt trong việc vun trồng và bảo vệ rừng, bảo vệ cây.
Cụm cây Săng Đào được trồng từ thời kỳ Đại học Đông Dương (thành lập năm 1906), sau này là Đại học Quốc gia Việt Nam, Đại học tổng hợp Hà Nội và nay là ĐHKHTN là quần thể cây có giá trị lịch sử và ý nghĩa to lớn đối với một trường Đại học có bề dày lịch sử. Quần thể Săng Đào đã lớn lên và phát triển cùng với ĐH Đông Dương trước đây,nó là minh chứng cho sự hình thành và phát triển của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường ĐHKHTNngày nay. Cụm thể Săng Đào đã tạo ra khuôn viên xanh, sạch,góp phần làm trong lành môi trường, tạo ra không gian giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học thân thiện với thiên nhiên.
Kính thưa các quy vị đại biểu
Việc cụm cây Săng Đào được vinh danh là cây di sản Việt Nam không chỉ là sự kiện quan trọng, mang lại niềm vinh dự choTrường ĐHKHTN-ĐHQGHN, mà nó còn có ý nghĩa sâu sắc về nhân văn đối với tất cả chúng ta. Qua việc làm này, chúng ta đã thể hiện sự trân trọng và tri ân đối với công lao bảo vệ, chăm sóc của nhân dân, cũng như giảng viên của trường qua các thế hệ đối với những cây di sản này; đồng thời khẳng định: sự kiện bảo tồn Cây Di sản, không chỉ là hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường, mà nó còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Do đó việc tôn vinh vàbảo vệ quần thể Săng Đào là việc làm hết sức thiết thực và đầy ý nghĩa.
Việc vinh danh càng có ý nghĩa hơn nữa khi đây là lần đầu tiên cây di sản được công nhận mà đơn vị chủ quản là một trường Đại học. Sự kiện vinh danh này cũng mang ý nghĩa đặc biệt khi chưa đầy 1 tháng nữa là dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Môi trường – Đơn vị cấp Khoa đầu tiên trong cả nước đào tạo Đại học và sau đại học ngành Môi trường, là một chi hội của Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.
Cuối cùng tôi cũng xin thay mặt Trường ĐHKHTN gửi lời cảm ơn chân thành tới Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã ghi nhận và vinh danh cụm cây di sản của nhà Trường. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết sức để tiếp tục giữ gìn và bảo vệ cụm cây di sản này.
Xin kính chúc sức khỏe quý vị đại biểu. Xin trân trọng cảm ơn./.