(VACNE) – Đây là nhận định của PGS. Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội BVTN&MT Việt Nam.phụ trách khu vực phía Nam trả lời Báo Đất Việt, về sự kiện 8.000 cotainer rác đang bị ùn ứ tại Tân Cảng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PGS. Phùng Chí Sỹ cho rằng: Dù có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là lỗi của doanh nghiệp. Bởi pháp luật đều có quy định rất cụ thể, chặt chẽ với cả doanh nghiệp được phép nhập khẩu phế liệu và cả các mặt hàng phế liệu nhập về.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp, phải là những doanh nghiệp đạt được các tiêu chí theo Nghị định của Chính phủ mới được nhập phế liệu.
Tiếp theo, quy định với các loại phế liệu được nhập về nước cũng quy định rất rõ về chất lượng, bảo đảm về tiêu chí, tiêu chuẩn mới được xác nhận, cấp chứng nhận thông quan.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trước khi nhập phế liệu phải tham gia đóng một phần đặt cọc, chiếm khoảng 10-15% tổng giá trị lô hàng nhập về", PGS Phùng Chí Sỹ cho biết.
Như vậy, quy định pháp luật rất đầy đủ, chặt chẽ nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao vẫn có hàng nghìn container phế liệu được nhập về mà không thể xuất đi, phải chịu đắp đống tại các cảng, gây ùn ứ, cản trở các hoạt động tại cảng?.
Để trả lời cho câu hỏi trên, PGS Phùng Chí Sỹ cho rằng lỗi là do doanh nghiệp.
"Thứ nhất, là do doanh nghiệp thiếu hiểu biết về pháp luật. Nhiều doanh nghiệp tận dụng mối quan hệ quen biết ở nước ngoài để nhập phế liệu về Việt Nam mà không nắm rõ các quy định về pháp luật.
Đối với các lô hàng này thường là thiếu giấy tờ, xác nhận, không thể làm thủ tục thông quan, không xuất được hàng đi.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp nhập phế liệu nhưng không kiểm soát được chất lượng của loại phế liệu mình nhập về vì thế đã không được thông quan, phải nằm lại cảng.
Theo quy định pháp luật, các mặt hàng phế liệu được nhập về nước phải bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn rất cụ thể. Trong đó, có quy định chặt chẽ về các mặt hàng được phép và không được phép nhập. Kể cả tỷ lệ tạp chất trong phế liệu nhập về cũng được quy định rất cụ thể, ví dụ như nhựa thì không quá 2% tạp chất, sắt thép không quá 5%... Đặc biệt, phế liệu nhập khẩu không được chứa các chất thải công nghiệp nguy hại, gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp vẫn mạo hiểm nhập phế liệu với khối lượng lớn nhưng do không bảo đảm được yêu cầu nên đã bị yêu cầu tái xuất hoặc bị buộc phải tự xử lý.
Trong những trường hợp này, việc xuất đi là rất khó vì không nước nào xuất đi rồi mà lại muốn nhập lại. Trong khi đó, thuê các đơn vị xử lý thì nguy cơ tốn kém, mất thêm tiền là rất lớn... Vì thế, nhiều doanh nghiệp chấp nhận "bỏ của chạy lấy người", vứt lại hàng mà không muốn mất thêm tiền xử lý", PGS Phùng Chí Sỹ phân tích.
Vị chuyên gia cũng cho biết, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa phế liệu nhập về Việt Nam hiện cũng gặp nhiều khó khăn do, chất lượng nguồn hàng từ nước ngoài hoàn toàn thụ động, phụ thuộc vào doanh nghiệp và phía bên xuất đi.
Trong khi, tàu về nước là cập cảng, không có đơn vị, cơ quan nào quản lý, kiểm tra trước khi cho tàu vào cảng. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp khai là sắt nhưng kiểm tra container lại là nhôm, là thiếc hoặc là rác thải... rất khó. Vì thế mới có chuyện, khi bị kiểm tra, thấy hàng không bảo đảm, tiền phạt còn lớn hơn tiền hàng thì chủ tàu đã bỏ lại hàng trốn mất.
"Ở góc độ này phải nói rằng, do doanh nghiệp Việt tham lam và thiếu ý thức trách nhiệm. Điều này cũng gây lo ngại về những nguy cơ lợi dụng kẽ hở nhập khẩu rác phế liệu hóa học nguy hại, gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người". vị chuyên gia cảnh báo.
Rác phế liệu tồn đọng ở cảng Cát Lái
Phải bỏ ngân sách xử lý
Vấn đề cấp bách hiện nay là phải giải phóng được gần 8.000 container đang bị tắc nghẽn, trả lại mặt bằng cho Tân cảng Cát Lái tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, PGS.TS Phùng Chí Sỹ cũng chỉ ra một thực tế rằng, việc tái xuất là vô cùng khó khăn vì không quốc gia nào dễ dàng cho phép nhập khẩu chất thải phế liệu vào nước họ cả.
Vì thế, việc xử lý phải xuất phát từ sự chủ động trong nước, không thể chờ đợi, phụ thuộc vào nước thứ ba.
"Bây giờ nhà nước phải làm. Cách tốt nhất là phải phân loại từng lô hàng, lô nào có giấy phép, đủ tiêu chuẩn để tái xuất hoặc đưa vào sản xuất, lô nào không đủ tiêu chuẩn, không có giấy tờ phải xử lý, tiêu hủy. Như vậy, lại có mấy vấn đề sau:
Một, đối với những container có đủ giấy tờ, biết rõ các chủ hàng và nguồn gốc phế liệu nhập về thì bổ sung giấy tờ cho doanh nghiệp lấy hàng, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ chi phí lưu kho, lưu bãi.
Hai, với những chủ hàng đã đặt cọc nhưng không chịu lấy hàng. Nếu quá thời hạn lưu kho, lưu bãi nhà nước có thể trích tiền phạt trực tiếp từ số tiền đặt cọc của doanh nghiệp để xử phạt với lô hàng đó.
Ba, với những chủ hàng chấp nhận "bỏ của chạy lấy người", thì tổ chức đấu thầu bán thanh lý. Số không bán được nhà nước phải tự bỏ tiền ra để xử lý, tiêu hủy.
"Do không thể ngăn chặn ngay từ đầu, để doanh nghiệp nhập về thì bây giờ nhà nước phải chấp nhận bỏ tiền để xử lý thôi, không còn cách nào khác", PGS Phùng Chí Sỹ nói.