quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Phát triển du lịch xanh ở Khánh Hòa

Thứ Năm, 15/02/2024 | 07:12:00 AM

Những năm gần đây, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa bắt đầu chú trọng phát triển du lịch xanh với việc hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần; xây dựng các mô hình du lịch thân thiện với môi trường; phát huy giá trị văn hóa bản địa vào hoạt động du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch xanh mới chỉ ở bước đầu, ngành du lịch Khánh Hòa cần hướng tới chuyển đổi xanh toàn diện, hướng đến phát triển du lịch bền vững…

 

Dòng nước trong xanh tại Khu du lịch Ba Hồ. 

Du lịch chuyển đổi dần sang sắc xanh

Nắm bắt nhu cầu của du khách ngày càng có xu hướng tìm về với thiên nhiên, ngành du lịch tỉnh đã đẩy mạnh phát triển du lịch xanh. Không chỉ những điểm du lịch giữa núi rừng, nơi đồng quê mới là du lịch xanh, Khánh Hòa đang muốn xanh hóa trong hoạt động du lịch. Từ năm 2019, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa tổ chức lễ phát động cuộc thi ý tưởng “Chống rác thải nhựa trong cơ sở lưu trú du lịch”, đồng thời vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa”. Hưởng ứng phong trào, một số doanh nghiệp đã sử dụng vật liệu phế thải để làm các vật trang trí như là thông điệp kêu gọi bảo vệ môi trường. Điển hình như Khu du lịch Champa Island Nha Trang với vườn hoa, cối xay gió, hải đăng bằng rác thải nhựa; Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú sử dụng vật liệu phế thải để xây dựng công viên rác thải 5.000 m2 ở Khu du lịch Hòn Lao - Đảo Khỉ… Đến nay, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở xứ Trầm Hương đã đồng loạt chuyển dần sang sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, như: sử dụng túi vải thay cho túi ni lông, ống hút giấy thay vì ống nhựa, chai nước bằng thủy tinh, các mỹ phẩm được chế xuất từ tinh dầu tự nhiên... Đi đầu trong xu hướng này, Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Cam Ranh (tiền thân là Ana Mandara Nha Trang) đã sử dụng chai thủy tinh để đựng nước lọc, ống hút làm bằng tre, hoặc làm bằng gạo dùng một lần… “Chúng tôi luôn hướng đến phát triển du lịch xanh với việc tạo dựng không gian xanh, hạn chế tối đa việc xả thải ra môi trường. Hiện nay, khu nghỉ dưỡng đã nói không với đồ nhựa dùng một lần”, ông Lê Đại Hải - Tổng Quản lý Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Cam Ranh chia sẻ.

.

Du khách trượt zipline ở Công viên du lịch Kong Forest (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm). 

Đặc biệt, nhiều resort đã đầu tư xây dựng các vườn rau, khu nông trại để du khách trải nghiệm. Từ nhiều năm nay, Khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay đầu tư vườn rau hữu cơ rất lớn. Năm 2022, Six Senses Ninh Van Bay ra mắt khu phức hợp Ninh Van Greens, được xem là khu nghỉ dưỡng có hệ sinh thái năng lượng mặt trời đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng để cung cấp năng lượng bền vững cho khu nghỉ như điện, rau sạch hữu cơ và nước nóng. Khu du lịch Champa Island cũng tiên phong trong việc hưởng ứng du lịch xanh với việc lắp đặt hệ thống pin mặt trời để sử dụng. Khu du lịch này còn có vườn rau, vườn quýt để khách tham quan. Ở khu Bãi Dài, các khu nghỉ dưỡng: Alma, The Anam… đã xây dựng vườn rau xanh, vườn cây ăn trái, trang trại nuôi gia cầm để khách đến tham quan, trải nghiệm.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, Khánh Hòa phát triển nhiều khu điểm du lịch sinh thái xanh, như: Khu du lịch Ba Hồ (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa), Nông Trại Vui (xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh), Khu du lịch Làng Nhỏ - Hồ Láng Nhớt (xã Diên Tân, Diên Khánh)… 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh cũng đang tìm hướng để phát triển du lịch xanh theo hướng du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Cuối năm 2023, UBND huyện Khánh Vĩnh đã ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho du lịch của địa phương phát triển lên tầm cao mới. UBND huyện Khánh Sơn cũng tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch năm 2023 nhằm giới thiệu tiềm năng và thu hút đầu tư du lịch để hướng tới đưa Khánh Sơn thành điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, lồng ghép không gian sinh thái nông - lâm nghiệp…

Cần thực hiện toàn diện

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch, việc các doanh nghiệp du lịch ở Khánh Hòa chủ động phát triển du lịch xanh là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để phát triển du lịch xanh, ngành du lịch Khánh Hòa cần phải thực hiện chuyển đổi xanh một cách toàn diện trong hoạt động du lịch. Đó là phát triển du lịch dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên; thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Du khách chèo thuyền tại suối Ba Hồ (Khu du lịch Ba Hồ, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa). 

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch cho biết, những năm qua, tỉnh và ngành du lịch luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển theo hướng du lịch xanh. Các doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng những người làm du lịch nói chung ngày càng có ý thức hơn về việc chuyển đổi xanh trong hoạt động du lịch. Tuy nhiên, phát triển du lịch xanh không phải là câu chuyện một sớm một chiều là làm được ngay. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án về chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030, trong đó phát triển du lịch xanh là một trọng điểm. Đây là nhiệm vụ, cũng là cơ hội để ngành du lịch tỉnh đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển du lịch xanh. Theo đó, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan để tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chương trình về phát triển sản phẩm du lịch xanh, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch thể thao mạo hiểm để hướng đến phát triển bền vững. Ngành sẽ xây dựng tiêu chí và triển khai dán nhãn du lịch xanh cho các cơ sở kinh doanh du lịch; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về chuyển đổi xanh cho các điểm đến du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch. Trước đây, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), Sở Du lịch đã thực hiện việc dán nhãn du lịch xanh cho các cơ sở lưu trú, điểm du lịch… nhưng chưa nhiều. Sắp tới, đơn vị sẽ khởi động lại việc này.

Xuân Thành

Nguồn: Báo Khánh Hòa - baokhanhhoa.vn - Đăng ngày 11/02/2024

Lượt xem: 294

Các tin khác

Đà Nẵng: Khi khách "Tây" dọn rác

(23/04/2024 06:07:AM)

''Xanh hóa'' du lịch, khách muốn có chuyến đi giảm ''dấu ấn'' môi trường

(16/04/2024 06:06:AM)

Vào Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) ngắm các loài chim đặc hữu

(14/04/2024 07:07:AM)

Du lịch Net Zero: Xu hướng mới của ngành du lịch

(11/04/2024 05:47:AM)

Du lịch di sản: Kết nối để phát triển bền vững

(09/04/2024 08:17:AM)

Trao "hộ chiếu xanh" khi du lịch xứ dừa

(29/03/2024 07:37:AM)

Đắk Lắk: Du lịch thân thiện với voi

(18/03/2024 06:47:AM)

Côn Đảo sẽ kiên quyết: Nói không với đốt hàng mã tại các di tích

(08/03/2024 05:56:AM)

Lâm Đồng: xây dựng một môi trường du lịch xanh và bền vững

(26/02/2024 04:52:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE