Ảnh: IE
* Nguồn tài nguyên du lịch sinh thái - Phát triển "nóng"
Tính đến tháng 1/2018, Việt Nam có 32 vườn quốc gia, 8 khu Ramsar, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 khu di sản thế giới, 5 khu vườn di sản ASEAN, 63 vùng chim quan trọng được tổ chức Bảo tồn chim thế giới công bố trên toàn cầu. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch sinh thái.
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Việt Nam được xếp thứ 16 trong số các quốc gia có
đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Đa dạng sinh học được xem là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái. Các hệ sinh thái điển hình có tính
đa dạng sinh học cao với 14.624 loài thực vật thuộc gần 300 họ, 1.000 loài lấy gỗ, 100 loài có dầu, hơn 1.000 loài cây thuốc, 100 loài quả rừng ăn được; 11.217 loài và phân loài động vật, trong đó có 1.009 loài và phân loài chim, 265 loài thú, 349 loài bò sát lưỡng cư, 2000 loài cá biển… 10 loài thú đặc trưng nhiệt đới. Một số hệ sinh thái tự nhiên có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch sinh thái gồm hệ sinh thái san hô, đất ngập nước, cát ven biển, rừng nhiệt đới.
Hoạt động du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thu hút trên 30% lượng khách du lịch; các khu rừng đặc dụng mỗi năm có trên dưới 2.000 khách tham quan. 5 hình thức du lịch sinh thái đang được khai thác như: Du lịch tham quan, nghiên cứu ở một số khu vườn quốc gia; du lịch thám hiểm, nghiên cứu vùng núi cao; du lịch lặn biển; thám hiểm hang động và tham quan miệt vườn, sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Việc phát triển "nóng" du lịch, đặc biệt vào mùa cao điểm làm vượt quá sức chứa, sức chịu tải môi trường gây ảnh hưởng đến các loài thực vật và tập tính của các loài động vật tại các khu, điểm du lịch.
Hoạt động du lịch phát sinh các chất thải rắn, nước thải chưa được thu gom và xử lý kịp thời gây ô nhiễm môi trường sống của các hệ sinh thái. Ngân hàng Thế giới ước tính mỗi năm Việt Nam mất đi ít nhất 69 triệu USD thu nhập từ ngành du lịch do hệ thống xử lý vệ sinh nghèo nàn, ô nhiễm môi trường. Rác thải nhựa, túi nilon từ khách du lịch đe dọa các loại động vật biển. Nước thải tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch không được xử lý đổ thẳng ra môi trường, là nguyên nhân đe dọa tới đa dạng sinh học.
Sự phát triển du lịch nhanh chóng đã tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên như phá hủy rạn san hô, thay đổi mục đích sử dụng đất gây suy giảm diện tích rừng, chia cắt sinh cảnh…, ảnh hưởng đến các loài thực vật, làm mất nơi sinh sống, kiếm ăn cũng như ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của các loài động vật. Người dân địa phương khai thác quá mức các loài động, thực vật đặc hữu tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn để phục vụ nhu cầu thưởng thức, mua về của khách du lịch đe dọa tuyệt chủng loài.
Việc thiếu kiểm soát đối với phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, khai thác quá mức tài nguyên tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học. Quan hệ liên ngành trong quản lý môi trường, bảo tồn
đa dạng sinh học còn thiếu chặt chẽ, phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Nhiều khu du lịch sinh thái không có quy hoạch phát triển. Chưa có quy định, quy chế quản lý tốt nên có nhiều hoạt động du lịch xâm hại đến tài nguyên. Cộng đồng địa phương chưa được coi trọng, chưa được hưởng lợi ích trực tiếp từ du lịch.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường cho rằng: Với áp lực phát triển kinh tế và gia tăng dân số khiến
đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị đe dọa. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ của quốc tế cho các dự án
đa dạng sinh học ngày càng giảm, ngân sách đầu tư cho
đa dạng sinh học thấp. Nhìn chung, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chức năng quản lý còn chồng chéo, giá trị của
đa dạng sinh học chưa được đánh giá, lượng hóa đầy đủ cho việc ra quyết định; thiếu thông tin, dữ liệu cập nhật về tình trạng đa dạng sinh học.
Theo đánh giá mới nhất của Báo cáo hiện trạng
đa dạng sinh học toàn cầu: Kế hoạch chiến lược thực hiện công ước
đa dạng sinh học giai đoạn 1 đã không đạt được mục tiêu giảm đáng kể tốc độ mất mát đa dạng sinh học. Bởi vậy, giai đoạn 2 đến năm 2020 sẽ tạo cơ hội để tổng hòa hỗ lực của các bên nhằm thúc đẩy công tác bảo tồn
đa dạng sinh học và sử dụng bền vững dịch vụ hệ sinh thái.
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quý, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên & Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Phải xây dựng một kiểu kinh tế - xã hội mới, lấy con người làm trung tâm và dựa trên cơ sở bảo tồn. Điều này có nghĩa là cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người trên cơ sở duy trì tính đa dạng và năng suất của thiên nhiên. Muốn đạt được mục tiêu cần hành động trên nhiều lĩnh vực, phải có những thay đổi trong mọi quyết định và tổ chức hành động cho từng người cũng như cả cộng đồng.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Minh, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Phát triển du lịch sinh thái phải đảm bảo thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với thiên nhiên và người dân bản địa. Nhà nước hoàn thiện các chính sách, lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn
đa dạng sinh học cho các đối tượng tham gia du lịch và giám sát chặt chẽ việc thực hiện, tăng cường công tác giáo dục bảo tồn, nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị của đa dạng sinh học, nghiên cứu sức chịu tải, đồng thời, mở rộng phát triển du lịch ra vùng đệm của các vườn quốc gia và khu bảo tồn nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và
đa dạng sinh học vùng lõi. Việt Nam tích cực thực hiện các quy định tại Nghị định và Công ước quốc tế về đa dạng sinh học, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn nhằm tranh thủ nguồn lực và tri thức bản địa trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học..