quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Phong tục mới: trồng 'cây hạnh phúc'

Thứ Ba, 04/05/2010 | 06:26:00 AM

Phạm Hồng Điệp khởi nghiệp từ nghề đồng nát với việc tháo dỡ sắt vụn trên những con tàu nát rồi trở thành chủ một thương hiệu nổi tiếng của ngành thiết kế nội thất tàu thủy. Anh vừa là chủ nhân một khu công nghiệp (KCN) rộng 475 héc ta vừa là Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ TP Hải Phòng.

 

Các công nhân trẻ của Vinashin Shinec đang sản xuất ghế xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: Phong Cầm

Từ ý tưởng trồng cây hạnh phúc

Anh giản dị đến mức tôi không nghĩ anh là Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hải Phòng với 500 thành viên. Điệp nói, để thành danh, ai chẳng phải trải qua những năm tháng mồ hôi, nước mắt.

Đi lên từ nghề đồng nát và nay là Chủ tịch HĐQT Cty Vinashin Shinec, Phạm Hồng Điệp được biết đến là một trong những doanh nhân thành danh nhất đất Cảng nhờ triết lý kinh doanh gắn với nền tảng thân thiện với môi trường. Cũng từ đó, anh đã triển khai một ý tưởng đầy tính nhân văn - trồng cây hạnh phúc.

Cây hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ Lâm Hoàng Thái và Hoàng Thị Bích Thủy. Ảnh: Phong Cầm

Trước khi đưa ra ý tưởng này, Điệp ẵm ba giải nhất liên tiếp trong ba năm của Bộ TN&MT về cuộc thi viết bảo vệ môi trường. Anh lý giải: Việt Nam trước đây đã có hương ước của làng, quy định nhiều vấn đề của đời sống.

Chẳng hạn, khi người con gái đi lấy chồng thì đóng góp gạch xây đường làng. Ngày nay, hương ước cũng có thể đưa thêm vào nội dung bảo vệ môi trường. Theo đó, mỗi cặp vợ chồng mới cưới phải trồng một cây xanh.

Để thực hiện ý tưởng, anh bắt đầu triển khai trong Cty. Mỗi cán bộ công nhân viên của Vinashin Shinec, khi lập gia đình đều phải trồng một cây xanh trong khuôn viên nhà máy, và chịu trách nhiệm chăm sóc cây xanh tốt. Để ghi danh, Cty cho làm một tấm biển treo vào cây và gọi đó là cây hạnh phúc. Sau một thời gian áp dụng phong tục này, khuôn viên các nhà máy thuộc Vinashin Shinec tràn ngập một màu xanh.

Chị Hoàng Thị Bích Thủy, gắn bó với Cty đã vài năm. Trước khi cưới, chị và hôn phu - anh Lâm Hoàng Thái - đến khuôn viên Cty trồng cây hạnh phúc của mình. Cây cau sau một thời gian được hai vợ chồng chăm sóc nay đã vươn cao, tươi tốt.

Chị tâm sự: Việc trồng cây vừa góp phần cho khuôn viên Cty anh sạch đẹp vừa thể hiện sự gắn bó lâu dài giữa người lao động với Cty. “Mỗi lao động khi lập gia đình phải trồng một cây xanh là việc làm rất ý nghĩa. Để cuộc sống tốt đẹp hơn, ai cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường nơi mình sống và làm việc” - Chị Thủy nói. 

Anh Phạm Hồng Điệp

Đến mô hình KCN sinh thái

Vinashin Shinec hiện là chủ đầu tư của KCN Nam Cầu Kiền, vừa được Thủ tướng phê duyệt 475 héc ta, trải rộng trên 4 xã của huyện Thủy Nguyên. Những ngày đầu thành lập, chủ trương anh Điệp đưa ra là phải xây dựng một KCN sinh thái, nhấn mạnh yếu tố bảo vệ môi trường.

Theo anh Điệp, từ trước đến nay, mô hình KCN chỉ có nhà máy mà không có các khu dịch vụ hậu cần, khu công cộng. KCN Nam Cầu Kiền có hẳn khu công cộng, trong đó có sinh hoạt xã hội, sinh hoạt cộng đồng, có siêu thị để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm.

Vinashin Shinec hiện có 6 đơn vị thành viên, chuyên làm đồ nội thất cao cấp xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ... Hiện, toàn Cty có hơn 1.000 cán bộ công nhân viên; trong đó, lao động trẻ chiếm hơn 85%.
Trong KCN cũng sẽ có đường vinh danh. Theo đó, mỗi giám đốc doanh nghiệp đầu tư vào KCN sẽ được in hai bàn tay và chữ ký của mình lên một viên gạch bằng đồng. Ngoài ra, khu hậu cần còn có hệ thống nhà trẻ, bệnh xá, khu nhà ở chuyên gia, bể bơi, sân tennis...

Đáng chú ý, tất cả hàng rào của các nhà máy trong KCN đều phải trồng cây xanh chứ không xây tường bê tông kiên cố. Trong KCN có một công viên rộng 24 héc ta, được đa dạng hóa về sinh học theo ý tưởng của vườn hoa Keukenhof (Hà Lan). Nhìn tổng thể, sau khi hoàn thành, KCN này sẽ phủ toàn màu xanh, thay đổi quan niệm về các KCN truyền thống.

Để đầu tư xây dựng nhà máy trong khuôn viên KCN, các nhà đầu tư sẽ được lựa chọn chặt chẽ về lĩnh vực sản xuất. Mới đây, có hàng chục đoàn doanh nghiệp từ Trung Quốc sang tìm hiểu cơ hội đầu tư nhưng bị từ chối vì họ muốn làm về mạ, nhuộm - những ngành công nghiệp gây ô nhiễm. KCN Nam Cầu Kiền cũng sẽ xây dựng thêm các nhà máy xử lý chất thải rắn, lỏng. Hiện, có 12 nhà đầu tư về xử lý rác thải đang muốn đầu tư vào KCN này.

Anh Điệp cho rằng, nhà đầu tư nào cũng muốn giảm chi phí đầu tư, nhưng nếu thấy mình làm tốt, họ sẽ lựa chọn dù chi phí cao hơn các KCN khác. “Bài học thành công của KCN Việt Nam - Singapore chính là minh chứng cho điều này và chắc chắn trong tương lai, KCN Nam Cầu Kiền cũng sẽ thành công như thế” - Anh Điệp nói.

Phong Cầm

(Tieenf Phong, 3/5/2010)

Lượt xem: 2411

Các tin khác

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

Thanh Hóa nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh

(29/12/2024 08:15:AM)

Mù Cang Chải khai mạc Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ dày năm 2024

(28/12/2024 09:11:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE