Các cô “tài công” mặc áo bà ba xanh da trời vừa xuống dầm bơi một đỗi, lòng du khách như đã chạm vào không gian yên tĩnh lạ lùng.
Tai có thể nghe được hơi thở của tràm phát ra và len sâu theo từng sớ thịt của đất. Đâu đây tiếng cò con hủ hỉ gọi nhau trên tổ ấm pha trộn những âm thanh trong suốt của những chú chim lạ. Màu sắc thay đổi từng lúc trên thảm bèo tai tượng trải dài ngút mắt trên mặt nước dưới chân rừng tràm, khi thì vàng lơ, khi thì xanh thẳm. Nắng đổ từng ô rớt xuống mặt bèo làm ta cảm giác như có bàn tay người họa sĩ vô hình đang tô vẽ lên bức tranh trước mắt. “Không gian này như trở về đôi ba trăm năm trước của miền Tây thuở mới khai hoang”, một ông khách thốt lên khi đang bơi ngược đường đoàn chúng tôi.
Quả vậy, chỉ cách tỉnh lộ 984 chưa đầy bốn cây số, mà rừng Trà Sư như tách biệt hẳn thế giới bên ngoài và làm cho du khách dễ có cảm nhận như đang sống với ngày xưa. Khu rừng này hiện thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Rừng rộng tới 850 héc ta, có hơn 70 loài chim, đặc biệt có hai loài chim quý hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam là giang sen (Mycteria leucocephala) và điên điển (Anhinga melanogaster). Thú thì có 11 loài, nhiều nhất là các loài gặm nhấm và dơi. Riêng dơi có dơi chó, tai ngắn quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ. Cá, có khoảng 33 loài, gồm lóc, trê, rô sặc, cá trắng, đỏ man, thác lác cườm... Thực vật thì có trên 140 loài.
Nói chung, ở đây không thiếu những loài cá vốn có ở miền Tây Nam bộ trước đây. Trà Sư đúng là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây Nam bộ với nhiều loại động vật, thực vật nguyên sơ sinh sôi và phát triển.
“Khoảng 5 giờ chiều mà bơi xuồng len lỏi theo dòng kinh như thế này thì trên đầu có hàng ngàn cánh chim bay về tổ làm náo nhiệt khu rừng”, cô gái bơi xuồng nói.
Mỗi chiếc xuồng nhỏ chở hai người bơi len lỏi quanh co theo những con kinh, hai bên kinh, tràm mọc chen nhau, thân cây cao từ 5-8 mét, có độ tuổi 10 năm trở lên. Các cô gái vừa làm hướng dẫn viên vừa làm “tài công” bơi xuồng điệu nghệ, lâu lâu dừng lại cho khách “chớp” một vài pô hình độc đáo từ những cánh cò đang xòe rộng và buông chân trong tư thế đáp xuống. Lỡ như khách bấm không kịp, cô gái tiếc rẻ và nói: “Em sẽ dừng xuồng chờ những cánh cò kế tiếp cho anh chộp, anh chuẩn bị sẵn sàng đi”.
“Các anh có thấy rừng tràm nhú đọt đơm bông không?”. Cô gái không đợi mọi người trả lời rồi nói tiếp: “Rừng đang đón mùa nước nổi về đó”. Cô kể, mùa nước nổi, quang cảnh ở đây đẹp hơn, những vạt bèo che kín hết mặt nước, cả lối xuồng đi. Trời vừa rực nắng, bèo như xanh hơn và màu xanh thay đổi từng lúc theo bóng nắng. Cá vào mùa nước nổi làm ổ đẻ trứng sinh con khắp nơi, chim chóc cũng tăng lên theo từng bầy.
Thường mùa nước nổi về từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch; năm nay, có thể về sớm vì ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu nước đang “chụp” một số ruộng lúa vụ ba yếu bờ bao. “Nước nổi cao hơn mực nước này chừng hơn nửa mét, rừng lúc ấy đẹp lắm. Các anh nhớ về chơi một lần cho biết”, cô gái áo bà ba xanh lại nhoẻn miệng cười tươi với khách.
Tôi bâng khuâng với màu xanh, với hương tràm phả xuống suốt dọc đường bơi hơn nửa giờ. Đoàn khách tấp vô bến và đi bộ một khoảng đường đất che khuất bởi những tán tràm giao nhau. Tôi leo lên đài quan sát, nhìn bốn phía rừng tràm lung linh trong nắng, một quang cảnh tuyệt vời.
Bữa cơm rừng trưa hôm đó được nấu với đôi tay khéo léo của chị Tư ở một quán ăn dã chiến. Món ăn dân dã mà ngon quá chừng: lẩu chua lươn, cá rô kho nồi đất, cá lóc nướng trui gói bánh tráng, rau rừng. Bụng đói và hương vị bữa cơm rừng Trà Sư quá tuyệt, lòng người lại như đang mơ màng sống lại với thuở tiền nhân đi mở cõi phương Nam...
Vậy mà giá “tua” vô rừng Trà Sư này chỉ có 50.000 đồng/người dù cho du khách đã được khu rừng tắm gội no nê với tiếng rừng tĩnh mịch luôn thì thầm qua kẻ lá.
Và giờ đây, từ phía thượng nguồn, mùa nước nổi đang bắt đầu ngầu đục đổ về. Chia tay với rừng, lòng du khách càng bồi hồi với những bông tràm trắng nở bung tròn, tỏa hương thơm dìu dịu. Chợt nghe rạo rực với tiếng thì thầm đâu đây trong lòng mạch đất: “Rừng Trà Sư đang chờ đón mùa nước nổi”.