Du khách trao đổi về quy trình sản xuất sản phẩm tái chế tại cửa hàng Refillables (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An). Ảnh: Vĩnh Lộc
Biến rác thải thành tài nguyên
Hơn 130 sản phẩm tái chế sinh học được bày bán tại cửa hàng Refillables (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) đã mang đến cho khách nhiều bất ngờ thú vị về… rác. Bằng cách tận dụng, chế biến các loại thức ăn, hoa quả, dầu ăn, xà phòng thừa, vải bỏ đi…, chủ nhân cửa hàng đã biến những thứ tưởng chừng vô dụng trở thành hữu ích như xà phòng, nước lau nhà, nước rửa chén, túi xách, kể cả tinh chế tinh dầu từ các loại cây, hoa quả địa phương.
Bà Phan Thị Kim Cương hoạt động trong một tổ chức xã hội đến từ Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ, bà thật sự bất ngờ khi biết rác thải và thức ăn thừa cũng có thể trở thành tài nguyên giá trị. “Tại Côn Đảo chúng tôi hướng đến mục tiêu nói không với rác, dù có chuyển biến tích cực nhưng để biến rác thải trở thành tài nguyên có ích là điều chúng tôi chưa thể thực hiện được nhiều” - bà Cương nói.
Du khách cảm nhận mùi thơm từ xà phòng tái chế. Ảnh: Vĩnh Lộc
TP.Hội An ngày càng xuất hiện nhiều mô hình tái chế rác thải, dù phần lớn quy mô nhỏ nhưng sự lan tỏa ngày càng rộng khắp, không chỉ trong các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp mà còn thu hút sự quan tâm hưởng ứng của cộng đồng người dân. Theo bà Vũ Mỹ Hạnh - thành viên nhóm Green Youth Collective, đã đến lúc nhìn rác ở góc độ tích cực chứ không chỉ là câu chuyện phiền toái. Trong đó, giải pháp phù hợp nhất chính là thúc đẩy vòng tuần hoàn của rác, biến rác thải trở thành nguồn lực mới.
“Thay vì dồn nguồn lực và tập trung vào việc phân loại rác, hạn chế rác thì chúng ta hãy tập trung vào câu chuyện hoàn thiện các giải pháp và cung cấp các giải pháp xử lý rác thải. Tổ chức các cuộc gặp gỡ chia sẻ miễn phí kinh nghiệm xử lý rác thải. Đặc biệt, xây dựng các mô hình du lịch nuôi dưỡng lại hệ sinh thái. Đó cũng là cách lan tỏa và nâng cao trách nhiệm xã hội” - bà Hạnh phân tích.
Trong suốt chương trình tour, bà Vũ Mỹ Hạnh đóng vai trò như một thuyết minh viên truyền đạt những kinh nghiệm và giải pháp quản lý, xử lý rác thải tại các mô hình thực tế ở Hội An theo hướng có lợi và hiệu quả nhất.
Du lịch trách nhiệm
Đoàn khách WWF phần lớn là người làm chuyên môn đến từ 10 tỉnh, thành trong cả nước: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Long An... Chuyến tham quan là hoạt động trải nghiệm thực tế về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa tại Hội An.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh - thành viên đoàn cho biết, chương trình đã mang đến những góc nhìn mới mẻ về giải pháp mà những người làm trong lĩnh vực môi trường như bà còn thiếu. “Hiện nay rất nhiều địa phương đều gặp chung một vấn đề là thách thức về quản lý rác thải. Vì vậy thông qua tour du lịch trải nghiệm và tiếp cận các hệ thống giải pháp sẽ giúp chúng tôi biết thêm giải pháp giúp giải quyết một phần những khó khăn, giảm được các áp lực xử lý rác thải trên hệ thống dịch vụ công” - bà Quỳnh nhìn nhận.
Tour trải nghiệm về xử lý rác thải mang đến nhiều cảm nhận mới cho du khách về loại hình du lịch này. Ảnh: Vĩnh Lộc
Phần lớn thành viên đoàn tham dự tour trải nghiệm đều cho biết, sau chuyến tham quan đã học hỏi được những giá trị cốt lõi để mang về áp dụng tại địa phương. Đặc biệt, thông qua chuyến đi đã giúp du khách tìm kiếm giải pháp mới dựa trên các mô hình trải nghiệm, đây cũng là cách nâng cao nhận thức công chúng, cộng đồng.
Thực tế, việc tổ chức các tour du lịch trách nhiệm đã được nhiều công ty lữ hành thực hiện, nhưng biến quy trình xử lý rác hữu cơ thành một chương trình tham quan hoàn hảo thì đây là lần đầu tiên xuất hiện tại Hội An.
Theo ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty Du lịch Emic Travel, sau thiên tai, dịch bệnh, việc định hình lại các sản phẩm du lịch dựa trên xu hướng tái tạo tài nguyên trở nên hết sức quan trọng. Trong đó, biến quy trình xử lý rác thải trở thành một sản phẩm du lịch chính là một trong những cách đi mới của công ty. Và, Emic Travel trở thành đơn vị tiên phong, duy nhất hiện nay tại Hội An triển khai loại hình du lịch phục hồi tài nguyên thông qua việc giới thiệu đến khách các mô hình thực tế và sản phẩm được tái chế từ rác, hướng đến mục tiêu lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững.
Du lịch trải nghiệm phục hồi tài nguyên không chỉ giúp mang đến sự đa dạng sản phẩm mà còn hướng đến thay đổi nhận thức du khách về phát triển bền vững. Ảnh: Vĩnh Lộc
“Chúng tôi hiện có 5 tour du lịch liên quan đến môi trường và trách nhiệm với cộng đồng, gồm tour “Xà phòng hy vọng”, “Vải cho cuộc sống”, “Ủ phân compost”, “Trồng sậy và ống hút sậy”, “Ươm cây thảo dược”, du khách sẽ cùng tham gia vào các mô hình này. Đây không đơn thuần chỉ là một trải nghiệm du lịch mà còn hướng đến mục tiêu nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường. Đặc biệt thay đổi quan điểm nhận thức về du lịch lâu nay không chỉ là nghỉ dưỡng hưởng thụ, mà du khách sẽ học được điều gì sau mỗi chuyến đi, nhất là trong việc bảo tồn và phục hồi tài nguyên” - ông Hà chia sẻ.
Vĩnh Lộc