(VACNE) - Chỉ 2 ngày khảo sát bờ biển tôi cũng cảm nhận vẻ đẹp của nhiều bãi biển, của biển khơi vào lúc bình minh và hoàng hôn vẻ đẹp lấp lánh của cảnh đánh cá ven bờ vào ban sáng, vẻ lãng mạn của cảnh câu mực vào ban đêm.
Ghi chép qua ảnh tự chụp: Lê Tự Trình
2. Biển Phú Quốc
Theo tài liệu khoa học: “biển Phú Quốc rất đa dạng với gần 100 loài san hô cứng, gần 20 loài san hô mềm và 62 loài rong biển. khu hệ cá cũng rất dồi dào nơi đây có tới 152 loài cá thuộc 71 giống và 31 họ, trong đó các họ cá có giá trị kinh tế cao như cá mú 13 loài, cá mó 11 loài, cá dìa 8 loài, 7 loài cá hồng, 8 loài cá đổn. Đặc biệt tại vùng biển này ghi nhận có sự xuất hiện của những loài nằm trong danh mục bị đe dọa tuyệt chủng như bò biển, rùa biển, cá heo…” Chỉ 2 ngày khảo sát bờ biển tôi cũng cảm nhận vẻ đẹp của nhiều bãi biển (ảnh 9,10,11), của biển khơi vào lúc bình minh và hoàng hôn (ảnh 12) vẻ đẹp lấp lánh của cảnh đánh cá ven bờ vào ban sáng, vẻ lãng mạn của cảnh câu mực vào ban đêm. Tuy nhiên các nguy cơ tiềm ẩn cho môi trường ven đảo cũng dễ nhận ra.
9. Bãi Thơm (cực Đông Bắc đảo) 10. Bãi Gành Dầu (cực Tây Bắc đảo)
11. Bãi tắm tại Resort “the Shell” bờ Tây đảo 12. Hoàng hôn trên biển Tây (vịnh Thái Lan)
a. Nước thải, chất thải hầu như chưa được xử lý hoặc xử lý qua bể tự hoại từ bến cảng (ảnh 13), nhà hàng (ảnh 14), khách sạn, khu dân cư: đổ thẳng vào sông, suối và biển. Đây là nguồn ô nhiễm lớn đến nỗi nước ven bờ khu trung tâm thị trấn Dương Đông có lẫn rác, màu đục và ít ai dám tắm.
13. Nguồn nước ô nhiễm từ cảng cá Dương Đông theo sông ra biển 14. Chất thải từ nhà hàng ở Hàm Ninh (và các nơi khác) đổ thẳng xuống biển.
b. Đánh bắt thủy sinh quý hiếm
Cũng như ở phần lớn các vùng biển, hải đảo ở nước ta ở Phú Quốc việc đánh bắt các loài thủy sinh quý thuôc Sách Đỏ Việt Nam vẫn luôn xảy ra. Ở mọi điểm du lịch trên đảo đều có hàng quán bán các loài “bổ thận tráng dương”: cá ngựa, hải long, rắn biển…(ảnh 15); các loài sinh vật cảnh: san hô; trong nhiều khách sạn còn treo các tiêu bản đồi mồi, rùa biển. Bò biển (nàng tiên cá: Dugong dugong) tại đây và Côn Đảo bị truy sát đến mức Tổ chức “Wildlife At Risk” phải làm ápphích: “Để truyền thuyết còn mãi: xin đừng ăn thịt nàng! Save Dugong – Keep the Legend Alive!”(ảnh 16). Thương thay cho số phận loài quý hiếm!
15. Cá ngựa được bán khắp các chợ trên đảo 16. Ápphích này được treo trong nhà hàng Song Lê – xã Hàm Ninh ở bờ Đông.
3. Điểm sáng môi trường
Đến Phú Quốc trong năm nay và vài năm tới thực ra bạn vẫn còn được hưởng thụ môi trường trong lành, các hệ sinh thái trên cạn, dưới nước vẫn còn đa dạng, rừng trên đảo còn nguyên sinh và con người bản địa Phú Quốc hiền hòa, chân thực. Bạn có thể đi bộ, đi xe đạp, xe máy theo đường mòn xuyên rừng rậm hàng chục Km không gặp bóng nhà, nhưng luôn có cảm giác an toàn. Ngay cả trong thị trấn: bạn có thể để xe máy trước cửa hàng, trước nhà nghỉ mà không cần phải khóa, trong thôn ấp: ban đêm nhà không cần khóa cổng. Không có hiện tượng ăn xin, chèo kéo khách du lịch, không có hàng rong trên bãi biển. Móc túi, cướp giật, án mạng có lẽ là các tệ nạn rất hiếm thấy trên đảo. Không rõ đến năm 2020 - 2030 khi số dân tăng gấp 3 hiện nay với đủ loại thành phần từ các vùng miền thì Phú Quốc có còn an toàn, thân thiện như ngày nay?
Phú Quốc đang có không ít điểm sáng về BVMT: VQG hàng ngày được anh em kiểm lâm tận tụy bảo vệ. Tôi đã hỏi chuyện một số nhân viên kiểm lâm: họ tỏ ra tự hào về nghề nghiệp, hiểu biết về sinh thái và hài lòng về nhiệm vụ, dù cuộc sống trong rừng gian khổ nhưng không so bì với dân du lịch tiêu tiền trong các resort. Đặc biệt hơn: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc mới xây tại xã Dương Tơ (ảnh 17) với sự chỉ đạo của ACV đã và đang làm tốt nhiệm vụ BVMT: từ lập báo cáo ĐTM, tự giác thực hiện quan trắc môi trường liên tục từ khi xây dựng đến cả quá trình vận hành và xây dựng vận hành trạm xử lý nước thải với công nghệ phù hợp, đạt yêu cầu của QCVN (hình 18). Toàn bộ khu vực cảng từ bên ngoài vào bên trong đều sạch sẽ, văn minh, tạo cảm giác an toàn, thoải mái cho khách. Cũng như các CHK khác, CHK Phú Quốc sẽ còn tiếp tục quan trắc môi trường, lập bản đồ phân vùng ô nhiễm do tiếng ồn theo quy định ICAO dưới sự chỉ đạo của ACV. Hiện trạng môi trường và đánh giá hậu thẩm các công trình BVMT của CHK đã được Bộ GTVT (Vụ Môi trường và Cục Hàng không) thực hiện nghiêm túc (ảnh 19).
17. Đường vào Cảng hàng không QT Phú Quốc 18. Trạm xử lý nước thải của CHK
19. Hội đồng của Bộ GTVT (Trưởng Đoàn: Nguyễn Thu Hằng, Vụ phó vụ Môi trường) hậu thẩm các công trình BVMT tại CHK Phú Quốc (29/5/2014). 20. Cây “huyền bí” trong khu vực CHK Phú Quốc.
4. Lời kết
Phú Quốc – đảo Ngọc đang trên đường đô thị hóa, hiện đại hóa theo định hướng của Quy hoạch phát triển KT-XH đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt. Tranh chấp, mâu thuẫn giữa bảo tồn thiên nhiên và tăng trưởng kinh tế luôn xảy ra ở các tỉnh thành cả nước, nhất là ở các vùng biển, vùng rừng. Tuy nhiên nếu ngành quy hoạch “tha” cho diện tích rừng của VQG Phú Quốc đừng lập các khu dân cư, đô thị, công trình du lịch, đường cao tốc xâm phạm vào rừng; nếu chính quyền TW và địa phương hiểu thấu giá trị của VQG và tài nguyên biển đối với cuộc sống và ngành du lịch để không phê duyệt các dự án trong vùng bảo tồn; nếu các chủ đầu tư (như đại gia VINCOM) cũng lập báo cáo cáo ĐTM, quan trắc môi trường thường xuyên, xây dựng, vận hành các công trình BVMT đạt yêu cầu như CHK Phú Quốc và nếu Bộ TNMT, Sở TNMT, Sở NN-PTNT Kiên Giang, Phòng TNMT Phú Quốc chú trọng quản lý chặt tài nguyên sinh thái, kiểm soát ô nhiễm môi trường trên cạn, dưới nước thì “các sát thủ tiềm ẩn” được xác định ở trên sẽ có thể không trở thành nguy cơ thực sự đối với môi trường tự nhiên và xã hội của KKT tầm cỡ quốc gia và khu vực này. Khi đó ta có thể nói đến “phát triển Xanh”, “phát triển thông minh”, “phát triển bền vững” KKT Phú Quốc mà không phải ngập ngừng.
Phú Quốc 29/5/2014; TP Hồ Chí Minh 31/5/2014
L.T. Trình
Viện Khoa học Môi trường và Phát triển (VESDEC)