quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Quán vắng

Thứ Tư, 20/07/2011 | 04:37:00 PM

Chà chà, Đang làm thơ à? hôm nay có vẻ nhàn rỗi quá nhỉ?

Phó Hội Viên – VACNE
 
       Tiếng một ông cao lớn mặc quần soóc lửng rằn ri bước vào Quán cà phê, làm ông chủ như bừng tỉnh, khi đang lúi húi cạnh quầy. Với khuôn mặt tròn như nõ điếu và cái khăn vắt qua vai tỏ ra khá sành điệu, ông chủ Quán cười cười buông một câu, vừa như trả lời, vừa như mời khá nhã nhặn:
-         Dạ! lâu lắm mới thấy bác đến, Có gì đâu ạ, cái khoản thơ thẩn, phải hỏi các lão làng của em. Các vị đó mà ngồi ở đây, cao hứng là có thơ ngay. Nhưng đôi lúc các vị tụt hứng vẫn có thơ, thậm chí còn là thơ hay nữa mới lạ chứ, bác ạ. Có lẽ cái khó ló cái khôn mà.
-         Dạo này còn cà phê G151 không đấy?



Ông chủ quán ngơ ngác: Bác hỏi sao ạ, làm gì có G151 ?. Vừa cười xòa vừa giải thích: Sao bảo, thế giới vừa xuất hiện thêm quốc gia Nam Xuđan gì đó, thì phải có cà phê G151 chứ.
-         Bác cứ hay đùa dai, G150 là thương hiệu cà phê Quán nhà em, làm sao gắn được với những chuyện to tát của thế giới hả bác. Ai còn lạ gì? chỉ có môi trường của các bác là sâu rộng, dính dáng tùm lum với mọi người, mọi chuyện mà thôi.
Vừa hay, mấy vị khách quen nữa ghé Quán. Có lẽ họ hẹn nhau từ trước, nên lừ lừ kéo vào. Chẳng ai chào ai, nhưng cùng lẳng lặng kéo đến cái bàn cạnh cửa sổ nhìn ra hồ nước, lẳng lặng xoay xoay cái đĩa có bông hoa dại bồng bềnh mặt nước cạn. Chủ Quán cũng rón rén và lặng lẽ đưa tới 3 ly cà phê G150 đặt trước mặt từng vị khách. Vẻ từ tốn, nhưng ông khách đeo cặp kính dày bỗng thốt lên như bật lò so:
-         Tôi đã nhắc rồi, các ông cứ sôi sùng sục lên vì chuyện Biển Đông, nhưng đâu sẽ có đó. Thời buổi này dễ thường bắt nạt được nhau?. Hôm nay Quán vắng vẻ, tôi đề nghị bỏ qua chuyện “bí mật” thả Rùa Hồ Gươm và chuyện Báo cáo đánh giá tác động môi trường 2 dự án thủy điện lấy đất rừng Cát Tiên đang ồn ào mấy hôm nay, mà ta nên thảo luận nghiêm túc Kiến nghị của 20 ông bà nhân sỹ gần đây nhé?
-         To tát quá, chúng ta toàn loại thấp bé, nhẹ cân làm sao dám bàn chuyện động giời như thế. Ông trẻ nhất vội xen vào. Đành là chuyện liên quan đến tất cả mọi người, nhưng không phải cứ liên quan đến tất cả thì ai cũng nói tất cả. Chẳng lẽ,  người nhà ông đang hấp hối trên gường bệnh, tất cả họ hàng, con cháu đều giơ tay biểu quyết để bác sĩ có mổ hay không à? Hoặc là mọi người cùng ầm ầm góp ý, căn dặn y tá phải chăm sóc, băng bó thế này thế kia. Hoặc là cùng khóc lóc, mới thể hiện sự quan tâm?. Quan điểm của tôi là, nhà có chuyện lớn, tất cả phải bình tĩnh xem xét. Phán quyết đúng đắn, có khi chỉ cần dựa vào một vài chi tiết liên quan đến kiến nghị của họ. Đừng nghĩ chi tiết là không quan trọng đấy. Ông này kết luận.
-         Đúng rồi. Vị ngồi cạnh chủ quán lên tiếng. Tôi mạo muội thảo luận thế này. Là người yêu nước, ta phải lo giữ gìn đất nước. Đầy là thiêng liêng nhất. Người Paletxtin mấy chục năm dòng hy sinh tất cả để đòi lấy miếng đất chôn nhau cắt rốn. Ai đến Xit- ni, Canbera bên Úc mà không thấy một cái lán của người thổ dân, thực ra là người bản địa cắm giữa thành phố để giữ đất tổ tiên. Rồi lời nguyền của người da đỏ châu Mỹ.
Vị này say sưa. Khi bị chủ Quán vô phép ngắt lời, “Bác đi thẳng vào vấn đề đi”, ông khách bỗng “Hừm” một tiếng và tỏ vẻ khó chịu, song vẫn say sưa: về chuyện “Xâm lăng” theo kiểu chủ nghĩa thực dân cũ mà nhiều người vẫn hình dung đã xa rồi. Cần tư duy sát thực hơn: mấy nhúm người nhập cư, hoặc vài mảnh đất thuê “làm dự án” thì “xâm lược” được gì.
Không chủ quan, nhưng cần hiểu rõ hơn chiến lược chiến thuật của họ để mà đối phó cho hiệu quả. Đúng không nào?
Lúc này ông khách cao lớn mặc quần soóc lửng rằn ri kéo ghế ngồi cùng và lên tiếng:
-         Tôi thấy cách suy nghĩ của anh rất đáng được trao đổi. Đọc bài giới thiệu cuốn sách “Mỹ sẽ chết dưới tay Trung Quốc” đăng trên Tản mạn Môi trường của VACNE, tôi thấy rợn cả người. Lắm người trong chúng ta còn suy nghĩ đơn giản lắm. Trong 5 lý do về tài nguyên môi trường, mà các tác giả đã nêu, để nước Mỹ (và cả Thế giới) phải coi chừng, tôi thấy lý do nào cũng thuyết phục.
-         Rất hay. Ông đeo cặp kính dầy tiếp lời. Tôi nhớ cuốn sách đó đưa ra hàng loạt dẫn chứng về hàng hóa rẻ nhưng hủy hoại môi trường, vừa độc hại vừa nguy hiểm như melamine trong sữa, quần áo cho trẻ em dễ bốc cháy, thuốc aspirin chứa độc tố, thuốc lipitor và viagra giả, chất arsenic trong nước ngọt, chì trong trà, nôi em bé chỉ dùng vài lần là gãy thành khiến nhiều em bị ngã gãy cổ, điện thoại di động phát nổ, đồ nhựa chứa độc tố, ghế sofar bị xịt đầy chất “dimethyl fumarate” gây bệnh ngứa ngoài kinh niên, những món ăn chứa đầy chì, vòng đeo cổ và đồ chơi gây khó thở…
-         Nghe nói 2 tác giả cuốn sách này đã đi khắp các miền của nước kia trong 2 năm để thu thập tư liệu đấy.
Ông Chủ Quán xen vào. Anh trẻ nhất dè dặt tham gia, chắc còn e ngại các vị khách cao niên hơn.
-         Tôi biết, vũ khí quan trọng trong chính sách của họ là việc mà hai tác giả gọi là “xâm lăng” hay “chiếm lĩnh thuộc địa” bằng cách lạm dụng tự do mậu dịch để giành lấy tài nguyên của các quốc gia đang phát triển. Đấy, xâm lược bây giờ nên hiểu theo cách đó. Cuốn sách chỉ rõ, một ông Khách bụng phệ, mang ngân phiếu đến một quốc gia hoặc 1 vùng nghèo khó nào đó và hứa sẽ cho người dân nơi đây vay một khoản tiền khổng lồ với tiền lời rẻ mạt để “giúp” xây cất đường xá, hay canh tân quân đội. Đổi lại, họ chỉ cần hai điều “rất nhỏ” là trao hết cho họ quyền khai thác tài nguyên và quyền bán những sản phẩm được chế tạo bởi chính những tài nguyên đó.
-         Ái chà, thế thì còn gì là chủ quyền nữa. Thế thì giữ được đất đai nhưng khác gì đi trông nhà không công cho người khác. Bác lớn tuổi nhất chốt lại.
Không khí chầm hẳn xuống . Quán đã vắng càng như vắng hơn. Cà phê G-150 hay G-151 cũng vậy thôi, chẳng còn tý khói nào. Cơn gió nhẹ cuối hè đầu thu vô tình thổi tới. Chủ Quán nhanh nhảu:
-         Đấy là Tây họ nghiên cứu rồi kết luận phải không ạ. Ghê thật nhỉ.
-         Đúng, Bác lớn tuổi lại nói. Nhưng không phải không có lối thoát đâu. Họ nói lối thoát là ở từng người lãnh đạo và từng người dân.
Ông có cặp kính dầy lại gõ gõ ngón tay xuống bàn như một thói quen khi suy nghĩ. Rồi nhìn thẳng vào những người xung quanh, ánh kính lóe lên, ông phán:
-         Nói thật nhé. Trong các thành phố lớn hoặc trung bình trên thế giới đều có thành phố nhỏ, chí ít cũng là khu hoặc dãy phố nhỏ của họ, của đội quân thứ 5 thứ 6 gì đó theo cách họ gọi. Đội quân này như tôi nghe được, có cả trăm triệu người chứ không ít đâu. Lại nghe nói, ở một vài bang nào đó bên Châu Mỹ, 1/3 diện tích đất đai đã bị họ thuê dài hạn rồi. Cũng lại làm sân gôn là chính, một năm các ông chủ khệ nệ thăm viếng 1-2 lần, mời đông đủ các quan chức trung ương và địa phương bản xứ đến vui vẻ vài ngày. Tức là muốn khẳng định đất này tôi thuê rồi nhé.
-         Thôi mà, nếu nói chuyện kiểu này thì dài lắm và xa môi trường quá rồi. Ta quay lại chuyện liệu có lối thoát nào không khi nãy đi. Một vị điều chỉnh.
-         Vâng đúng đấy, là thế nào, bác nói tiếp đi, về người dân ấy. Vị khách trẻ tuổi nhất đặt câu hỏi.
-         Họ nói thế này. Nếu người dân nào cũng thích dùng hàng giá rẻ của quốc gia kia thì không có cách nào bảo đảm được sức khỏe con người và bảo vệ được môi trường đâu. Tỉnh ra đi, nhận thức lại đi và thay đổi ngay “thói quen chết người”đó đi.
-         Còn người lãnh đạo thì sao ạ. Vị khách trẻ lại vội vã hỏi.
-         Họ chỉ dám kiến nghị các nhà lãnh đạo chính trị và các tướng lĩnh quân sự nên đọc ngay cuốn sách này, cuốn “Death by China – Confronting the Dragon – A Global Call to Action”.
Mấy vị khách và cả Chủ Quán đều tin rằng đấy không phải là chiêu quảng cáo cho cuốn sách kia, nhưng dù sao cũng chỉ là cuốn sách.
 Buổi chia tay trong Quán vắng hôm nay khác hẳn mọi khi. Mỗi người đang có suy nghĩ của riêng mình. Có lẽ hơi vượt khỏi khuôn khổ môi trường một chút, nhưng có sao đâu, chỗ nào chẳng có môi trường. Biết đâu đây chính là một nội dung của an ninh môi trường. Ai cũng mong có nhiều người dân làm như trên, nhiều nhà lãnh đạo chính trị và quân sự đọc tài liệu vừa dẫn và ngộ ra sự việc, và nhiều quốc gia cùng hành động. Thế là may lắm rồi.
 
 
Tháng 7/2011
 
 

Lượt xem: 1694

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE