quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Sống khỏe nhờ bảo vệ môi trường

Thứ Hai, 10/02/2014 | 07:07:00 AM

Không giống như một số địa phương phó mặc công tác bảo vệ môi trường cho các cấp chính quyền, những người nông dân thôn Bích Trì, xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) đã góp sức giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp. Bà con hiểu rằng, môi trường trong sạch chính là biện pháp hữu hiệu nhất cho sự phát triển kinh tế bền vững.

 
 
 
 
Sản xuất miến dong gắn với 
công tác vệ sinh môi trường tại thôn Bích Trì
 
Phát triển gắn với bảo vệ môi trường
 
Hình ảnh một làng sản xuất miến dong với công nghệ lạc hậu, cũ kỹ, môi trường nặng mùi xú uế nồng nặc, những cống, những rãnh thoát nước đặc quánh chất thải, nước thải đã lùi vào dĩ vãng thay vào đó là một làng Bích Trì hoàn toàn mới. Việc cởi bỏ phương thức làm ăn từ cũ sang mới, từ lạc hậu chuyển sang hiện đại đã tạo điều kiện cho địa phương duy trì và phát triển kinh tế bền vững. 
 
Ông Hoàng Đức Hiền, Chủ tịch Hội CCB xã Liêm Tuyền cho biết: Do nhận thức hạn chế nên những năm trước bà con chỉ quan tâm đến thu nhập của bản thân, còn môi trường thì bỏ ngỏ cho chính quyền địa phương tự xử lý, giải quyết. Năm 2008, dự án "Phát triển bền vững dựa vào cộng đồng khu vực ven đô ở Việt Nam” do Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ đã giúp nhận thức của người dân thay đổi. Theo ông Hiền, việc thay đổi ý thức người dân là cả một quá trình bởi sự bảo thủ, cố chấp của một số người khiến công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn. 
 
Mong muốn giải quyết triệt để vấn đề môi trường, Hội CCB xã Liêm Tuyền đã thành lập nhiều nhóm cộng đồng, trong đó lấy hội viên hội CCB làm nòng cốt, vận động những hộ sản xuất miến dong, những hộ chăn nuôi lợn thịt, sản xuất bún bánh... cùng có trách nhiệm hơn với công tác bảo vệ môi trường. Một trong những hộ đi tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề gắn với sản xuất miến dong truyền thống là gia đình ông Đỗ Văn Siêng. 
 
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Siêng cho hay, trong quá trình sản xuất miến để có được những mẻ miến trắng trong, đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều gia đình không nề hà việc dùng hóa chất tẩy trắng (axit Sunphuric). Sau khi tẩy trắng miến, lượng axit Sunphuric thừa được xả thải trực tiếp xuống ao, hồ, kênh, mương khiến môi trường vốn ô nhiễm nay lại càng ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Nhưng, nhờ cách tuyên truyền, vận động hiệu quả mà ý thức người dân đã thay đổi, thái độ hành xử với môi trường của bà con cũng được nâng lên một bước đáng kể. 
 
Bài học lớn từ mô hình nhỏ
 
Đã qua rồi cái thời người dân cam chịu "sống chung với lũ”, đi đâu cũng bịt mũi, đeo khẩu trang vì ô nhiễm. Hiện nay, cùng với hệ thống xử lý chôn lấp rác thải tập trung địa phương đã giảm tải được một lượng đáng kể rác thải sinh hoạt. Việc thanh lọc, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề sau khi xả ra môi trường bằng việc xử lý theo quy trình, công nghệ vào - ra, tận dụng than hoạt tính, xỉ rắn, cát vàng...đã góp phần hạn chế được những tạp chất đầu tiên, thanh lọc được một lượng chất thải đáng kể. 
 
Nhận định về công tác bảo vệ môi trường tại địa phương, ông Nguyễn Văn Lượng, Phó chủ tịch UBND xã Liêm Tuyền khẳng định: Trong công tác bảo tồn môi trường làng nghề, UBND xã đã ra Nghị quyết với mỗi hộ tham gia kinh doanh, sản xuất các sản phẩm của làng nghề phải tuân thủ những nguyên tắc bảo vệ môi trường, trong đó hàng tháng các hộ phải đóng góp kinh phí để duy trì, bảo vệ môi trường tại địa phương. Nhờ có cách làm khoa học, có chế tài xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm nên rác sinh hoạt trong các thôn không còn ùn tắc, nước thải từ làng nghề, chăn nuôi… cũng được cải thiện rõ rệt, môi trường sống của người dân nông thôn cũng được nâng lên một bước đáng kể. 
 
Ông Trần Đăng Trình, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Hà Nam cho biết: Phát triển ngành nghề nông thôn đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nam. Riêng đối với làng sản xuất miến Bích Trì, cái hay chính là địa phương đã xã hội hóa được công tác bảo vệ môi trường gắn với trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Theo ông Trình, thông thường, nhiều dự án chỉ tính được hiệu quả khi đang triển khai nhưng sau đó nhanh chóng "chết yểu”, tuy nhiên dự án "phát triển bền vững dựa vào cộng đồng khu vực ven đô ở Việt Nam” được triển khai tại thôn Bích Trì thì ngược lại. Dự án "vẫn sống” và hoạt động hiệu quả kể cả khi nhà đầu tư đã rút đi được một thời gian khá dài.
Nhã Phương

(Đ Đ K)


 

Lượt xem: 1448

Các tin khác

Thủ lĩnh sống xanh hướng tới Gen Z

(16/01/2025 09:15:AM)

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

Thanh Hóa nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh

(29/12/2024 08:15:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE