Phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hướng đến sử dụng tài nguyên bền vững
Phát triển du lịch, dịch vụ tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN - KB) là giải pháp hữu hiệu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhằm tăng thu nhập, giảm thiểu tác động tiêu cực lên tài nguyên.
Với định hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Bình và PN - KB là điểm đột phá, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý (BQL) VQG PN - KB đã từng bước đa dạng các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến, xã hội hóa du lịch nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Hoạt động du lịch đã có nhiều khởi sắc, mang diện mạo mới, từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp với nhiều loại hình du lịch hướng đến sử dụng tài nguyên bền vững và các giá trị được chia sẻ.
1. Tài nguyên du lịch của VQG PN - KB
Tài nguyên du lịch tự nhiên
Hang động: VQG PN - KB là Di sản thiên nhiên thế giới, có nhiều cảnh quan đẹp, thu hút khách du lịch bởi hệ thống hang động huyền bí và hấp dẫn, được mệnh danh là “Vương quốc hang động” với hàng trăm hang động lớn nhỏ, nhiều kiểu khác nhau như hang động khô, hang động nước, hang động giao nhau, trong đó có 404 hang động với tổng chiều dài trên 231 km đã được khảo sát, chia thành 3 hệ thống chính: Hệ thống động Phong Nha, hệ thống hang Vòm và hệ thống hang Chày. Hội nghiên cứu hang động Hoàng Gia Anh đánh giá hệ thống hang động PN - KB có giá trị hàng đầu thế giới vì giữ được nguyên vẹn các giá trị về địa chất - địa mạo, được hình thành bởi kết quả tiến hóa địa hình, địa chất, địa mạo từ hàng triệu năm về trước cùng nhiều giá trị nổi bật như Sơn Đoòng lập kỷ lục là động karst lớn nhất hành tinh, chiều cao chỗ lớn nhất lên đến 195 m, chiều rộng 150 m; động Én có cửa động cao nhất thế giới với độ cao 100 m, rộng 70 m; Thiên Đường - động khô dài nhất châu Á là 31,4 km; động Phong Nha có 7 tiêu chí nổi trội.
Suối Moọc (Ảnh: VQG PN - KB)
Hệ động, thực vật: VQG PN - KB mang đặc trưng kiểu rừng kín lá rộng thường xanh ẩm nhiệt đới trên núi đá vôi. Hệ thực vật tại VQG phong phú và đa dạng với sự có mặt của 2.953 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành. Một số oài cây gỗ quý, kích thước lớn như bách xanh, hoàng đàn giả, pơmu, chò đãi, chò nước, lát hoa, lim xanh, trầm hương, sến mật, nghiến, song mật và một số loài cây quý hiếm khác. Hệ động vật có 1.394 loài, thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành. Động vật đặc hữu ở khu vực gồm 41 loài với 40 loài đặc hữu của dãy Trường Sơn và 30 loài đặc hữu của Việt Nam. Một số loài thú quý hiếm như chồn dơi, cu li lớn, cu li nhỏ, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, khỉ đuôi lợn, voọc ngũ sắc, voọc Hà Tĩnh, vượn đen, vượn đen má trắng, beo lửa, báo gấm, cheo leo nam dương, bò tót, gấu chó, sóc bay lớn, sao la, mang lớn; khu hệ bò sát - lưỡng cư, cá, chim có nhiều loài quý hiếm, giá trị như rắn, tắc kè, công, trĩ sao, gà lôi, hồng hoàng.
Tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử
Ngoài những giá trị tự nhiên, PN - KB còn chứa đựng các giá trị về văn hóa, lịch sử và nhân chủng học. Giới khảo cổ khi nghiên cứu về PN - KB đều nhận định mảnh đất này có dấu tích con người nguyên thủy cách đây trên dưới 5.000 năm. Năm 2009, PN - KB được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia cấp đặc biệt, là nơi sinh sống của nhiều tộc người, mỗi tộc người đều có những tập quán sinh sống và bản sắc văn hóa riêng. Vùng đệm VQG có diện tích 220.000 ha với dân số 70.307 người (năm 2019). Ngoài người Kinh chiếm 83,1% tổng dân số, trong khu vực còn có nhiều tộc người cùng sinh sống của 2 dân tộc chính là Chứt (chiếm 4,3%, gồm các tộc người Sách, Mày, Rục, A rem) và Vân Kiều (chiếm 12,6%, gồm các tộc người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì, Sộ). Hai dân tộc này đang là đối tượng quan tâm nghiên cứu của các nhà dân tộc học, trong đó, Arem và Rục là các tộc người có dân số ít nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tộc người Rục được Tổ chức quốc tế Mỹ đánh giá là một trong 10 tộc người bí ẩn nhất hành tinh.
Nơi đây cũng đã tìm được nhiều bằng chứng khảo cổ như Di tích văn hóa Việt Cổ thời đại đồ đá giữa và đồ đá mới (Di chỉ Minh Cầm tại hang Đào, hang Yên Lạc có dụng cụ bằng đá, bôn đá có vai, rìu đá); Di tích văn hóa Chăm Pa được phát hiện tại các hang Bi Ký trong động Phong Nha (bàn thờ Chàm, chữ Chàm khắc trên vách đá, gạch, tượng đá, tượng phật, mảnh gốm và nhiều bài vị). Ngoài ra, PN - KB còn mang đậm dấu ấn các di tích lịch sử cách mạng, như bến phà Xuân Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh, đường 20 Quyết Thắng, Mụ Giạ, A.T.P, Trạ Ang, Cà Tang, các di tích hang Tám Cô, hang Chín Tầng, bến phà Nguyễn Văn Trỗi... Bên cạnh đó, nơi đây còn đa dạng các lễ hội dân gian truyền thống như lễ hội đền Nghe, tuồng bội Khương Hà, lễ đập trống Ma Coong, lễ hội rằm tháng 3 rất độc đáo và mang đậm dấu ấn về bản sắc văn hóa.
2. Các sản phẩm du lịch tại VQG
Du lịch khám phá thiên nhiên, thám hiểm hang động: Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới; khám phá thiên nhiên rào Thương - hang Én; thung lũng Hamada - hang Trạ Ang; hệ thống hang Vòm, hang Va - hang Nước Nứt; hang Đại Ả - Over - Pygmy; rừng Gáo - hang Ô Rô...
Du lịch tham quan: Hệ thống hang động như động Thiên Đường, động Phong Nha, động Tiên Sơn, Sông Chày - Hang Tối, Suối Moọc...
Thác Gió - Vườn Thực vật (Ảnh: Thành Vương)
Du lịch trải nghiệm gắn với với hệ sinh thái rừng: Khu nuôi thả bán hoang dã Núi Đôi, khu cứu hộ động vật hoang dã, vườn thực vật...
Du lịch tìm hiểu lịch sử cách mạng: Hang Tám Cô, hang Thông Tin, bến phà Xuân Sơn, sân bay Khe Gát, bến phà Nguyễn Văn Trỗi, các di tích lịch sử trên đường 20 Quyết Thắng và hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại...
3. Kết quả phát triển du lịch
Kết quả phát triển du lịch - dịch vụ đã thu hút lượng khách đến với di sản ngày càng tăng. Tổng lượng khách đến tham quan tại VQG PN - KB trong 5 năm qua (2017 - 2021) đạt hơn 3 triệu lượt, trong đó khách quốc tế gần 500.000 lượt, doanh thu từ phí và lệ phí đạt trên 900 tỷ đồng, riêng năm 2020 - 2021, số lượng khách du lịch giảm mạnh do tình hình dịch bệnh Covid-19. Du lịch ở VQG PN - KB không chỉ đóng góp phát triển kinh tế cho khu vực mà còn là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn di sản, giảm áp lực lên tài nguyên thông qua tạo việc làm cho người dân. Hơn 3.000 người dân vùng đệm tham gia vào hoạt động dịch vụ như ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, sản xuất hàng lưu niệm; tham gia vào các tổ bảo vệ rừng, nhóm bảo tồn thôn, bản, hướng dẫn viên du lịch, porter, đội chèo thuyền phục vụ khách du lịch (hiện có khoảng trên 400 thuyền), nhân viên chụp ảnh (khoảng 275 người). Du lịch PN - KB đã tạo ra xu hướng chuyển lao động trước đây từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang phát triển du lịch, dịch vụ… làm giảm đáng kể áp lực lên tài nguyên VQG, tạo điều kiện thuận lợi để làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo tồn di sản.
4. Công tác BVMT trong khai thác du lịch
Xác định tài nguyên di sản và môi trường du lịch vốn nhạy cảm và dễ bị tổn thương, do đó, cần đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; cần có chiến lược BVMT, phát triển du lịch phù hợp, trong đó lựa chọn sản phẩm du lịch dựa trên phát huy các giá trị tự nhiên và văn hóa. Mặt khác, hoạt động du lịch cùng các hoạt động dân sinh khác trong lòng di sản cần được định hướng một cách bền vững, đồng thời, phải kiểm soát nghiêm ngặt tác động về sức chứa, loại hình hoạt động và cân bằng nhịp sống của hệ sinh thái tại di sản. Những năm qua, BQL VQG PN - KB luôn chú trọng tới công tác BVMT trong quá trình khai thác du lịch, hướng đến sử dụng tài nguyên một cách bền vững.
Hoạt động thu gom, xử lý chất thải: Được chú trọng và triển khai thường xuyên, nhằm hạn chế tối đa sự phát tán các thành phần gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, tập trung quản lý chất thải rắn sinh hoạt từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại các tuyến, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong VQG thông qua việc ký hợp đồng với các công ty thu gom, xử lý rác thải.
Kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm: BQL VQG PN - KB thực hiện kiểm tra thường xuyên hoạt động BVMT của những đơn vị khai thác du lịch trên địa bàn, đánh giá những tác động của hoạt động du lịch lên các thành tạo thạch nhũ và các yếu tố môi trường. Kết quả cho thấy, các đơn vị quản lý, khai thác du lịch đã triển khai thực hiện nghiêm túc quy định của phát luật; chấp hành nghiêm chỉnh các tiêu chí BVMT tại đơn vị.
Đánh giá tác động môi trường, giám sát môi trường: BQL VQG PN - KB đã phối hợp với các đơn vị khai thác du lịch thực hiện đánh giá tác động môi trường ở các khu, tuyến, điểm du lịch: Động Thiên Đường, động Phong Nha - Tiên Sơn, sông Chày - Hang Tối, suối Nước Moọc, thung lũng Sinh Tồn theo quy định của pháp luật; thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo quy định… kết quả cho thấy các chỉ tiêu quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép.
Lồng ghép BVMT vào các kế hoạch, chương trình, dự án, đề án: Trong những năm qua, các đề án, dự án phát triển du lịch trong VQG luôn bám sát quy hoạch, kế hoạch của Chính phủ, UBND tỉnh để thực hiện (Quy hoạch chung xây dựng VQG PN - KB, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia PN - KB, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030; Kế hoạch quản lý hoạt động VQG PN - KB, di sản thế giới, giai đoạn 2013 - 2020; Kế hoạch chiến lược quản lý VQG PN - KB, Di sản thế giới, giai đoạn 2013 - 2025; Quy hoạch phát triển du lịch bền vững khu vực VQG PN - KB giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025).
Du khách trải nghiệm chèo kayak trong tuyến khám phá động Phong Nha
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT: Công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT đã được triển khai sâu rộng, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đem lại hiệu quả thiết thực đối với việc đẩy mạnh công tác BVMT trên địa bàn. Cụ thể: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website: phongnhakebang.vn, treo pano, áp phích hưởng ứng các sự kiện quan trọng về môi trường như Ngày Môi trường thế giới, Ngày Lâm nghiệp Việt Nam, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học... với nhiều hình thức như ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại nơi công cộng, trồng cây xanh, thực hiện tiết kiệm năng lượng, sử dụng bền vững hệ sinh thái và tài nguyên đa dạng sinh học.
Thực hiện các nghiên cứu về môi trường: BQL VQG chủ động thực hiện các công trình, dự án về BVMT như “Kế hoạch thử nghiệm diệt trừ loài bìm bôi hoa vàng tại VQG PN - KB”; tổ chức Hội thảo “Các giải pháp hạn chế tác động của du lịch đối với môi trường hang động” nhằm tham vấn ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý để hoàn thiện giải pháp hạn chế tác động của du lịch đối với môi trường hang động; hợp tác với Viện Địa chất, Viện Hóa học nghiên cứu về địa chất, các yếu tố môi trường hang động nhằm hỗ trợ cho công tác bảo tồn, phát triển du lịch.
5. Đề xuất giải pháp phát triển du lịch tại VQG PN - KB hướng đến sử dụng tài nguyên bền vững
Giải pháp về tầm nhìn, chiến lược quản lý, điều hành: Thực hiện phát triển du lịch theo hướng bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng trong phát triển du lịch… nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch. Xác định du lịch là loại hình kinh tế mũi nhọn, trọng điểm, trong đó, cần phân loại tài nguyên du lịch để có những đầu tư hợp lý cho khai thác du lịch.
Về phát triển nguồn nhân lực: Để phát triển du lịch trong thời đại hiện nay cần có chiến lược xây dựng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, cụ thể: Khảo sát, thống kê chính xác chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ hướng dẫn viên, phục vụ du lịch, trên cơ sở đó xây dựng phương án nâng cao chất lượng đội ngũ và bồi dưỡng hợp lý; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch; tập trung giáo dục, nâng cao ý thức trong cộng đồng về BVMT, bảo đảm an ninh trật tự; tăng cường công tác quản lý môi trường tại các khu, tuyến, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển khách.
Phát triển sản phẩm du lịch: Bên cạnh khai thác và phát triển bền vững các sản phẩm du lịch hiện có, cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng; xây dựng kịch bản cho các tour du lịch với các loại hình và thời gian khác nhau để phục vụ cho mọi đối tượng du khách; phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đi kèm với phát triển các loại hình dịch vụ bổ trợ, bản sắc văn hóa và hạ tầng du lịch… Ví dụ như kết hợp sản phẩm du lịch mạo hiểm, khám phá hang động, bảo tồn sinh thái với mô hình homestay, leo núi, dã ngoại, ngắm chim, thú; kết hợp tuyến du lịch với khai thác bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhằm làm phong phú, đa dạng hơn sản phẩm du lịch trên địa bàn; liên kết các khu, điểm du lịch khác để đa dạng hóa sản phẩm du lịch; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thêm vào phát triển loại hình vui chơi, giải trí hiện đại, mạo hiểm, đặc thù, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Quảng bá, xúc tiến du lịch: Để thu hút du khách trong và ngoài nước, cần có kế hoạch dài hạn về xây dựng thương hiệu phát triển du lịch; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh du lịch để tổ chức quảng bá hiệu quả, tập trung vào thị trường quan trọng. Cụ thể: Nghiên cứu tâm lý, thị hiếu của khách, từ đó đưa ra sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường và có hướng quảng bá hiệu quả đối với từng nhóm đối tượng; tăng cường thông tin tuyên truyền, giới thiệu du lịch trên mọi phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh hợp tác với các đoàn làm phim, nhiếp ảnh để quay phim, chụp ảnh, quảng bá về du lịch trên địa bàn.
Huy động nguồn lực phát triển du lịch: Kêu gọi nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi Chính phủ thông qua các dự án, hợp phần đầu tư cho phát triển du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch, thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch hang động; thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong hoạt động phát triển bền vững du lịch tại VQG.
Quản lý, BVMT: Thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung theo Luật BVMT năm 2020, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch đã được cơ quan chức năng phê duyệt; lồng ghép nhiệm vụ BVMT vào công tác quy hoạch, các hoạt động đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Cùng với đó, thực hiện đánh giá tác động môi trường tại các điểm, tuyến quy hoạch sử dụng dịch vụ tài nguyên rừng cho du lịch, những báo cáo đánh giá tác động môi trường cần thiết phải được tham vấn bởi nhà khoa học môi trường, sinh thái, sinh học, địa chất, thủy văn để có giải pháp an toàn nhất khi đi vào xây dựng và vận hành. Thực hiện nghiêm chỉnh công tác quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo quy định và có kế hoạch ứng phó phù hợp. Đối với vấn đề xử lý rác thải, cần đặt thêm thùng rác, điểm thu gom rác, tăng tần suất dọn dẹp vào những ngày cao điểm.
Chính sách về phát triển cộng đồng và chia sẻ lợi ích: Cần đặc biệt coi trọng vai trò của cộng đồng địa phương trong việc đưa ra chiến lược phát triển du lịch, thể hiện ở ba khía cạnh: Tôn trọng ý kiến của cộng đồng; tôn trọng vai trò chủ thể của cộng đồng trong việc quản lý, phát triển điểm đến; tôn trọng quyền lợi của cộng đồng trong việc phân phối lại lợi ích từ hoạt động du lịch. Như vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng địa phương tham gia một cách tích cực nhất vào các hoạt động phát triển du lịch; phải có chính sách, quy định đối với các tổ chức khai thác du lịch để đảm bảo có sự chia sẻ lợi nhuận cho cộng đồng và cho công tác bảo tồn tài nguyên, môi trường. Thông qua hoạt động phát triển du lịch, cộng đồng có công ăn việc làm ổn định, nguồn thu nhập cao hơn, nhờ đó sẽ hạn chế được sức ép của cộng đồng đối với tài nguyên, môi trường du lịch, góp phần tích cực vào phát triển bền vững.
Lê Thị Phương Lan, Nguyễn Thị Khánh Huyền, Hoàng Hải Nguyên
Ba